GS. Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Việt Đức chia sẻ với báo Vietnamnet, bệnh nhân Nguyễn Văn Đ., 17 tuổi, ở Hải Dương được chuyển từ trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng rất nặng, phải thở oxy liên tục, cơ thể suy dinh dưỡng nặng khi chỉ số BMI chỉ còn 13,3.
GS. Giang cho hay, bệnh nhân đã bị bệnh 5 năm nay với các biểu hiện kén hoá và nhiễm trùng phổi rất nặng, đã từng điều trị nhiều lần tại Bạch Mai do nhiễm trùng cấp các kén phổi.
Bệnh nhân cũng từng mổ 1 bên phổi phải và bơm thuốc gây dính màng phổi bên trái do kén khí phổi vỡ tái diễn, từng điều trị hoá chất nhiều đợt.
Ngoài ra, nam thanh niên còn mắc cùng lúc nhiều bệnh lý khác như sỏi thận phải (từng mổ năm 2016), sỏi trong gan, suy chức năng gan do hoá chất...
Bệnh nhân được xác định mắc bệnh mô bào ở phổi giai đoạn cuối (Langerhans) - một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt, bệnh tự miễn, không có phương pháp điều trị triệt để. Trên phim chụp cắt lớp ngực, gần như toàn bộ tổ chức phổi của bệnh nhân đã bị tiêu huỷ hết các thành nang – kén khí, không còn hoạt động chức năng.
Theo báo Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước (Trưởng khoa Phẫu thuật và lồng ngực – bệnh viện Việt Đức) cho biết, cuộc sống của người bệnh gắn chặt với máy thở trên giường bệnh, không cách nào điều trị, tiên lượng cuộc sống sẽ dừng lại rất sớm do bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Giải pháp điều trị duy nhất trên thế giới là phẫu thuật ghép 2 phổi, nếu không phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tử vong sau vài tháng.
Từ nguồn đa tạng của người cho chết não là nam bệnh nhân 40 tuổi ở Ninh Bình, ca ghép 2 phổi cho bệnh nhân bắt đầu 9h sáng ngày 12/12 và kéo dài suốt 14 tiếng, kết thúc lúc 23h cùng ngày.
Bệnh nhân được gây mê hồi sức đặc biệt cùng sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO.
PGS.TS Ước cho biết, việc lấy bỏ những bệnh ở phổi vô cùng khó, vì những bệnh ở phổi là bệnh rất lâu ngày khiến phổi bị dính, nát, nhiễm trùng. Có hai nguy cơ sợ nhất khi lấy phổi, đó là nếu không cẩn thận sẽ gây chảy máu, gây biến chứng, nguy cơ rủi ro rất cao.
“Đối với bệnh nhân này, vì phổi quá dính, nếu làm không cẩn thận biến chứng sẽ xảy ra nên việc phẫu thuật bóc phổi của người bệnh phải thực hiện rất lâu, trong khi đó tạng của người hiến phải chờ lâu mà chưa ghép thì nguy cơ bị hỏng. Do đó chúng tôi phải đổi quy trình là cắt từng phổi và ghép từng phổi. Sau đó phải tính toán để ít nhất còn một bên phổi tốt cứu bệnh nhân… Nhưng rất may mắn, cho đến thời điểm này cả hai phổi đều vận hành được…” – PGS. Ước chia sẻ.
10 ngày đầu sau ghép phổi, diễn biến sức khoẻ bệnh nhân rất tốt. Hiện bệnh nhân đã tự thở, đang bắt đầu tập vận động. Tuy nhiên do diễn biến hậu phẫu phức tạp trên nền thể trạng quá suy kiệt và tổn thương nhiều tạng nên cần nằm lại viện để theo dõi thời gian dài.
Cũng theo PGS. Ước, có thể coi đây là thành công của các bác sĩ Việt Nam trong kỹ thuật ghép tạng. Bởi đây là lần đầu tiên chỉ có bác sĩ Việt Nam thực hiện toàn bộ quá trình ghép phổi.
Phong Linh (tổng hợp)