Do Vsmart từ trước đến nay được biết là hàng “made in Việt Nam” nên bị dư luận phản ứng mạnh.
Ngày 16/8, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng viện Nghiên cứu Thiết kế di động, công ty VinSmart cho biết, một nhà sản xuất điện thoại thông minh độc lập vẫn cần thiết phải làm chủ được cả về thiết kế lẫn công kệ và việc này đã nằm trong kế hoạch cụ thể của đơn vị.
Ngay từ ban đầu, công ty một mặt bắt tay hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới để chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại nhất; mặt khác, đội ngũ R&D, kỹ sư thiết kế của Vsmart ngày đêm nghiên cứu để quyết tâm làm ra những sản phẩm do Vsmart hoàn toàn làm chủ các công đoạn.
Hiện nay, công ty đã có gần 300 kỹ sư thiết kế cả người Việt Nam và nước ngoài, dự kiến sẽ tăng lên thành gần 700 vào cuối năm tới.
Ông Việt tiết lộ, theo kế hoạch tháng 3/2020, Vsmart có thể tự thiết kế hoàn toàn tất cả các dòng điện thoại mà hãng sản xuất ra. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt của ngành công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh của Việt Nam.
“Chúng ta đã có thể làm chủ các công đoạn sản xuất, hoàn toàn sòng phẳng với các hãng điện thoại lớn trên thế giới. Trên thực tế, ngay thời điểm hiện tại, chúng tôi đã có sản phẩm điện thoại 100% do đội ngũ kỹ sư Việt Nam của Vsmart thiết kế rồi”, ông Việt nói.
Ngay sau đó, vào tháng 4/2020, Vsmart sẽ tiến một bước rất dài nữa, chính thức cung cấp dịch vụ trọn gói như một nhà thiết kế sản phẩm gốc (ODM) cho các hãng điện thoại trên thế giới. Dịch vụ của công ty sẽ từ thiết kế, sản xuất linh – phụ kiện cho tới sản xuất điện thoại hoàn chỉnh.
“Chúng tôi cũng đang tiến hành xây dựng 6 nhà máy linh kiện để có thể tăng tỉ lệ nội địa hóa các điện thoại của VinSmart lên mức trên 60% vào tháng 4/2020”, ông này tiết lộ thêm.
Chiếc điện thoại mà ông Việt tiết lộ là dòng Vsmart Live 2, thế hệ tiếp theo của chiếc Vsmart Live 1. Vsmart Live 2 là thành quả của đội ngũ kỹ sư Việt Nam tự thiết kế dựa trên quá trình học hỏi đối tác thiết kế Live 1.
Đây sẽ là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của Việt Nam do người Việt thiết kế từ phần cứng, hệ điều hành và sản xuất trong nước.
Điện thoại thiết kế không lạ
Anh Đinh Văn Thắng, một dân sành công nghệ cho biết, việc các nhãn hàng smartphone dùng thiết kế sản phẩm có sẵn của thương hiệu khác và biến thành của mình không phải là quá đặc biệt. Trước đây, nhiều nhãn hàng điện thoại đã sử dụng chiêu thức này.
Anh Thắng cho hay, OnePlus là thương hiệu điện thoại sinh sau đẻ muộn, chỉ mới xuất hiện trên thị trường. Năm 2013, hãng này tung ra thị trường chiếc OnePlus One sở hữu đầy đủ yếu tố của một chiếc điện thoại cao cấp lúc ấy.
Chiếc điện thoại này đã dùng thiết kế cũ, có sẵn của Oppo Find 7, và đã đổi phần mềm từ ColorOS sang CyanogenMod, thay logo ở mặt lưng… Những chiếc điện thoại đời tiếp theo của OnlePlus cũng ảnh hưởng thiết kế của Oppo như OnePlus 5 và Oppo R11, One Plus 5T và Oppo R11s…
Gần đây, hãng Realme xuất hiện nhiều chiếc điện thoại có thiết kế giống Oppo. Nhiều người trong giới công nghệ từng đùa rằng, hãng Realme chỉ “thay tên đổi họ” cho sản phẩm của mình đối với Oppo. Anh Thắng ví dụ như Realme C1 và Oppo A3s, Realme 2 và Oppo A7…
Anh Thắng tiết lộ thêm, hãng điện thoại của Mỹ, có trụ sở tại Florida là BLU cũng dùng chiêu thức tương tự. Hãng này dùng thiết kế điện thoại có sẵn của Gionee, công ty Trung Quốc, để sử dụng cho sản phẩm của mình.
