Ông nhận định như thế nào về sự tiện dụng của đồng tiền xu hiện nay?
Khi Nhà nước chuẩn bị phát hành đồng tiền xu đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc mệnh giá 200 đồng có cần thiết hay không, tính tiện dụng của tiền xu ra sao và cần phải dựa vào tính tất yếu cần thiết của đồng xu trong thanh toán. Tuy nhiên, sau gần 9 năm phát hành, đồng tiền xu đã không còn “đất sống” và thay vì sự tiện dụng lại trở thành sự bất tiện đối với người dân mỗi khi giao dịch, thanh toán.
TS. Lê Đăng Doanh
Việc tiền xu bị chối bỏ hoàn toàn trong thanh toán của đời sống xã hội do đâu, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi, do lạm phát, đồng tiền xu mệnh giá quá nhỏ nên người dân không còn dùng nữa. Tiền giấy mệnh giá nhỏ lại vô cùng tiện dụng trong thanh toán. Hơn nữa, ở nước ngoài khi đã phát hành tiền xu mệnh giá nhỏ gần như thay thế hoàn toàn tiền giấy, nhưng ở Việt Nam, tiền xu và tiền giấy vẫn tồn tại song hành, việc người dân từ chối tiền xu là điều dễ hiểu.
Tiền kim loại bắt đầu đi vào lưu thông từ cuối năm 2003 với mục đích tạo tiền đề cho phát triển các hình thức thanh toán tự động. Nhưng vì nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan mà đến nay nó hầu như không còn vị trí trong lưu thông. Tính đến thời điểm này khi hệ thống thanh toán tự động vẫn chưa được tạo dựng thì tiền xu chính thức rơi vào trạng thái chết yểu. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, đồng tiền xu được sử dụng phổ biến tại các cửa hàng bán tự động. Trẻ con muốn mua vài cái kẹo, chai nước… chỉ cần bỏ một đồng tiền xu là có thể mua được. Nhưng ở Việt Nam, muốn đưa đồng tiền xu vào lưu thông cũng khó vì “bói” cũng không ra một dịch vụ công cộng nào “xài” tiền xu cả. Tôi xin nhấn mạnh, ở nước ngoài, tiền xu được sử dụng rộng rãi từ nhà ga, bến xe buýt, các điểm công cộng… vì thế nó mới có “đất sống”.
Ở ta, việc phát hành tiền xu chẳng khác gì việc “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Rất thiếu hợp lý và không hiệu quả.
Phải chăng tiền xu không có “đất sống” là do chất lượng kém, thưa ông?
Đó cũng là một trong số những lý do khiến đồng tiền xu bị… “chê”. Có một thực tế, chất lượng tiền xu của ta quá kém, chất lượng của các hợp kim rất thấp dẫn đến “xuống màu” nhanh- han gỉ, hoen ố. Cũng từ việc “xuống màu” nhanh dẫn đến đồng tiền mất giá trị. Khi mang tiền ra chợ, ngay cả đến bà bán rau cũng “chê” thì đó cũng là điều đáng suy ngẫm. Nhìn những đồng tiền xu bị han gỉ, ố vàng ai cũng thấy xót xa. Đó không chỉ là sự lãng phí, mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm và lòng tự trọng của những người làm ra nó.
Như ông vừa nói, sự thất bại của việc phát hành đồng tiền xu cũng đồng nghĩa với sự lãng phí, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi, trước khi chúng ta có chủ trương phát hành đồng tiền xu thì cần có kế hoạch toàn diện hơn “bởi, khi phát hành một đồng tiền ta phải tính toán đến giá trị thanh toán của nó. Thực tế, tiền xu bị từ chối hoàn toàn trong thanh toán, đó là một điều rất đáng tiếc và cũng là một sự lãng phí. Để sản xuất một đồng tiền kéo theo nó chi phí tương ứng có thể ngang bằng hoặc đắt hơn mệnh giá của đồng tiền đó. Vì thế, khi phát hành phải đầu tư hơn về chất lượng hợp kim. Đầu tư mà không tương xứng dẫn đến đồng tiền bị “chết yểu” thì đó là một sự lãng phí rất lớn!
Có ý kiến cho rằng, đồng tiền xu mất dần giá trị thanh toán thì nên thu hồi. Theo ông, đó có phải là giải pháp hữu hiệu nhất?
Trong thực tế hiện nay, đồng tiền xu không được sử dụng nữa, người bán hàng cũng không chấp nhận đồng tiền ấy. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước nên thu hồi lại và phát hành đồng tiền xu mới vào một thời điểm thích hợp và có chiến lược toàn diện. Tránh tình trạng “sinh con rồi mới sinh cha”- phát hành tiền xu rồi mới rục rịch quy hoạch các dịch vụ công cộng tương ứng cũng như phát triển các hình thức thanh toán tự động.
Theo tôi, để tiền xu được lưu thông rộng rãi hơn trong các giao dịch nhỏ lẻ thì cần đầu tư vào một số cơ sở vật chất như điện thoại công cộng, máy bán hàng tự động như bán cafe, vé tàu, vé xe buýt, vé xem phim, nạp tiền điện thoại... Khi nào người dân thấy được sự tiện lợi của những dịch vụ đó thì hiển nhiên họ sẽ làm theo và khi ấy tiền xu không còn bị… “chê”.
Xin cảm ơn ông!
TS. Lê Đăng Doanh nhận định: “Mỗi quốc gia khi phát hành tiền xu thường gắn liền với dấu ấn, sự kiện lịch sử của dân tộc, với quốc huy và lãnh tụ của đất nước đó - đó chính là niềm tự hào của dân tộc, của người dân, là những giá trị tinh thần lớn lao hơn cả vật chất”. |
Hương Lan (thực hiện)