Nhiều lao động chờ việc
Chúng tôi có mặt tại TP.Móng Cái vào thời điểm cận tết, mọi năm nơi đây được ghi nhận là cửa khẩu buôn bán sầm uất, nhưng trái lại năm nay là cảnh buồn và ảm đạm. Hàng tạm nhập tái xuất sang Trung Quốc gần như đóng băng, nhỏ giọt. Quốc lộ 18B vào thời kỳ sôi động, xe container đi lại đông đúc thì nay vắng lặng như tờ. Không khí sôi động của một vùng biên với xe chở hàng, người qua lại tấp nập đã giảm với số lượng lớn.
Theo chi cục Hải quan Móng Cái vào thời gian sôi động, tại cửa khẩu Ka Long và Lục Lầm, mỗi tháng có 2.000 đò thuyền hoạt động và xuất 5.000 container, nhưng nay giảm rất mạnh. Do phía nước bạn thắt chặt công tác kiểm tra, tăng cường lực lượng Hải quan chống buôn lậu nên hàng tạm nhập tái xuất của Việt Nam sang Trung Quốc giảm, kéo theo nhiều doanh nghiệp thua lỗ, hàng nghìn lao động không có việc làm.
Theo chân tổ cảnh sát đường thủy, công an TP.Móng Cái, chúng tôi đến nơi người lao động thất nghiệp lớn nhất ở vùng biên này là tuyến sông Ka Long, đoạn từ chân cầu Ka Long về phía thượng lưu. Dọc đoạn sông kéo dài 3km có gần 2.000 chiếc đò sắt nằm chỏng chơ, trong đó có những đò buộc neo mọc rêu và hỏng nặng do 6 tháng nay không hoạt động. Thậm chí, có đò sắt bị chủ bỏ quên vì không có tiền bảo dưỡng nằm vạ vật, hoen rỉ.
Nước da ngăm đen, mới ngoài 30 tuổi mà trông anh Mai Xuân Thắng, lái đò QN 0753 già hơn gần chục tuổi. Quê anh Thắng ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, anh ra Móng Cái lái tàu thuê gần 20 năm nay. Hàng hóa mà anh vận chuyển thuê cho chủ là hàng nông sản, bột sắn. Anh Thắng cho biết: "Từ ngày ra đây, chưa khi nào tôi thấy cảnh thất nghiệp nhiều như năm nay. Trước đây cứ 3 ngày tôi chạy một chuyến hàng từ Thọ Xuân đến Bắc Luân, nay thì nửa tháng hoặc 1 tháng mới có một chuyến. Lương thì bị giảm đi 1 triệu đồng/tháng. Nói về chuyện sắm tết, anh Thắng vớt vát: "Tôi phải làm đến 27 hoặc 28 mới về, lúc ấy mới có tiền về quê sắm tết. Nhưng ở quê cũng chỉ hết tết, tôi lại ra đây tìm việc khai xuân thôi. Hy vọng, đầu năm, công việc sẽ khá hơn".
Anh Mai Xuân Thắng (ảnh trái) sửa chữa lại con tàu lâu ngày không chạy.
Thấy chúng tôi trò chuyện, anh Phạm Anh Đại đang ngồi vắt vẻo trên chiếc võng ở đò sắt QN 5745 gần đó cũng chạy sang góp chuyện. Cùng quê với anh Thắng, nhưng anh Đại đã 2 tháng nay chưa được nhận lương. Sáu tháng nay con đò này không chạy hàng, sợ hỏng nên chủ đã thuê anh ở lại trông tàu, dọn tàu. Hàng ngày, anh mắc võng ngồi trên đò cho đỡ buồn. Gió rét ở cửa sông khiến anh Đại co ro, nở nụ cười buồn khi chúng tôi nhắc đến tết: "Cả năm đi làm ăn xa, tết về nhà mà không có tiền thì không được. Đành phải ở đây chờ xem chủ có trả đồng lương nào về lo tết không". Nói rồi anh Đại chỉ vào con đò sắt mọc rêu xanh rì cạnh đó buồn buồn: "Đò này chủ phá sản nên mặc kệ, không có tiền thuê người trông coi, chỉ riêng tiền bến bãi cũng đã vài trăm nghìn một ngày rồi".
