Đây là bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 2118 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm giải giáp vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông này. Liên Hợp Quốc và các nước liên quan cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc tổ chức Hội nghị hòa bình về Syria - còn gọi là Hội nghị Geneva 2 vào giữa tháng 11 tới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 7/10, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Martin Nesirky cho biết, tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đã bước sang ngày thứ hai và sẽ tiếp tục được triển khai trong những ngày tới.
Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc quyết tâm thúc đẩy việc tổ chức hội nghị Geneva 2 vào giữa tháng 11 tới: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tin rằng Hội nghị sẽ được tổ chức vào giữa tháng 11 tới và đặt quyết tâm cao nhất trong việc tổ chức hội nghị này. Mọi người đều biết rằng việc đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán là điều không dễ dàng và đặc phái viên Brahimi cũng đã bày tỏ lo ngại về điều này. Nhưng chúng ta quyết tâm thúc đẩy tổ chức Hội nghị vào giữa tháng 11 tới”.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc cho rằng, tất cả các nước và các bên có ảnh hưởng tại Syria cần phát huy vai trò của mình để bảo đảm rằng một phái đoàn độc lập của phe đối lập và phái đoàn của chính phủ Syria sẽ tham dự hội nghị Geneva 2.
Nhóm chuyên gia giải trừ vũ khí của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) hiện đang có mặt ở Syria để từng bước tiếp cận các kho vũ khí để kiểm tra, tháo dỡ và phá hủy.
Thanh sát viên Liên Hợp Quốc tại Syria (Ảnh: Reuters)
Hoạt động này sẽ diễn ra trong 9 tháng với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là loại bỏ khả năng Syria có thể sản xuất vũ khí hóa học trước ngày 1/11 tới. Nhiệm vụ của Nhóm được cho là rất nặng nề vì theo ước tính, hiện có hơn 1.000 tấn vũ khí hóa học - trong đó có cả khí độc sarin được cất giữ tại 45 địa điểm nằm rải rác trên khắp cả nước.
Nga-Mỹ, “đồng tác giả” của thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria cũng đã hoan nghênh những nỗ lực của Tổng thống al-Assad trong việc nhanh chóng bắt đầu tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại đảo Bali của Indonesia, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Phía Nga sẽ làm hết sức mình để bảo đảm rằng Syria sẽ hợp tác và không để xảy ra có bất kỳ thay đổi nào”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria đã được khởi động trong một thời gian kỷ lục, tức chỉ một tuần sau khi có nghị quyết của Liên Hợp Quốc, một số vũ khí hóa học đã được tiêu hủy; đồng thời đánh giá cao sự hợp tác của Nga và sự tuân thủ một cách rõ ràng của Syria.
“Đó cũng là niềm tin đối với chính quyền ông al-Assad trong việc nhanh chóng tuân theo nghị quyết. Chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ tiếp tục diễn ra suôn sẻ. Tôi không thể bảo đảm những gì sẽ diễn ra trong những tháng tới, nhưng đó là sự khởi đầu tốt đẹp”.
Như vậy, sau rất nhiều khó khăn, đề xuất của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế, đồng thời đề nghị nước này tham gia vào Công ước quốc tế về thủ tiêu vũ khí hóa học, đã giúp tháo được “nút thắt” Syria.
Đề xuất này là cơ sở để Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết mang tính đột phá về Syria với sự đồng thuận của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên cho đến nay, phản ứng tiêu cực từ phe đối lập Syria vẫn là một trở ngại lớn trong tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Bất chấp thiện chí của chính phủ Syria, lực lượng này vẫn không sẵn sàng tham dự hội nghị Geneva 2 vì họ đặt ra điều kiện tiên quyết là phải loại bỏ Tổng thống al-Assad trong tiến trình chuyển tiếp chính trị.
Theo VOV