Ngoài ra, trước đây, một trong những hãng điện thoại nổi tiếng trong việc tiền hành thiết kế và gia công rồi bán smartphone của mình cho các thương thiệu của đối tác là HTC. Và, các sản phẩm Nexus và Pixel của Google là minh chứng cho điều này.
Anh Thắng phân tích, những chiếc điện thoại hãng này, “mượn xác” của hãng điện thoại của hãng khác trên thực tế xuất hiện ở những thương hiệu mới. Việc thiết kế, làm ra, cập nhật… công nghệ cho một chiếc điện thoại cần khoảng thời gian dài.
Trong khi đó, thị trường điện thoại phát triển rất nhanh và dễ dàng trở nên lạc hậu, bị khách hàng “đá đẹp” nếu 1 đến 2 năm không được cập nhật các phần mềm, công nghệ mới.
Và, trong khoảng thời gian phát triển, các công ty, thương hiệu này khi đã “dò đường”, nhận thấy có cơ hội phát triển thì sẽ tìm con đường riêng của mình. Hiển nhiên, không ai muốn suốt đời phải dựa dẫm vào một người khác và các hãng điện thoại lại càng hơn thế.
Trong kinh doanh, nếu mãi dựa dẫm, trở thành cái bóng của người khác thì mãi mãi không thể phát triển, trưởng thành và kiếm được nhiều lợi nhuận nếu đi đường dài. Và, việc “mượn xác” của những chiếc điện thoại hiển nhiên không phải là chiến lược lâu dài trong kinh doanh.
Trong thực tế, sau khi ăn bám Oppo một thời gian, One Plus đã cho ra những mẫu điện thoại riêng biệt. Gần đây, chiếc OnePlus 7 Pro đã tích hợp được nhiều công nghệ mới, thiết kế khác biệt, được giới công nghệ đánh giá tích cực.
Theo đoạn clip lan truyền trên mạng, điện thoại mới nhất của Vsmart giống hệt so với sản phẩm Meizu 16Xs từ ngoại hình đến tính năng.
Cả hai đều sở hữu chip Snapdragon 675, màn hình AMOLED 6.2 inch không tai thỏ, cảm biến vân tay dưới màn hình, cụm 3 camera 48MP, pin 4000mAh và thiết kế mặt lưng nhựa đổi màu.
Khi “mổ bụng” bên trong, cả 2 chiếc điện thoại đều có thiết kế giống y hệt nhau từ bảng mạch cho đến cả con ốc vít. Thứ khác biệt duy nhất là viên pin. Trên viên pin của Vsmart có ghi tiếng Anh thì trên pin Meizu 16Xs ghi ký tự Trung Quốc.
Trước sự việc này, đại diện Vsmart đã khẳng định, ngoài việc tương đồng về hình thức vì cùng chia sẻ một mẫu concept thiết kế, Vsmart Live và mẫu điện thoại trên khác nhau hoàn toàn về bản chất.
Phía Vmart sử dụng concept, điều chỉnh các chi tiết mình cần, thiết kế hệ điều hành của máy và sản xuất tại nhà máy Vsmart với linh kiện được cung cấp bởi các nhà cung cấp hàng đầu như chip, bo mạch của Qualcomm, màn hình Amoled của Samsung…
Phần “hồn” của Vsmart Live, hệ điều hành VOS 2.0, trải nghiệm người dùng, thuật toán camera…, do đội ngũ R&D của Vsmart tự phát triển 100%.