Tiền trợ cấp thôi việc phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi nào?

Tiền trợ cấp thôi việc phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi nào?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Chủ nhật, 21/06/2020 07:45

Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng được khoản tiền này và nếu được, mức tiền của mỗi người cũng khác nhau.

Mới đây, một công ty ở quận Bình Tân, TP.HCM thông báo sẽ chính thức cho khoảng 2.800 công nhân nghỉ việc từ ngày 5/8.

Công ty này cho biết, sẽ chi trả mức trợ cấp thôi việc cao nhất là 300 triệu đồng/người và thấp nhất là 3 triệu đồng/người, mức trợ cấp bình quân mỗi người từ 60 đến 70 triệu đồng/người.

Từ sự việc trên, nhiều người có thắc mắc điều kiện được hưởng trợ cấp này như nào? Có phải chịu thuế thu nhập hay không?

Chính sách - Tiền trợ cấp thôi việc phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi nào?

Tiền trợ cấp thôi việc phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi nào? (Ảnh minh họa)

Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2012, người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc khi đáp ứng đủ các điều kiện:

Thứ nhất, chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp:

+ Hết hạn hợp đồng lao động

+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động

+ Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động

+ Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án

+ Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết

+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã

Thứ 2, đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.

Lưu ý, các trường hợp sau không được hưởng trợ cấp thôi việc:

-Người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động được gia hạn hợp đồng đến hết nhiệm kỳ.

- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.

- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

Cách tính trợ cấp thôi việc mới nhất

Căn cứ Điều 48, Bộ luật lao động 2012 quy định việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động dựa trên nguyên tắc: Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương với công thức tính trợ cấp thôi việc mới nhất:

Tiền trợ cấp thôi việc = 0,5 x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Trong đó: Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc (theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH). Bao gồm:

Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng. Đối với người hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương này tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

- Phụ cấp lương (khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố điều kiện lao động, tính phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ).

- Các khoản bổ sung khác.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc (theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP).

- Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động gồm:

+ Thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động.

+ Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học.

+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản.

+ Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương.

+ Thời gian nghỉ hàng tuần.

+ Thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương.

+ Thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn.

+ Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công mà được người sử dụng lao động trả lương.

+ Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

+ Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

- Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

+ Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp;

+ Thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp;

+ Thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Lưu ý, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính theo năm (đủ 12 tháng). Trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 đến 6 tháng được tính bằng 1/2 năm, từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.

Trợ cấp thôi việc có chịu thuế thu nhập cá nhân không?

Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định về các khoản thu nhập chịu thuế gồm:

-Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động….

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau: Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.