Tiếng vĩ thanh buồn ở nơi vấn nạn tự tử ám ảnh người dân

Tiếng vĩ thanh buồn ở nơi vấn nạn tự tử ám ảnh người dân

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Thứ 3, 05/09/2017 10:00

Vợ chồng to tiếng, bị người lớn la mắng, hay thua kém bạn bè, một số người dân tộc Bahnar ở huyện Kông Chro cũng đau buồn và tự kết liễu đời mình. Những cái chết “lãng xẹt” để lại hậu quả không nhỏ cho người thân, xã hội.

Giải quyết mâu thuẫn bằng cái chết 

Hơn 3 tháng nay, sau cái chết bi thương của đứa con trai đầu lòng, căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Đinh Bây (làng Tờ Nùng 2, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) lúc nào cũng cửa đóng, then cài. Vợ chồng anh Bây gần như ở hẳn trên nhà đầm (nhà tạm trên rẫy - PV) bởi không chịu nổi sự u ám khi trở về nhà.

Hôm ấy, chúng tôi lên tận nhà đầm heo hút nơi bìa rừng, đúng lúc vợ chồng anh Đinh Bây đang lầm lũi chuẩn bị cơm tối. Trông họ gầy sọm và già đi nhiều, sau mất mát lớn của gia đình. 

Đến bây giờ, vợ chồng Đinh Bây vẫn chưa thôi khắc khoải không hiểu vì sao con trai của mình lại suy nghĩ dại dột như vậy. Vừa mới học xong lớp 8, dù được bố mẹ khuyên bảo hết lời, Đinh Triêu nhất quyết nghỉ học ở nhà, lên nương với bố mẹ. Triêu muốn giúp cha mẹ kiếm sống, nuôi 2 em đi học vì Triêu bảo “học mãi nhưng cái chữ nó không chịu vào đầu”.

Mới 14 tuổi, Đinh Triêu đã biết làm nương rẫy thành thục như người lớn. Hôm xảy ra vụ việc đau lòng, sau buổi chiều đi làm rẫy, Triêu cùng cha mẹ trở về nhà như thường lệ. 

Xã hội - Tiếng vĩ thanh buồn ở nơi vấn nạn tự tử ám ảnh người dân

Chị Đinh Thị Eo khóc cạn nước mắt vì con trai tự tử.

Một lát sau, có người họ hàng đến nhà nói với vợ chồng anh Đinh Bây chuyện Triêu làm hỏng chiếc gương xe máy của họ. Thấy con nghịch ngợm làm hỏng tài sản người khác, chị Eo (vợ anh Đinh Bây) có mắng mỏ con vài câu.

Và chuyện không ai ngờ đã xảy ra. Bị mẹ mắng, Triêu lang thang cùng đám thanh niên trong làng uống rượu. Chập choạng tối, Triêu mới về nhà rồi lẳng lặng đi về phía cuối làng. Chị Eo chờ con, chờ mãi đến khi con trăng lặn, ánh dương tờ mờ vẫn không thấy con về. Đến chiều, gia đình nhận được hung tin Triêu tự tử bằng thuốc diệt cỏ ở bìa rừng cạnh làng. 

“Chỉ la nó là đừng nghịch thôi, cái gương có 45 ngàn đồng mà. Vậy mà nó tự ái rồi đi tự tử”, chị Eo gạt nước mắt nói.

Cậu bé 14 tuổi đã chọn cách về thế giới A tâu (thế giới người chết - PV) một cách tiêu cực chỉ vì một câu mắng của mẹ. Cái chết bất ngờ của em khiến gia đình nghèo này càng thêm suy sụp. Toàn bộ tài sản tích cóp được cũng không đủ để lo hậu sự cho em.

Suốt mấy tháng nay, thấy vợ tối nào cũng ngồi lặng bên bếp lửa từ  lúc mặt trời vừa lặn đến tận khuya, anh Đinh Bây hết sức lo lắng. Thương vợ nhưng anh cũng không biết nói gì để chị nguôi ngoai nỗi đau mất con. 

Gắn bó với công tác ở cơ sở từ khi còn rất trẻ, ông Đinh Thơ, Bí thư Đảng ủy xã Ya Ma, huyện Kông Chro, đã chứng kiến rất nhiều cái chết “lãng xẹt” như vậy. Rất nhiều cái chết xuất phát từ nguyên nhân nhỏ nhặt như anh em tức nhau câu nói, vợ chồng giận nhau, con đòi mua xe máy, điện thoại nhưng bố mẹ không cho...

