Những bí mật lần đầu tiết lộ
Khi cùng chồng về Nhà Trắng sống ngày 20/1/2009, bà Michelle Obama chính thức mở ra một trang mới trong lịch sử Mỹ với việc Washington có Đệ nhất phu nhân da màu đầu tiên. Hình ảnh của bà từ đó lan truyền khắp thế giới cùng những lời ngợi ca và gắn liền với những sự kiện trọng đại. Tuy nhiên, ít người biết rằng nguồn gốc Mỹ - Phi đã khiến bà Michelle Obama phải chịu nhiều thách thức, thậm chí ngay khi đang còn sống ở Nhà Trắng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Tổ chức phụ nữ Colorado tại thành phố Denver, Mỹ hôm cuối tháng Bảy, bà Michelle chia sẻ rằng “vết thương lòng” lớn nhất trong suốt 8 năm ở Nhà Trắng của bà chính từ vấn đề màu da.
“Sau 8 năm cống hiến hết mình cho đất nước, vẫn có những người không nhìn nhận tôi, chỉ vì tôi là người da màu”, bà Michelle Obama chia sẻ khi đề cập đến thái độ kỳ thị của một số người với bà.
Ít ai biết rằng, khi còn ở cương vị Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Michelle Obama phải hứng chịu không ít những lời đàm tiếu về ngoại hình, màu da của mình. “Khi họ xuống thấp thì tôi lên cao. Đó là điều mà tôi và Barack (Obama) đã lựa chọn. Nó giúp chúng tôi thanh thản suốt những năm qua”, bà Michelle Obama từng chia sẻ với sinh viên tại đại học Quốc gia Jackson hồi tháng 4/2016 về những khó khăn mà bà đã trải qua.
Bà Michelle gặp ông Barack Obama khi họ là hai người da màu duy nhất làm việc tại công ty luật Sidley Austin ở Chicago. Lúc ấy, bà được giao nhiệm vụ hướng dẫn ông Obama, một nhân viên làm việc trong mùa hè.
Mối quan hệ của họ bắt đầu từ một bữa tối để bàn công việc, kế đó là một buổi họp về tổ chức cộng đồng, ở đó Obama đã gây ấn tượng tốt đối với bà. Trải qua một thời gian dài tìm hiểu và hẹn hò, hai người kết hôn vào tháng 10/1992, rồi có hai cô con gái là Malia Ann và Natasha.
Cuộc sống của vợ chồng bà Michelle thực sự trở nên nhiều thách thức hơn kể từ năm 2007 khi ông Barack Obama tuyên bố tranh cử Tổng thống. Là một Tiến sĩ Luật và tương lai sự nghiệp xán lạn nhưng bà Michelle quyết định tạm dừng việc phát triển công việc để ủng hộ chiến dịch tranh cử của chồng. Bà cắt giảm hầu hết công việc chuyên môn để tập trung giúp đỡ chồng.
Thời điểm giúp chồng tranh cử là lúc bà Michelle cũng phải đấu tranh với những quan niệm sai lầm vì nguồn gốc Mỹ - Phi của mình. "Vì có khả năng trở thành Đệ nhất phu nhất có nguồn gốc Mỹ-Phi đầu tiên, tôi cũng từng trở thành mục tiêu của một loạt các câu hỏi và suy đoán.
Tôi phát hiện ra sự lo ngại cùng nhận thức sai lầm của nhiều người khác khi nói chuyện với họ. Tôi sẽ trở thành kiểu đệ nhất phu nhân gì? Tôi sẽ nắm giữ những trọng trách gì? Sự thực là những câu hỏi tương tự như thế sẽ được đặt ra cho vợ của bất kỳ ứng viên nào", bà Obama chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Đệ nhất phu nhân Mỹ cũng không quên tấm "hình hoạt họa vẽ tôi với mái tóc quăn dài khổng lồ cùng một khẩu súng máy" mà truyền thông từng đăng tải với ý nghĩa mỉa mai.
"Trong suốt thời gian đó, nhiều đêm tôi mất ngủ vì băn khoăn về những gì mọi người nghĩ về tôi. Tôi phải lờ đi tất cả những điều đó và quyết định sống thật với chính mình. Cảm giác thất vọng và bị cô lập. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy rằng cuộc đời của bạn chẳng đáng kể gì. Những cảm xúc đó rõ ràng đang tồn tại trong cộng đồng Mỹ gốc Phi ở Baltimore, Ferguson cũng như rất nhiều khu vực khác trên khắp đất nước này", bà Obama từng chia sẻ.
Tỏa sáng khi cần tỏa sáng
Và để thích nghi với cuộc sống ở Nhà Trắng cũng như bắt đầu vai trò của người đàn bà thứ nhất nước Mỹ, bà bắt đầu bằng những chuyện đơn giản như đi shopping, trồng rau trong vườn của Nhà Trắng, dạy con học, như bao người phụ nữ khác. Bà khuấy động mạng xã hội qua ngôn ngữ đời thường như cách đi mua bán, đùa vui nhẹ nhàng và từng bước lôi cuốn công chúng.
Trồng rau như một việc nhỏ bà biến thành dự án "Let’s move - Chúng ta hãy vận động" nhằm chống xu hướng béo phì trong trẻ em, nhất là trẻ da màu. Thông qua các hoạt động, ăn uống điều độ, vệ sinh, nuôi dưỡng một cách khoa học, thông tin cho cha mẹ đầy đủ về cách nuôi dạy trẻ nhỏ, thức ăn lành mạnh cho trường học, dự án mở đầu đã được đón nhận hồ hởi và làm tiền đề cho các hoạt động xã hội sau này.
Cuộc sống trong Nhà Trắng không phải luôn thật dễ dàng, đặc biệt khi mà mức chi tiêu cho một gia đình ở đây là không hề nhỏ. Vì lẽ đó nên ngoài việc ủng hộ sự nghiệp của chồng, bà Michelle còn đảm đương trách nhiệm của một người phụ nữ vun vén, lo toan cho gia đình. Cũng như nhiều phụ nữ, cứ mỗi dịp đến mùa giảm giá, bà Michael lại đi săn hàng giảm giá. Ngoài ra, bà cũng tận dụng cơ hội để được tặng đồ. Những chiếc váy bà mặc trong các đại tiệc đón nhiều nguyên thủ quốc gia là... do “ai đó tặng”.
Những đóng góp của bà cho Mỹ trong 8 năm là rất lớn. Trong hôm chia tay đồng nghiệp trong Nhà Trắng khi phát biểu lần cuối trong cương vị phu nhân Tổng thống, bà Michelle Obama ngấn lệ khi khẳng định với giới trẻ, đặc biệt nguồn gốc di dân, rằng họ làm nên nước Mỹ. “Hãy hiểu rằng quốc gia này thuộc về các bạn, tất cả các bạn, từ mọi thành phần lý lịch và mọi tầng lớp xã hội,” bà cho biết. Và mặc cho những ý kiến trái chiều, không ai có thể phủ nhận rằng bà Michelle đã tạo nên một hình tượng đẹp trong lòng người Mỹ.
Xem thêm >> Lý do bất ngờ khiến Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân
Đào Vũ