Những con số biết nói
Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng - vụ Quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ bộ NN&PTNT, trong số 230 ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ hiện nay thì khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 55 BQL (quản lý 856.685 ha); Bắc Trung Bộ chiếm số lượng tổ chức quản lý rừng phòng hộ nhiều nhất cả nước, quản lý trên một khu vực rộng lớn lên đến gần 951.000 ha.
Tiếp đến là các vùng sinh thái Đông Bắc (38 BQL rừng) quản lý trên 828.414 ha; Tây Bắc (745.842 ha); Tây Nguyên (quản lý 882.132 ha);…
Cũng theo ông Hưng thì hiện nay cộng đồng, các hộ gia đình, lực lượng vũ trang được giao quản lý hơn 330.000 ha rừng phòng hộ. Còn lại, phần lớn diện tích rừng phòng hộ do các BQL rừng quản lý.
Tuy nhiên, năng lực trong quản lý bảo vệ rừng của các cơ quan này còn hạn chế, với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách quá mỏng. Các loại hình rừng phòng hộ ven biển cũng chưa có sự quan tâm đúng mức.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Hải Văn- Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, chức năng của rừng phòng hộ là các khu vực được sử dụng để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu và góp phần bảo vệ môi trường.
Thế nhưng trên thực tế rừng phòng hộ lại đang bị “rút ruột” bằng nhiều cách. Bà Vân đưa ra con số đáng báo động với tỷ lệ giảm 1,43 triệu ha rừng tự nhiên (chiếm 84,1%) cho đến nay. Rừng phòng hộ là rừng trồng tăng từ năm 2004-2012, nhưng cũng bắt đầu giảm mạnh từ 2013 đến nay.
Bên cạnh đó, có 59 BQL rừng phòng hộ trong phạm vi đánh giá có rất nhiều lần biến động diện tích thay đổi, trong đó có gần 120 lần thay đổi giảm diện tích.
Trên thực tế, tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép vẫn tiếp diễn và có xu hướng phức tạp, đặc biệt là các khu tiếp giáp hồ chứa, đường giao thông, sản xuất nông nghiệp.
Một số ý kiến cũng cảnh báo về tần suất lũ và mức độ khốc liệt có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc phá hoại, mất rừng đầu nguồn trong thời gian vừa qua.
Bà Ngô Thị Hiệu- người từng có thời gian công tác tại một BQL rừng phòng hộ thừa nhận tình trạng gần 50% các rừng phòng hộ đang bị chuyển đổi sang các mục đích khác nhau, như xây dựng thủy điện, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sang xây dựng hạ tầng nông thôn.
Tất cả những bất cập nêu trên khiến đặt câu hỏi lớn về vai trò, quyền lực và năng lực của các BQL rừng phòng hộ. Yếu kém trong công tác quản lý đã cho thấy rõ sự bất lực của các cơ quan này.
Đó là chưa kể, các thống kê còn cho thấy còn hơn 1,28 triệu ha đất rừng phòng hộ “chưa có chủ” đang do các UBND xã tại nhiều địa phương tạm quản lý.
Nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên cũng chỉ ra việc 42/49 BQL rừng phòng hộ hiện nay đều có các diện tích rừng phòng hộ nằm xen lẫn rừng sản xuất, dẫn tới không phân minh trong hoạt động khai thác.
Chẳng hạn, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được thành lập từ BQL rừng phòng hộ Quế Phong, với tổng diện tích trên 85.700 ha rừng, đất lâm nghiệp và trường hợp rừng phòng hộ Mang Yang (Gia Lai) quản lý 11.000 ha nhưng đang bị phân mảng manh mún, với 1.300 lô rừng khác nhau.
Phải làm rõ trách nhiệm
Một đại diện lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ TN&MT thừa nhận, tất cả những bất cập trong quản lý rừng phòng hộ lâu nay như căn bệnh mãn tính, nói nhiều, nói rất nhiều, cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng biết, cũng hay, nhưng lại dây dưa, trông đợi vào tiền ngân sách, ít chủ động tìm giải pháp tháo gỡ. Đó chính là bất cập khiến cho tài nguyên này bị “rút ruột” hàng ngày một cách không thương tiếc.
Ông Nguyễn Danh Đàn- đại diện dự án JICA 2 (Nhật Bản) chia sẻ, để ngăn chặn việc “rút ruột” rừng phòng hộ thì kinh nghiệm là phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Chẳng hạn, trách nhiệm của UBND các tỉnh có rừng phòng hộ (phê duyệt dự án; chỉ đạo hướng dẫn các UBND huyện/xã sử dụng giá trị sản phẩm từ rừng phòng hộ,…); Trách nhiệm của BQL các rừng phòng hộ, quản lý, bảo vệ và khai thác rừng, trách nhiệm về phân chia hưởng lợi, quản lý giá trị sản phẩm từ khai thác rừng trồng; trách nhiệm của Bộ NNPTNT trong giải quyết những bất cập, hạn chế, chỉ đạo phương án khả thi để giải quyết.
Một số góp ý đặt trách nhiệm vào các UBND xã, nơi đặt chân của các khu vực rừng phòng hộ, trong đó có công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy chế bảo vệ rừng phòng hộ đến từng người dân gần rừng; tham gia giám sát thực hiện hợp đồng khoán giữa BQL rừng phòng hộ và bên nhận khoán với trách nhiệm là đại diện chính quyền địa phương.
Theo Thành Luân (Báo Đại đoàn kết)