Tiếng kêu cứu từ 'làng ung thư' giữa lòng thủ đô

Tiếng kêu cứu từ 'làng ung thư' giữa lòng thủ đô

Thứ 6, 20/12/2013 10:34

Ở hai xã Mai Lâm và Dục Tú (huyện Đông Anh, HN), hàng trăm người chết vì ung thư chỉ trong vòng 1-2 năm, trẻ con và người già thường xuyên bị mắc bệnh về đường hô hấp…

Nguyên nhân của thực trạng trên theo người dân hai là do chất thải từ những xưởng nấu keo dán gỗ, lò đúc kim loại và xưởng sản xuất gỗ ép hoạt động ngay trong khu dân cư…

Đua nhau xả độc ra môi trường

Theo phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm tại địa bàn hai xã Mai Lâm và Dục Tú (huyện Đông Anh, HN), PV nguoiduatin.vn đã có mặt tại địa bàn để tìm hiểu tình hình.

Dọc đường vào các thôn: Du Nội, Lộc Hà (xã Mai Lâm), Đồng Dầu (xã Dục Tú) đang tồn tại gần 50 xưởng sản xuất keo gỗ ép, lò đúc kim loại, nấu dầu tái chế và xưởng sản xuất gỗ dán.  Nhìn từ xa, rất nhiều cột khói đen cuộn lên từ những ống khói của các xưởng đang sản xuất. Đi qua những xưởng nấu keo và làm gỗ ván ép, hóa chất trong quá trình nấu keo lẫn vào không khí khiến người qua đường mắt cay xè, đỏ hoe, không khí mịt mù bụi bẩn…

Tại xưởng sản xuất gỗ ép của ông bà Đức Nga (thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú), vừa bước vào đến cổng xưởng, hơi cay bốc lên nồng nặc khiến người đi đường vô cùng khó thở. Vào trong xưởng, khói trắng mù mịt, mờ cả mặt người. Lại gần nơi sản xuất, các công nhân đang xúc từng xẻng gỗ đã nghiền nhỏ cho lên bàn trước khi đưa vào ép. Mặc dù đã bịt hai lần khẩu trang, nhưng cứ vài phút PV lại phải ra ngoài vì nước mắt dàn dụa.

Một công nhân cho biết, gỗ nghiền đã được tẩm keo sẵn, giờ chỉ cho vào khuôn rồi đưa vào máy ép. Khi máy ép xuống, khói trắng đục bay là là quanh xưởng, khiến cả xưởng lúc nào cũng mờ mịt. Dù đã làm mái xưởng cao lên, mái xo le nhưng cũng không thể thoát hết không khí lên trời.  

Phía bên ngoài xưởng, chiếm 1/3 cái sân rộng là những thùng phi màu xanh đựng Fomadehit (chất hóa học dùng sản xuất keo gỗ dán) chất cao như núi, ngay cạnh đó là lò nấu keo để làm gỗ ép.

Xã hội - Tiếng kêu cứu từ 'làng ung thư' giữa lòng thủ đô

Các xưởng sản xuất "vô tư" xả thải ra môi trường.

Ở một số xưởng khác tại thôn Đồng Dầu, cách sản xuất cũng không khác gì những xưởng kia. Các xưởng này đều xây dựng sơ sài, phương pháp để tản bớt khói và mùi là họ xây dựng xưởng thoáng hơn, mái xưởng cao hơn. 

Tại các lò đúc kim loại, nhìn từ bên ngoài, nếu không phải người địa phương sẽ cho rằng các xưởng chỉ đơn thuần là…kho phế liệu.Nhưng phía sau những cánh cổng bằng tôn sắt tạm bợ là ngổn ngang từng đống kim loại các kiểu không rõ nhập về từ đâu và đã qua công đoạn xử lý vệ sinh. 