Anh Đại, anh Thắng vẫn còn khá may mắn khi được chủ thuê ở lại trông đò, trong khi nhiều người cùng lái tàu thuê như các anh thất nghiệp đã phải về quê, một số lên bờ làm cửu vạn, bốc vác.
Năng động tìm việc để tự cứu mình
Dù năm nào cũng phải đối mặt với lệnh cấm biên, nhưng chưa khi nào lại kéo dài như năm nay. Bến Lục Lầm trước đây tấp nập xe container chở hàng đông lạnh thì giờ cũng vắng tanh. Hợp tác xã bốc xếp Lục Lầm vì thế cũng vắng hoe. "Người về quê, người cố bám trụ ở vùng biên, xuống Trà Cổ cào nghêu để bán. Nhiều người vào chợ bán hàng thuê. Số ít chị em, cả cánh đàn ông mua quần áo trong chợ rồi đem ra đường bán", chị Nguyễn Thị Ngà, quê ở Thanh Hóa nói. Chỉ vào đống quần áo rét ở dưới vỉa hè, chị Ngà cho biết, chị mua chỗ này hết hơn 5 triệu, mang ra bán lẻ. "Cố gắng bán đến tết thì hết, về quê cũng chẳng kiếm được tiền, ở đây buôn bán nhì nhằng mới có tiền về lo tết cho con", chị Ngà than thở.
Hơn 10 năm lái tàu chở hàng thuê cho chủ ở Quảng Ninh, anh Phạm Văn Bắc, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định đã gom góp tiền mua được chiếc đò sắt. Niềm vui chở thành ông chủ chưa tày gang thì gặp cảnh khó khăn, không có hàng xuất khẩu nên 6 tháng nay con đò nằm chôn chân tại chỗ. “Nếu mang về Hải Phòng gửi thì mất 3 triệu tiền bến bãi một tháng. Tôi đành phải ở đây trông tàu". Để có tiền trang trải, anh Bắc lên bờ làm bất cứ việc gì người ta thuê. Ba tháng mới có một chuyến hàng, trừ chi phí đi rồi còn được 10 triệu đồng, trả công 2 người vận chuyển còn được 5 triệu đồng thì làm gì đủ sống.
"Chưa năm nào tôi thấy cám cảnh như năm nay", anh Bắc bùi ngùi. Để có tiền lo tết, anh Bắc đã làm đủ nghề kiếm sống. Từ bốc vác đến làm xe ôm, cái gì anh cũng không nề hà. Cùng cảnh như anh Bắc, nhiều người ở Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình cầm cố nhà cửa, ruộng vườn để mua tàu và làm chủ thì đã điêu đứng vì thất nghiệp, hàng tháng phải trả lãi ngân hàng. "Tàu nguy cơ trở thành sắt vụn, tôi còn phải trả lương thợ, tiền bảo dưỡng tàu, bến bãi, khó khăn lắm, không biết tình trạng cấm biên còn kéo dài tới bao giờ?", anh Nguyễn Văn Nam, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình phàn nàn. Từ vị trí là một ông chủ, anh Nam cũng phải chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm. Ngày không có hàng, anh và thợ lên bờ tìm việc. "Ngồi ăn không thì của núi cũng lở, kiếm được việc là may rồi. Nhiều chị phụ nữ còn đi ra biển cào nghêu để bán nữa cơ", anh Nam tâm sự.
Theo thượng úy Nguyễn Văn Huy, tổ cảnh sát đường thủy, Đội CSGT công an TP.Móng Cái thì trên sông Ka Long (phía đơn vị quản lý) có 1865 phương tiện đò sắt của Việt Nam và 300 đò Trung Quốc hoạt động, có gần 2.000 người đăng ký tạm trú, tạm vắng trên sông. Nhưng đến nay chỉ có 300 đò còn hoạt động. Người lao động hiện giờ trông chờ vào sự thông thoáng của chính sách để có việc làm. Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là duy trì và thúc đẩy hoạt động tạm nhập tái xuất vì đây là hình thức dịch vụ thương mại phong phú và đa dạng. Tỉnh Quảng Ninh và các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc để giao lưu hàng hóa ngày càng thông thoáng, thuận lợi cho cả hai bên, tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tạm nhập tái xuất và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Đức Anh