Tiếp bước mẹ, bác sĩ trẻ đăng ký hiến tạng

Tiếp bước mẹ, bác sĩ trẻ đăng ký hiến tạng

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 4, 01/11/2017 17:25

Muốn tri ân cuộc đời, muốn nhân rộng những giá trị tốt đẹp cũng như tiếp nối truyền thống gia đình, chàng bác sĩ trẻ Hoàng Thanh Tùng đã quyết định đăng ký hiến tạng cho y học.

image

Clip: Con trai bác sĩ từng hiến giác mạc cứu hai người bệnh, đăng ký hiến tạng cho y học​

Sáng 1/11, tại trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, chàng trai Hoàng Thanh Tùng (SN 1990), con trai nữ bác sĩ Vũ Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Mắt, bệnh viện 198 của bộ Công an, đã cầm trên tay tấm thẻ đăng ký hiến toàn bộ tạng của cơ thể cho y học.

Cầm tấm thẻ đăng ký hiến mô tạng trên tay, Tùng rất xúc động. Bởi lẽ, Tùng vừa tốt nghiệp bác sĩ nội trú, chuyên ngành về mắt của bệnh viện Mắt Trung ương. Việc làm này sẽ là một việc làm ý nghĩa đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời Tùng. Đây cũng là hành động nối tiếp việc làm của mẹ Tùng - bác sĩ Vũ Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Mắt, bệnh viện 198, bộ Công an - lúc sinh thời cũng từng tình nguyện hiến tạng. Trước lúc mất, giác mạc của bà đã giúp đem lại ánh sáng cho người khác.

Xã hội - Tiếp bước mẹ, bác sĩ trẻ đăng ký hiến tạng

Hoàng Thanh Tùng viết giấy đăng ký hiến tạng.

“Việc làm này của tôi cũng là tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, tiếp nối việc làm nhân văn mà mẹ đã làm. Tôi tin, mẹ sẽ luôn ủng hộ tôi trong quyết định này”, Tùng nói.

“Ai trong chúng ta từng có người nhà nằm trong cảnh chờ đợi mòn mỏi có một tạng để được cứu sống thì sẽ hiểu được giá trị lớn lao của việc hiến mô tạng. Tôi mong xã hội, tất cả mọi người hiểu một cách đầy đủ về ý nghĩa nhân văn của việc này”, Tùng chia sẻ.

Dù chưa nói với ai trong gia đình về quyết định hiến mô tạng cho y học, nhưng Tùng tin, sẽ không ai phản đối. Bởi họ chưa từng ngăn cản quyết định hiến giác mạc của bác sĩ Thoa - hành động đã cứu hai người bệnh khác.

Tùng không có ý định gặp lại những người đã nhận giác mạc từ mẹ. Bởi lẽ Tùng muốn mọi việc diễn ra tự nhiên nhất. Mình làm việc thiện không nhất thiết phải để người khác biết hay nhớ tới mình, hay mang ân huệ.

“Nếu qua một kênh nào đó, họ biết tới gia đình tôi, chúng tôi vẫn luôn đón nhận những tình cảm mà họ dành cho mình. Còn bản thân tôi vẫn luôn giữ liên lạc với bác sĩ điều trị cho người nhận giác mạc từ mẹ. Đó là kênh gián tiếp để tôi biết, giác mạc của mẹ hiện tại vẫn rất tốt trên cơ thể người khác. Tôi thấy hạnh phúc vì mẹ vẫn tồn tại trên đời, hạnh phúc vì mẹ và gia đình đã làm được việc làm ý nghĩa, giúp đỡ được nhiều người khác”, Tùng nói.

Tùng kể, năm 1996, khi đang mang thai cô con gái thứ hai, mẹ Tùng thấy hạch nổi ở vú. Linh cảm của bác sĩ cho thấy điều bất thường, chị Thoa đi khám được chẩn đoán ung thư vú. Sinh con xong, chị Thoa vào viện điều trị ung thư.

Năm 2013, bệnh ung thư tái phát, di căn xương, chị đã vào viện điều trị và liên tục chiến đấu với bệnh tật đến giây phút cuối cùng.

Chị Thoa có di nguyện hiến mình cho y học, tuy nhiên vì sức khoẻ yếu sau các đợt truyền hoá chất điều trị ung thư nên chỉ duy nhất giác mạc đáp ứng được nhu cầu hiến tạng. Cả đời cống hiến cho ngành nhãn khoa, đến khi qua đời, đôi mắt của chị dành tặng cứu người mù khác khiến ai cũng cảm động.

Và Hoàng Thanh Tùng hy vọng, sau hôm nay, mình cũng sẽ trở thành một người tuyên truyền, mang những thông điệp ý nghĩa của việc hiến mô tạng tới nhiều người khác.

Nguyễn Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.