Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản hiện ổn định, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn, 9-11%/năm với trung và dài hạn.
"Xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, đồng thời, thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng tổ chức tín dụng. Trong khi đó, đến ngày 31/5/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngược lại, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như bất động sản được tăng cường kiểm soát", ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết.
Thực tế, lĩnh vực kinh doanh BĐS thời gian qua khá trầm lắng. Đại diện một doanh nghiệp chuyên phát triển dự án BĐS tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: "Ngoài khó khăn về quỹ đất thì khó khăn không kém chính là tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để phát triển dự án. Nhiều đơn vị dù có đất nhưng không có cách nào tiếp cận được vốn, thậm chí, quỹ đất đó đã "cắm" vào ngân hàng từ trước, nên không cách gì phát triển được".
Tại khu vực TP.HCM, từ đầu năm đến nay, chỉ lác đác một số dự án triển khai, số còn lại chủ yếu là các dự án tiếp nối từ các năm trước đó.
Từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã khó tiếp cận nguồn vốn vì NHNN yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực BĐS và trong thời gian tới, lĩnh vực này sẽ vẫn tiếp tục bị "siết".
"Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường", ông Hà cho biết thêm.
Trong đó, NHNN sẽ "chỉ đạo tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng.
Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán... Bên cạnh đó, tăng cường quản lý rủi ro các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng...", ông Hà cho hay.