Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 02/4/2024 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 62-KL/TW năm 2023 thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chương trình hành động được ban hành nhằm mục đích tiếp tục quán triệt các chủ trương, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kết luận số 62-KL/TW; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị sự nghiệp công lập và nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
Chương trình hành động phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, bảo đảm các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm, phương thức quản lý theo hướng tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ; hiệu quả hoạt động được đánh giá dựa trên sản phẩm, kết quả công việc.
Đối với bộ, ngành, phấn đấu giảm 13,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành so với năm 2021, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trước 31 tháng 12 năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2021 thì tiếp tục thực hiện việc sắp xếp để bảo đảm đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2025 thì tiếp tục rà soát, đẩy mạnh sắp xếp để thu gọn đầu mối, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra đến năm 2030 theo yêu cầu tại Kết luận số 62-KL/TW.
Đối với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Đối với bộ, ngành, phấn đấu đạt trên 60% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.
100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.
Đến năm 2030, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Nghị quyết cũng xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và các chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Hoàn thiện pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW gắn với các chủ trương của Đảng có liên quan. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế được giao tại Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 28-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Kết luận số 40-KL/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 và Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị và các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về quản lý tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập.
Các bộ, cơ quan ngang bộ: Hoàn thành việc ban hành quy định về tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên; quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các văn bản pháp luật chuyên ngành có quy định về cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực để tổng hợp, nghiên cứu sự cần thiết xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh chung đối với đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu trong quá trình rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục Đại học, để bảo đảm tính khả thi, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong cơ sở giáo dục đại học.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các bộ, cơ quan ngang bộ: Rà soát sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; Rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức theo ngành, lĩnh vực; Hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.
Các bộ, ngành, địa phương: Xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, về hoàn thiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Các bộ, cơ quan ngang bộ: Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực; Ban hành hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với từng loại hình dịch vụ nghiệp công.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế, tính công bằng xã hội và bảo toàn vốn ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo biên chế giáo viên của các địa phương.
Bộ Tài chính: Hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng Đề án tự chủ, báo cáo bộ, ngành, địa phương phê duyệt; Hướng dẫn việc lập dự toán và cấp phát ngân sách nhà nước theo cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó hướng dẫn việc lập dự toán và cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo số lượng học sinh, bảo đảm phù hợp với quy mô lớp học, làm cơ sở để thực hiện tự chủ một phần đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để sửa đổi, bổ sung về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết hiệu quả, tránh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và thất thoát tài sản nhà nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo hướng phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định.
Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Đối với các bộ, ngành, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác, yêu cầu các bộ, ngành chủ động xây dựng phương án chuyển về địa phương hoặc về bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất đầu mối quản lý.
T.M