Ngày 18/11, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Dương Thanh Cường (SN 1966, nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Bình Phát) liên quan đến 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCNQSDĐ) tại huyện Bình Chánh, mà bị án Dương Thanh Cường đem thế chấp cho nhiều ngân hàng để vay hàng trăm tỷ đồng.
Trong phiên tòa xét xử này, bị án Dương Thanh Cường tham dự phiên tòa với tư cách là bị đơn dân sự, còn nguyên đơn dân sự là Agribank. Ngoài ra, tòa cũng xác định ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) và 11 người khác là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo án sơ thẩm, tháng 10/2007, Thanh Cường thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh nên chỉ đạo Lê Văn Tuấn (Giám đốc công ty Thanh Phát do Cường thuê) lập hồ sơ vay 700 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6. Tài sản thế chấp để vay vốn là 3 bất động sản tại quận 12, quận Bình Tân và quận 8 cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. TP.HCM.
Sau khi tiếp nhận các hồ sơ vay vốn, Hồ Đăng Trung (SN 1953, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6) phê duyệt cho công ty của Thanh Cường vay hơn 628 tỷ đồng.
Khi Agribank chi nhánh 6 đang giải ngân cho công ty Thanh Phát, Thanh Cường chỉ đạo cho thuộc cấp mượn 23 tài sản thế chấp nói trên từ ngân hàng để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau đó Cường không đem trả lại các giấy tờ này cho Agribank chi nhánh 6 mà tiếp tục đem đến thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay vốn dưới hợp đồng tín dụng mang tên công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát. Ngân hàng Phương Nam đã giải ngân cho Cường hơn 267 tỷ đồng và 18.000 lượng vàng SJC.
Đến hạn trả nợ cho ngân hàng Phương Nam, Cường và đồng phạm không có khả năng chi trả nên gán luôn các quyền sử dụng đất trên cho ngân hàng Phương Nam, dẫn đến Agribank chi nhánh 6 bị thiệt hại. Khi vụ án bị phát hiện, cơ quan điều tra đã kê biên đối với 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Với hành vi phạm tội nêu trên, Dương Thanh Cường bị TAND TP.HCM và sau đó là cả TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) tuyên tổng án chung thân.
Về phần dân sự, cả 2 cấp tòa tuyên buộc Cường phải trả cho Agribank chi nhánh 6 hơn 1.127 tỷ đồng (cả nợ gốc và lãi). Đồng thời tuyên huỷ bỏ các quyết định kê biên và trả lại cho cho ngân hàng Phương Nam bản chính 23 GCNQSDĐ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM mà Cường mang thế chấp vay tiền, vàng tại ngân hàng này.
Tuy nhiên phần dân sự này bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị và sau đó có quyết định Giám đốc thẩm. Vụ án được giao cho cơ quan CSĐT bộ Công an điều tra bổ sung.
Kết thúc điều tra, cơ quan CSĐT bộ Công an đề nghị tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Dương Thanh Cường đối với Agribank chi nhánh 6.
Hồ sơ vụ án cùng kết luận điều tra bổ sung được chuyển cho VKS và VKS chuyển cho TAND TP.HCM để xét xử liên quan đến 23 GCNQSDĐ nói trên.
Hồi tháng 5/2019, TAND TP.HCM đưa vụ án nói trên ra xét xử sơ thẩm. Sau nhiều ngày xét xử, HĐXX nhận định, việc thế chấp 23 GCNQSDĐ ở huyện Bình Chánh thế chấp ở Agribank chi nhánh 6 và tiến hành thế chấp ở Phương Nam đều không thực hiện đúng theo quy định. Do vậy, diện tích đất 105.000m2 được ghi nhận ở 23 GCNQSDĐ được xác định vật chứng có liên quan hành vi phạm tội của Dương Thanh Cường
Từ những nhận định trên, HĐXX quyết định tiếp tục kê biên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các hợp đồng chuyển nhượng thế chấp tại ngân hàng Phương Nam để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của Cường cho Agribank chi nhánh 6.
Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM sau đó bị ngân hàng Phương Nam kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm lần 2, HĐXX phúc thẩm cho rằng, án sơ thẩm tuyên về mức án và phần dân sự của vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật nên đã quyết định tuyên y án sơ thẩm. Theo đó, 23 sổ đỏ này sẽ tiếp tục được kê biên để đảm bảo thi hành án đối với “siêu lừa” Dương Thanh Cường.