Hầu hết các xưởng đều “vô danh”, bên trong ngập ngụa phế thải, muội khói bám đầy, hai bên đường cũng rải đầy xỉ lò đen cứng như đá.

Những xưởng này “lộ nguyên hình” từ khoảng 21h hàng ngày. Lò nung thủ công bắt đầu hoạt động, khói nghi ngút kèm theo bụi kim loại, muội than và vô số loại chất khác theo hướng gió tấn công vào mấy thôn liền kề. 

Đã nhiều năm nay, người dân xã Mai Lâm và xã Dục Tú phải chịu đựng cảnh này, họ cũng đã không ít lần kiến nghị trong các cuộc họp ở thôn, xã, tuy nhiên không hiểu vì lí do gì, các xưởng sản xuất gỗ ván ép, nấu keo này vẫn tiếp tục hoạt động.

“Làng ung thư”

Ông Nguyễn Văn X (người thôn Dục Tú) bức xúc cho biết: “ Cứ tầm 9-10 giờ sáng và 21h đêm là các xưởng bắt đầu hoạt động, nhà nào vào giờ này cũng phải đóng cửa kín mít, ngồi trong nhà mà vẫn phải bịt khẩu trang để tránh mùi chất hóa học do các xưởng thải ra. Họ còn xây nhà xưởng ngay cạnh trường mầm non, Trung tâm bảo trợ xã hội,… mỗi lần tôi đưa cháu đến trường đều không thể chịu nổi cái mùi và khói độc hại ấy”.

Theo ông X, tình trạng này kéo dài gần 10 năm nay khiến đời sống của các hộ dân nhiều thôn trong hai xã Mai Lâm và Dục Tú vô cùng khổ sở. 

Xã hội - Tiếng kêu cứu từ 'làng ung thư' giữa lòng thủ đô (Hình 2).

Nhiều xưởng sản xuất đặt ngay trong khu dân cư.

“1-2 năm gần đây, số người trong thôn Đồng Dầu, Du Nội,  Dục Tú, Ngọc Hạ chết trẻ vì ung thư gan, phổi, vòm họng đã lên tới con số gần trăm người. Có gia đình chết tang trùng tang, hai anh em cùng chết vì ung thư phổi khiến chúng tôi vô cùng lo sợ. Ngày xưa, khi những xưởng sản xuất này chưa mọc lên thì làm gì có hiện tượng người chết vì ung thư nhiều như thế xảy ra. Giờ hai thôn Đồng Dầu và Dục Tú còn được gọi với cái tên là “làng ung thư”. Không những thiệt hại về người, hoa màu của chúng tôi ở nhiều thửa ruộng cũng mất trắng do khí thải của các xưởng sản xuất này”, ông X cho biết thêm.

Người dân sống ở gần các xưởng này đều than thở, họ đã kiến nghị rất nhiều lần lên chính quyền, nhưng đều không được giải quyết. Nhà nào ở gần các xưởng thì luôn trong tình trạng phải đóng kín cửa, tuy nhiên cũng vẫn "khóc” vào mỗi sáng và chiều tối khi xưởng hoạt động. Dù chưa biết chất thải từ các xưởng sản xuất là gì, nhưng người dân đều tỏ ra lo ngại và mong muốn cơ quan chức năng về kiểm tra, đo nồng độ độc hại thải ra môi trường và trả lại không gian trong lành cho người dân yên ổn sinh sống.

Hiện nay,  tình trạng ô nhiệm đang ngày một nặng nề, số người ung thư trong các xã ngày một tăng lên. Người dân vô cùng lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của mình bị đe dọa.

Bà con nơi đây không khỏi đặt ra câu hỏi có hay không sự móc ngoặc, cấu kết giữa những chủ sở hữu xưởng gỗ ép và đúc kim loại với chính quyền địa phương để bưng bít tình trạng ô nhiễm tại địa bàn hai xã Mai Lâm và Dục Tú?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về thực trạng này.

Ngọc Pham - Sơn Tùng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.