Ông Thơ nói: “Từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã có 19 người tự tử. Chỉ vì những mâu thuẫn lặt vặt nhưng họ đã tìm đến cái chết. Phải thừa nhận là người bản địa có tính tự ái cao, nhiều người có trình độ hạn chế nên nhận thức về cuộc sống không đầy đủ. Họ nghĩ đơn giản rằng cứ giải quyết mâu thuẫn bằng cái chết là... xong nên chọn cách thắt cổ hoặc uống thuốc cỏ cháy. Chưa có trường hợp nào được cứu sống vì khi phát hiện thì đã muộn. Cơ quan chức năng tuyên truyền cũng nhiều nên nạn tự tử có giảm”.

Những con số biết khóc

Huyện Kông Chro nằm ở phía Đông tỉnh Gia Lai. Cả huyện có trên 45.000 dân, trong đó 85% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bahnar. Cuộc sống người dân ở đây còn nhiều gian khó với tỷ lệ người nghèo khá cao. Đây được xem là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai. Huyện Kông Chro cũng là một trong những địa phương có tỉ lệ người tự tử cao nhất tỉnh. Mỗi năm, có không ít người tìm đến cái chết chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ. 

Đến Kông Chro, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những nếp nhà sàn nhỏ, xây dựng đơn giản. Nhưng cứ cách vài nhà lại có một ngôi nhà bỏ hoang, không ai sinh sống. Hỏi ra mới biết, chủ của những ngôi nhà đó đều đã tự tử cách đây vài năm.

Nguyên nhân các vụ tự tử thường không rõ ràng, hoặc nếu có thì cũng xuất phát từ những chuyện rất vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày, như cãi nhau với người thân, bị bạn bè chê cười, học đòi bạn bè nhưng không được đáp ứng, hay bị người lớn chỉ trích vì làm sai...

Xã hội - Tiếng vĩ thanh buồn ở nơi vấn nạn tự tử ám ảnh người dân (Hình 2).

Danh sách số người tự tử cao vút ở xã Ya Ma, huyện Krông Chro.

Theo thống kê, từ 2014 - 2016, toàn huyện đã có 380 trường hợp tự tử, riêng từ đầu năm 2017 đến nay có 69 trường hợp tìm đến cái chết. Theo thống kê của ngành y tế, tỉ lệ người tự tử là người bản địa chiếm gần 90% và độ tuổi từ 16 - 60 chiếm gần 90%. Trong đó, đa phần các trường hợp tự tử bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ

Bác sĩ Phan Văn Chơi, Giám đốc trung tâm Y tế huyện Kông Chro cho biết: “Hầu hết những trường hợp tự tử bằng cách uống thuốc cỏ cháy đều không qua khỏi vì loại thuốc này có lượng độc chất rất lớn. Thuốc này khi uống vào sẽ phá hoại lục phủ ngũ tạng của người bệnh, không có cách nào cứu chữa được.

Nhờ sự vận động của các ngành, các cấp của địa phương nên nạn tự tử có giảm. Chúng tôi cũng huy động nhân viên ở các trạm y tế vận động người dân để họ hiểu được tác hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật và hệ lụy của việc tự tử”.

Lý giải về việc người dân tộc thiểu số tìm đến cái chết chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt, ông Nguyễn Văn Đại, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kông Chro cho biết: “Nạn tự tử bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là do đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu.

Hơn thế, nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của bà con đồng bào còn hạn chế, bản lĩnh của các nạn nhân trước thử thách cuộc sống chưa vững vàng dẫn đến dễ bi quan, chán nản và có hành động tiêu cực bộc phát”.

“Vấn nạn tự tử làm thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người thân trong gia đình, đặc biệt là những đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ, không được yêu thương chăm sóc, những người già không nơi nương tựa và trở thành gánh nặng của xã hội...

Ngoài hệ lụy trực tiếp, nạn tự tử là một trong những mối đe dọa sự gắn kết cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý xã hội và là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị và làm ảnh hưởng chung đến quá trình phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội”, vị này cho biết thêm.

Để hạn chế vấn nạn trên, từ đầu năm 2013 đến nay, huyện Kông Chro đã tích cực “tuyên chiến” với nạn tự tử trong cộng đồng bản địa. Theo đó, chính quyền huyện này đã tổ chức tuyên truyền tại các “điểm nóng” thường xuyên xảy ra nạn tự tử tại 112 điểm làng của 14 xã, thị trấn. Công tác này đã giúp bà con bản địa phần nào nâng cao nhận thức, biết xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, biết yêu quý cuộc sống.

Xảy ra 2.164 vụ tự tử từ năm 2005 đến 2016 

Thông tin từ ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2005 – 2016, ở Gia Lai xảy ra 2.164 vụ tự tử (cao nhất là huyện Kông Chro 693 vụ, Phú Thiện 401 vụ, Chư Păh 330 vụ, Kbang 259 vụ, Đức Cơ 98 vụ). Đa phần những người tự tử đều ở độ tuổi thanh niên và trung niên, nam nhiều hơn nữ, trong đó, đồng bào Bahnar chiếm phần lớn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.