Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Thị Kim Quý - Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết: “Tôi từng tư vấn cho không ít trường hợp là nạn nhân của nạn bạo hành. Điều đáng, trong số đó không ít trường hợp là nạn nhân của bạo hành tình dục”.
TS. Quý kể lại: “Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, có một phụ nữ ở Thái Bình tức tưởi gọi qua điện thoại cầu cứu, xin được tư vấn. Chị này cho biết, công việc của chị là nguồn thu nhập chính trong gia đình song chị thường xuyên bị người chồng nghiện rượu đánh đập, rồi lại ép quan hệ ngay sau đó.
Mỗi lần như thế, dù không mong muốn và đau đớn, thậm chí cảm thấy nhục nhã, nhưng chị vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì chị nghĩ đã là vợ thì phải chấp nhận như vậy. Để rồi sau đó, chỉ còn chị phía sau cánh cửa buồng với những tiếng khóc uất nghẹn trào dâng”.
Vị chuyên gia này bức xúc nói: “Tôi luôn day dứt với câu hỏi tại sao có những người phụ nữ có thể chấp nhận, chịu đựng và sống sót trong thời gian đằng đẵng hàng chục năm bị chồng hành hạ mà không tìm đến các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ?”
Cũng theo TS. Quý, nạn bạo hành tình dục gia tăng khiến cho một bộ phận giới trẻ hiện nay sính trào lưu làm mẹ đơn thân. Họ không muốn trở thành nạn nhân, thậm chí là tội nhân trước định kiến xã hội.
Nhận định về thực trạng này, bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP)cho rằng, bạo lực tình dục vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chúng ta chỉ thường nghĩ đến bạo lực như là những hành vi sử dụng sức mạnh, gây ra các tổn thất về thể chất, kinh tế và tinh thần có thể nhìn thấy và đo lường. Cách nhìn hạn hẹp này vẫn còn được sử dụng trong luật pháp.
Theo bà Tú Anh, một phần rất lớn các hành vi bạo lực và hậu quả là rất khó nhìn thấy, khó đo lường, thậm chí vô hình và vì thế không được thừa nhận. Sự vô hình và không được thừa nhận này càng nghiêm trọng trong bạo lực tình dục. Nhiều hành vi bạo lực bị “vô hình hóa”; nhiều nhóm nạn nhân cũng trở nên “vô hình”, thậm chí trở thành “tội nhân” do các định kiến mang tính bất bình đẳng giới.
Các chuyên gia cũng mong muốn bạo lực tình dục phải được nhìn nhận đúng mức hơn và cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa từ tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.
TS. Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, gia đình và phát triển cộng đồng khi nói về vấn đề bạo lực tình dục hiện nay thì lại cho rằng, vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay vẫn là việc người phụ nữ không dám nói ra những vấn đề của mình vì ở nhiều nơi, những điều có liên quan tới tình dục vẫn nằm trong "vùng cấm" về tâm lý, về quan niệm xã hội. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, quan niệm về sự cam chịu, "sống vì con" vẫn còn phổ biến.
"Mới đây, có một phụ nữ tìm đến trung tâm chúng tôi cùng con gái. Phải động viên rất nhiều và có sự có mặt của con, chị này mới có thể nói ra những khó khăn của mình, hai vợ chồng vừa bạo lực với nhau về kinh tế lẫn bạo lực với nhau về tình dục.
Chị ấy nói: “Mỗi ngày, khi đêm đến, tôi thực sự không biết phải trốn vào đâu. Chỉ muốn sang phòng các con cho yên thân, nhưng như thế thì chồng tôi cũng sẽ sang, các con cũng sẽ bị ảnh hưởng đến chuyện học hành, vì vậy, tôi chỉ còn biết trở về và chịu đựng.
Hiện, các con tôi cũng đã lớn, cũng bước vào độ tuổi dựng vợ gả chồng rồi. Nếu tôi lựa chọn cách ly hôn thì việc xây dựng gia đình của con cái chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo bà Ngọc Anh, quan niệm xã hội khiến phụ nữ ít dám nói ra việc bị bạo hành tình dục, cũng không biết phải dựa vào đâu nên tiếp tục cam chịu dẫn đến những hệ lụy về tâm lý rất lớn. Sự khủng hoảng tâm lý của người phụ nữ, không khí trong gia đình nặng nề, chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các con, đặc biệt là lứa tuổi trẻ em. Như vậy, vô hình chung, người phụ nữ nghĩ rằng sẽ tốt nhưng lại sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến con cái.
N.G- ĐH