Sự bàng hoàng của nước Pháp
Ngay sau khi quân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương - D'Argenlieu gửi ngay cho người Pháp một bức thông điệp với lời lẽ chua chát: "Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (8/5, kỷ niệm chiến thắng phát-xít Đức), đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa".
Tại nước Pháp, đại diện cho giới chính trị là Thủ tướng Joseph Laniel đã phải thốt lên: "Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà... Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế". Đó là những dòng viết của cố Thủ tướng nước Pháp trong cuốn sách có nhan đề Tấn thảm kịch Đông Dương, xuất bản tại Paris năm 1957.
Theo cuốn The French Secret Services của sử gia Douglas Porch, thảm bại của nước Pháp tại Điện Biên Phủ đã "thay đổi diễn tiến lịch sử Pháp" và sánh vai với các thất bại trước kia của Pháp dưới quyền tướng Joseph Joffre (1914) và Maurice Gamelin (1940)
Sự kiện Điện Biên Phủ đeo đẳng nước Pháp nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau. Người ta dễ dàng nhận thấy điều đó qua hồi ký của các chính trị gia, các tướng lĩnh và qua các công trình nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước Pháp. Bảy năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, ký giả người Pháp J. Roa, trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ” ghi nhận: "Trong toàn thế giới, trận Waterloo cũng ít tiếng vang hơn... Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn đang âm vang". Cũng với nhận định như thế, Bernard Fall - nhà sử học Mỹ gốc Pháp viết: "Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa".
Và có một sự thật, rằng: nước Pháp không thể lãng quên Điện Biên Phủ và sự kiện Điện Biên Phủ là một phần lịch sử của nước Pháp. Càng theo độ lùi của thời gian, dường như chính người Pháp hiểu hơn ai hết lý do mà họ thất bại ở đây.
Tướng De Castries – người được trao cho trách nhiệm cầm quân tại Điện Biên Phủ, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”. Trong những hồi ức về cuộc chiến sau đó, vị tướng này đã cảm khái: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”. Còn Bộ trưởng quốc phòng Pháp Marcel Bigeard - nguyên là trung tá phó chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khi sang thăm Việt Nam năm 1993, nhìn lại chiến trường cũ, đã có một câu với một nhà quay phim nước ngoài: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”.
Nhà báo Pháp Giuyn Roa thì lý giải cho chiến thắng của Việt Nam như sau: “Không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Navarre mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilông. Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải bởi các phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương...”
Không chỉ với Pháp, Điện Biên Phủ còn là một thất bại đau đớn với Mỹ. Báo Paris Match, số ra ngày 22/5/1954, đưa tin: "... Điện Biên Phủ thất thủ, việc đầu tiên của Tổng thống Eisenhower là triệu tập ngay Hội đồng an ninh quốc gia vào hôm sau. Cuộc triệu tập này đã vi phạm cả tính chất thiêng liêng của việc nghỉ cuối tuần".
Nhà sử học Bernard Fall đã viết rằng: Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ. Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ và chịu phí tổn chiến tranh chủ yếu cho Pháp. Từ năm 1950 đến khi Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, nước Mỹ đã gánh hộ Pháp 80% phí tổn chiến tranh.
Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, nhưng giới chính trị và quân sự Mỹ mới là kẻ muốn tiếp tục cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam. Trong suốt cuộc chiến, Mỹ luôn bị ám ảnh bởi thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tổng thống Mỹ L. Johnson đã hốt hoảng tuyên bố: “Tôi không muốn một Điện Biên Phủ” - đó là vào mùa Xuân năm 1968, khi các căn cứ quân Mỹ tại Khe Sanh bị tấn công và bao vây chặt (Báo Spiegel – Đức, năm 1968).
Nhưng lịch sử lại một lần nữa lặp lại. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không", buộc Mỹ phải từ bỏ mọi tham vọng ở Việt Nam.
"Ánh đèn pha” chiếu rọi hòa bình và độc lập
Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước dân chủ đã bày tỏ sự khâm phục đối với chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam. Tờ Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) số ngày 9/5/1954, nêu rõ: "... Nhân dân Việt Nam đã đạt được thêm những thắng lợi vĩ đại và đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong cuộc chiến đấu chính nghĩa chống đế quốc xâm lược. Việc giải phóng Điện Biên Phủ một lần nữa làm cho thế giới thấy rằng nhân dân Việt Nam đã vùng dậy và không có lực lượng nào khuất phục nổi...".
Trong bài viết với nhan đề Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch của bọn thực dân, Báo Sao đỏ (Liên Xô) số ra ngày 8/5/1954, chỉ rõ: "Thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ không phải là một sự ngẫu nhiên... Trước dư luận, Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của kế hoạch Na-va phiêu lưu mà trước đây người ta đã quảng cáo ầm ĩ. Giải phóng cứ điểm này chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều bị thất bại...".
Nhân dân Ba Lan ca ngợi: "Điện Biên Phủ tượng trưng cho sự nghiệp anh hùng của nhân dân Việt Nam. Ở đây, nhân dân Việt Nam đã đánh cho bọn thực dân Pháp và bọn đế quốc giúp đỡ chúng một đòn chí mạng...". Các bạn Cuba coi: "Điện Biên Phủ và Hi-rôn là những dòng chữ ghi trên mồ chủ nghĩa đế quốc"... Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba Héctor Rodríguez Llompart trong chuyến thăm và ký kết Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam năm 1960 đã khẳng định: “Thắng lợi của các bạn (Việt Nam) đã chứng tỏ hùng hồn rằng, bất kỳ một dân tộc nhỏ bé nào, nếu đoàn kết kiên quyết đấu tranh cho tự do với một tương lai tươi sáng, đều có thể đánh bại được đế quốc”.
Nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa ở khắp các châu lục đã đón nhận sự kiện Điện Biên Phủ như là thắng lợi của chính mình. Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam là bài học kinh nghiệm quý và là sự cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập. Báo Al Gum Gyrria (Ai Cập), ngày 8/5/1954, nhận định: "Điện Biên Phủ thất thủ là một sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và ở tất các nơi mà những kẻ chiếm đoạt mưu mô làm nhục hoặc phá hoại nền độc lập của họ... Bất kể những nguyên nhân của sự thất bại ở Điện Biên Phủ là như thế nào, bước tiến của phong trào giải phóng sẽ tiếp tục và còn nhiều pháo đài đế quốc sẽ sụp đổ".
Nhân dân Algeria đã tìm thấy con đường từ thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ: "Thật hãnh diện biết bao cho nhân dân Algeria được làm những người bạn chiến đấu của các bạn... Chiến thắng Điện Biên Phủ là màn mở đầu cho chiến thắng của chúng tôi và ngay từ đó đã báo hiệu một giai đoạn lịch sử mới...". "Nhân dân nước chúng tôi đã đón thắng lợi Điện Biên Phủ với một niềm vui to lớn khác nào như đối với thắng lợi của bản thân mình”.
Nhân dân các nước ở Mỹ La-tinh coi tinh thần Điện Biên Phủ như là "ánh đèn pha chiếu rọi", là "kim chỉ nam hành động". Nhà thơ yêu nước của quốc đảo Haiti René Depestre đánh giá: "... Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới và sự trung thành với tinh thần quang vinh đó là điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi trong hành động cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ chúng tôi".
Tại châu Á, những người cộng sản Ấn Độ cho rằng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ lớn lao, làm cho nhân dân Ấn Độ thêm tin tưởng vào tương lai. Tờ Frontline (Ấn Độ), số ra ngày 13 đến 26/3/2004 khẳng định rằng chiến thắng Điện Biên Phủ “đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới. Một nước châu Á nhỏ đã đánh bại một cường quốc thực dân châu Âu hùng mạnh”.
Xây nền hòa bình từ sự gàn hắn
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là lời thảng thốt của chế độ thực dân mà còn là tiếng gọi khẩn thiết về việc thiết lập một nền hòa bình.
Trong cuốn sách “Điện Biên Phủ - Nơi tận cùng thế giới” xuất bản năm 2019, Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp) nhận định: Mối liên hệ chặt chẽ giữa chiến đấu và đàm phán khiến Điện Biên Phủ trở thành một “cuộc chiến vì hòa bình".
Và quả thực, lịch sử đã thật khéo sắp đặt khi chính Điện Biên Phủ từ chiến trường trở thành một cây cầu giúp Việt Nam và các nước phương Tây xích lại gần nhau, từng bước bình thường hóa quan hệ. Và, mở đầu tiến trình ấy, lại là nước Pháp. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà các hội nghị về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam lại được thảo luận và sau đó đi đến ký kết tại Paris vào năm 1973. Hai nước Việt – Pháp cũng chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngay trong năm 1973.
Năm 1993, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Ông đến Hà Nội và tuyên bố: “Tôi ở đây để đóng lại một trang sử và cũng để mở ra một trang khác”. Trong chuyến thăm, ông Francois Mitterrand đã có nhiều hoạt động quan trọng và ý nghĩa, đặc biệt là thăm di tích Điện Biên Phủ bất chấp những lời phản đối trong nội bộ nước Pháp. Sau 39 năm, lần đầu tiên mới có 1 chiếc máy bay mang cờ ba sọc của nước Pháp hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh và chở theo vị Tổng thống của một đất nước có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Ông Francois Mitterrand là vị Tổng thống đầu tiên của nước Pháp, cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây sang thăm Việt Nam kể từ sau năm 1975.
Từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Francois Mitterrand, quan hệ Việt – Pháp đã bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Cùng với thời gian và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Việt - Pháp đã nở rộ trên nhiều lĩnh vực và phát triển theo chiều sâu, minh chứng bằng việc hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Đối tác chiến lược vào năm 2013.
Đến thăm Điện Biên Phủ vào tháng 11/2018, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã đến đặt vòng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, thăm đồi A1, Đồi Độc Lập, Him Lam và hầm Chỉ huy của tướng De Castries. Thủ tướng Pháp nói: “Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, tôi cũng muốn nói rằng vì đã hòa giải được với quá khứ của mình, hai nước chúng ta đang mạnh mẽ hướng tới một tương lai chung. Quan hệ Pháp - Việt mang dấu ấn sâu đậm của lịch sử hai nước chúng ta".
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2022, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher đã dẫn lại câu nói của Tổng thống J. Chirac trong chuyến thăm Việt Nam (năm 2004): “Tiếng nói của Việt Nam chạm đến trái tim của người Pháp”, đồng thời nhấn mạnh: “Và hôm nay tôi tin rằng tiếng nói của người Pháp cũng chạm đến trái tim của người Việt Nam”. Ông Gérard Larcher bày tỏ mong muốn: “Chúng ta chỉ giữ lại những gì tốt đẹp nhất và những gì cho phép chúng ta cùng tiến lên, cùng nhau xây dựng - đây là kỳ tích chung của Việt Nam và Pháp”.
Và quả thật, những mong muốn của các nhà lãnh đạo hai nước đã trở thành hiện thực. Nhìn lại mối quan hệ Việt - Pháp từ lịch sử đến hiện tại, đặc biệt trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của mối quan hệ, trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Từ chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, nền hòa bình đang “trổ bông” rực rỡ.