Tìm đến làng quạt Chàng Sơn (Hà Tây cũ) vào một ngày đầu tháng 9, nhóm PV báo Người Đưa Tin được ông Dương Văn Đoàn- nghệ nhân của làng quạt Chàng Sơn kể về những chiếc quạt kỷ lục đã gắn bó và là niềm tự hào của gia đình suốt bao nhiêu năm qua để tiếp tục yêu, giữ và truyền nghề của làng quạt này.
Qua lời kể của ông Đoàn, nghề làm quạt giấy đã tồn tại trong làng từ rất lâu từ đời các cụ nhà ông để lại đến nay cũng không còn nhớ rõ là bao nhiêu năm chỉ biết từ nhỏ đến lớn đều gắn bó với kỷ niệm làm nghề.
Trải qua trăm năm hình thành và phát triển, nghề làm quạt gần như đã trở thành một phần ký ức của mỗi người dân như ông Đoàn với tục lệ “cha truyền con nối” cứ như vậy mà bí quyết làm quạt riêng biệt của làng không bị mất đi.
Để làm ra một chiếc quạt người nghệ nhân phải rất trau chuốt, kỳ công và tỉ mỉ với nhiều công đoạn mới có thể đạt đến độ ưng ý mong muốn. Mỗi một chiếc quạt được làm ra “phải có được giá trị nghệ thuật của nó”, ông Đoàn chia sẻ thêm.
Ông cho biết, xưa kia quạt chỉ dùng để quạt mát nên người ta chỉ làm quạt giấy nhỏ bình thường. Nhưng, nay quạt có nhiều công dụng nên làng cứ thế mà phát triển, quạt cũng đa dạng hơn cả về mẫu mã, chủng loại, mỗi nhà làm quạt lại phải thay đổi để thích nghi với nhu cầu của thị trường.
Ngày nay, chiếc quạt không chỉ dùng làm mát cho ngày hè mà còn dùng làm quà lưu niệm, mùa lễ hội, dùng làm đồ trang trí, tế bái, dụng cụ biểu diễn,…
Nhà ông Đoàn chuyên sản xuất các mẫu quạt độc đáo phục vụ cho tế lễ và trang trí, trưng bày. Mỗi mẫu thường chỉ có một đến hai chiếc và sản xuất theo đợt chứ không làm đại trà nên vô cùng độc đáo. Cũng giống như nhiều nhà làm quạt khác những chiếc quạt nhà ông Đoàn cũng được tạo ra nhờ những thanh tre được phơi và sơ chế tốt sau đó dán qua các khâu bình thường.
Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ hàng buôn số lượng lớn như hiện nay ông đã cho tiến hành sản xuất chuyên môn hóa hơn có công nhân theo từng đợt hàng và làm riêng từng công đoạn. Bí quyết để những chiếc quạt của ông luôn được yêu thích trên các kệ hàng đặc biệt là với du khách nước ngoài là do loại bỏ được mùi hôi khó chịu của công đoạn ngâm tre.
“Để tre không hôi, chỉ cần không ngâm tre trong hồ theo phương pháp thủ công, thay vào đó thực hiện ngâm tre bằng hóa chất tươi, an toàn. Tiếp đến là sấy khô bằng lò sấy để khử sạch mùi”, ông Đoàn cho biết thêm.
Ngoài ra, các mẫu quạt được ông Đoàn thiết kế đều tự lên ý tưởng hoàn toàn, tự tay vẽ và đổ sơn dầu thủ công nên đạt được tính thẩm mỹ rất cao, đòi hỏi sự khéo léo nhất định.
Tiết lộ với PV về những kỷ lục quạt giấy mà gia đình đang nắm giữ, ông Đoàn ánh lên niềm tự hào.
“Gia đình tôi hiện đang nắm giữ kỷ lục về chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam do nghệ nhân Dương Văn Mơ thực hiện (bố đẻ của tôi) và chiếc quạt lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam để kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là tác phẩm do tôi thực hiện. Đây là một trong những niềm tự hào lớn nhất của tôi, từ ý tưởng muốn tạo một sản phẩm đặc biệt có giá trị văn hóa cốt lõi mừng đại lễ của đất nước đã giúp tôi hoàn thành tác phẩm kỳ công này.
Nếu tiếp tục có sự kiện lớn, tôi cũng mong muốn được thực hiện một kỷ lục mới dù tốn nhiều công sức nhưng sẽ là một tác phẩm lớn hơn”, ông Dương Văn Đoàn chia sẻ.
Ngày nay, dưới áp lực của nền kinh tế thị trường, nghề làm quạt giấy tưởng như rơi vào tình trạng khó khăn. Thế nhưng, ở nơi thôn quê yên bình này vẫn có một ngôi làng giữ lại nghề truyền thống, phát huy giá trị văn hóa ẩn sâu trong nghề, truyền tình yêu và niềm tự hào cho thế hệ sau.
Như gia đình nghệ nhân Dương Văn Đoàn đã, đang và sẽ làm. Đó là phát triển một nghề quạt mới vừa đáp ứng nhu cầu phong phú của thị trường nhưng cũng vẫn giữ được giá trị ban đầu của một chiếc quạt mang nặng truyền thống và giá trị văn hóa, tinh thần lớn lao của cha ông ta.
Xem video: Nghệ nhân chia sẻ về quạt giấy Chàng Sơn
Hoài Anh – Thùy Chuyên