Ngày càng nghiêm trọng
Hàng ngày người dân Hà Nội vẫn đang phải sống chung với khói bụi từ các công trình xây dựng, xe chở nguyên vật liệu xây dựng và khói xe những tuyến phố có nhiều phương tiện tham gia giao thông.
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, tuyến đường Lê Văn Lương luôn có các công trình mới được xây dựng, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên cùng lưu lượng xe cộ tham gia lưu thông lớn, kèm theo đó là một lượng khói bụi dày đặc khiến người dân sống trên tuyến đường gần đó luôn trong tình trạng ngột ngạt.
Chị Nguyễn Thị Hằng, nhà ngay mặt đường Lê Văn Lương chia sẻ, nhà tôi lúc nào cũng phải đóng kín vì khói bụi và ô nhiễm.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Kim Liên nhà ở gần đó bức xúc, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn ngày một nhiều khiến cho cuộc sống ở thành thị ngột ngạt và khó thở, nhiều trẻ em bị các bệnh về đường hô hấp.
Hai cháu nhà tôi cũng vậy, mỗi khi thời tiết thay đổi là cháu út lại lên cơn hen. Gia đình đang tính chuyển ra ngoại ô sinh sống để sức khỏe của các cháu có thể cải thiện hơn.
Theo thống kê, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm.
Trong khi đó, việc đánh giá, quản lý chất lượng không khí của Hà Nội còn hạn chế do số lượng trạm quan trắc tự động để đo lường chất lượng không khí trên địa bàn thành phố còn quá ít.
GS.TS Phạm Ngọc Hồ - trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng, môi trường không khí ở Hà Nội ô nhiễm do nhiều nguyên nhân như: Quá trình đô thị nhanh với mật độ công trình xây dựng quy mô lớn; sự gia tăng dân số cơ học; lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh...
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các số liệu quan trắc nhiều năm tại các trạm quan trắc cũng ảnh hưởng rất lớn đến cảnh báo ô nhiễm.
“Số liệu rất quan trọng. Nếu đáng tin cậy, chúng ta dự báo và cảnh báo cho người dân thì người dân mới có thể phòng tránh được” - GS.TS Phạm Ngọc Hồ cho biết.
Tìm giải pháp giảm ô nhiễm
Hiện thành phố Hà Nội đã lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động, trong đó có 8 trạm cảm biến và 2 trạm cố định.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2 trạm cố định quan trắc đầy đủ các thông số, nhằm đánh giá tổng hợp chất lượng môi trường không khí và công bố thông tin cho cộng đồng.
Rõ ràng, việc đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội còn hạn chế do số lượng trạm quan trắc tự động liên tục về môi trường không khí tại thủ đô còn quá ít. Bà Lê Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng chi cục Bảo vệ Môi trường, (sở TN&MT Hà Nội) cho biết bên cạnh việc đầu tư cho công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí, thời gian qua, sở TN&MT Hà Nội phối hợp với tổ chức AirParif triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí tại Hà Nội do Chính phủ Pháp tài trợ; triển khai Dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, trong đó đầu tư lắp đặt thêm 70 trạm quan trắc không khí.
“Thời gian tới, chúng tôi tích cực triển khai các dự án quan trắc tự động tại các khu vực trọng yếu. Số liệu quan trắc không khí phải được cập nhật 24/24 giờ”, bà Lê Thị Thanh Chi nhấn mạnh.
Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo duy trì vận hành các trạm quan trắc tự động, thành phố Hà Nội cần gấp rút hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học; đồng thời ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường thật nghiêm, không để tình trạng các công trình xây dựng, giao thông gây ô nhiễm như hiện nay.
Đặc biệt, cần khẩn trương tăng diện tích mặt nước và cây xanh. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng tổng cục Môi trường, bộ TN&MT cho biết: “Cùng với vận hành hệ thống quan trắc, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức, tuyên truyền để người dân hiểu đúng, để mọi người cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ môi trường không khí. Sẽ tốt hơn nếu người dân chủ động, cùng tham gia, ví dụ như chiến dịch tắt xe máy ở các ngã tư; tăng cường sử dụng xe đạp, đi bộ…”.
Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục đầu tư cơ giới hóa xe hút bụi. Thành phố cũng đang siết chặt hoạt động của xe chở bùn, chở đất, phế thải vào ban đêm…
Hy vọng, với những giải pháp đang được thành phố triển khai, chất lượng môi trường không khí sẽ từng bước cải thiện, qua đó tạo môi trường sống trong lành cho người dân thủ đô.
Theo Tuệ Phượng (Báo Đại đoàn kết)