Ngày 30/10, truyền thông Hồng Kông cho biết nhà văn Kim Dung đã qua đời ở tuổi 94 tại Bệnh viện Hồng Kông sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Con rể của ông là Ng Wai Cheong đã xác nhận thông tin này với tờ South China Morning Post.
Phận hiệp khách hành đeo đuổi trong những giấc mơ
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, ông sinh vào ngày 10/3/1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, địa cấp thị Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong một gia tộc khoa bảng danh giá.
Ông cố là Tra Thận Hành, nhà thơ nổi tiếng đời nhà Thanh, ông nội là Tra Văn Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.
Tra Văn Thanh về sau từ chức, đến đời con là Tra Xu Khanh bắt đầu sa sút; Tra Xu Khanh theo nghề buôn, sau sinh sáu đứa con, Kim Dung là con thứ hai.
Hồi nhỏ Kim Dung là một cậu bé thông minh, lanh lợi. Cậu bé nhỏ tuổi hiểu sự đời, yêu thiên nhiên, thích nghe kể chuyện thần thoại, truyền thuyết.
Đặc biệt những ngọn triều trên sông Tiền Đường mãi luôn là một miền kí ức đẹp trong tâm can của cậu bé chưa đầy 6 tuổi.
Dòng họ nhà Kim Dung có một nhà để sách gọi là "Tra thị tàng thư" nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây, chứa rất nhiều sách cổ, cứ mỗi buổi chiều gõ cửa, cậu bé nhỏ tuổi lại cặm cụi nghiền ngẫm những cuốn cổ văn và những tập truyện lịch sử trường kì.
6 tuổi, Kim Dung vào học tiểu học ở quê Hải Ninh.
8 tuổi, lần đầu tiên trong đời Kim Dung đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện Hoàng Giang nữ hiệp của Cố Minh Đạo, ông cảm thấy rất say mê và từ đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này.
Chẳng biết từ khi nào, thế giới đời thường vốn dung dị của cậu bé con trở nên thi vị, phong phú với những anh hùng, hiệp khách hành tẩu đại giang.
Năm 1941, chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, trường Cù Châu – nơi Kim Dung theo học thành trung phải di dời, ban giám hiệu quyết định cho học sinh lớp cuối tốt nghiệp sớm để bớt đi gánh nặng.
Sau ông thi vào học Luật quốc tế tại học viện chính trị Trung ương ở Trùng Khánh.
Là một người xuất chúng, Kim Dung bắt tay vào làm cuốn Anh – Hán tự điển và dịch một phần Kinh Thi sang tiếng Anh. Năm 19 tuổi, vì viết thư tố cáo một vụ bê bối trong trường nên Kim Dung bị đuổi học.
Lăn lộn trường đời, thất bại hôn nhân, nhà cửa mất trắng, Kim Dung xin vào làm cho Tân Văn Báo.
Đến năm 1955, được La Phù và Lương Vũ Sinh ủng hộ và giúp đỡ, Kim Dung viết truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu lục, đăng hàng ngày trên Hương Cảng tân báo, lấy bút danh Kim Dung.
Hai chữ "Kim Dung" là chiết tự từ chữ "Dung", tên thật của ông, nghĩa là "cái chuông lớn".
Thư kiếm ân cừu lục ra đời, tên Kim Dung được chú ý đến, dần dần, ông cùng Lương Vũ Sinh được xem như hai người khai tông ra Tân phái của tiểu thuyết võ hiệp.
Ông viết tiếp bộ Bích huyết kiếm được hoan nghênh nhiệt liệt, từ đó chuyên tâm vào viết tiểu thuyết võ hiệp và làm báo.
Năm 1959, Kim Dung sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hong Kong và giữ vị trí tổng biên tập cho đến khi về hưu vào năm 1989 khi đã quá nửa lục tuần.
Sau đó, Kim Dung bắt tay chỉnh sửa lại nhiều tác phẩm trước đó của mình vào cuối thập kỷ 1970.
Vào tháng 10/1976, vì quá đau lòng sau cái chết đột ngột do tự sát của con trai trưởng, Kim Dung đã quyết định tìm hiểu nhiều vào các triết lý của tôn giáo. Kết quả là ông tự mình quy y Phật giáo hai năm sau đó.
Năm 1993, ông thôi làm chức chủ bút, bán tất cả các cổ phần trong Minh Báo.
Theo Taiwan News, ông tiếp tục tung hoành trong làng văn chương võ hiệp Trung Quốc với hàng loạt tác phẩm tái bản từ năm 1999 cho đến khi thật sự gác bút vào năm 2006.
Ông được mọi người biết đến là tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc đương đại, được mệnh danh là “Võ lâm minh chủ” về sách kiếm hiệp.
Ông được coi là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc và cộng đồng người nói tiếng Hoa nhiều thập niên qua.
Tháng 9/2017, các tác phẩm của Kim Dung xếp ở vị trí thứ 7 trong Top 40 cuốn sách có ảnh hưởng nhất nền văn học Trung Quốc trong 40 năm qua.
Kim Dung cũng là một trong số những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Sách của ông đã được in hơn 300 triệu bản và được bán khắp nơi trên thế giới.
Ông được xếp thứ 27 trong danh sách 50 tác giả thu được tiền tác quyền nhiều nhất năm 2014 với tác phẩm bán chạy nhất là Thần điêu đại hiệp.
Năm 1981, Kim Dung được trao tặng huân chương OBE của Vương Quốc Anh và Bắc đẩu bội tinh năm 1982 từ chính phủ Pháp.
Ngoài ra ông cũng là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học như Bắc Kinh, Chiết Giang, Nam Khai, Hong Kong, British Columbia cũng như là tiến sĩ danh dự của đại học Cambridge.
Các tiểu thuyết của ông được biết đến như sách gối đầu giường của những ai từng hơn 1 lần ôm mộng hành hiệp trượng nghĩa xuất tẩu giang hồ như: Thư kiếm ân cừu lục (1955), Bích huyết kiếm (1956), Anh hùng xạ điêu (1957), Thần điêu hiệp lữ: Thần điêu đại hiệp (1959), Tuyết sơn phi hồ (1959), Phi hồ ngoại truyện (1960), Bạch mã khiếu tây phong (1961), Uyên ương đao (1961), Ỷ thiên Đồ long ký-Cô gái Đồ Long (1961), Liên thành quyết (1963), Thiên long bát bộ Lục mạch thần kiếm, Hiệp khách hành (1965), Lộc Đỉnh Ký (1972).
Chân nguyên Tiểu Long Nữ
Nghê Khuông, nhà văn nổi tiếng của Hồng Kông, bạn thân của Kim Dung tiết lộ Kim Dung đã xây dựng hình tượng nhân vật Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp dựa trên cô con gái út của ông là Tra Truyền Nột ( SN 1963).
Trong số các anh chị em, Tra Truyền Nột là người con duy nhất sống gần cha, cô vẫn thường nhắc nhớ lời cha dạy: “Hãy cứ làm điều gì mình muốn, không cần phải học theo ông. Bởi cái quý giá nhất của con người chính là bản ngã”
Không giống cha, từ nhỏ, Truyền Nột đã thích hội họa, cô được đánh giá là có tài năng thiên phú. Năm 12 tuổi, Tra Truyền Nột nhận họa sỹ tranh thủy mạc Đinh Diễn Dung làm sư phụ, tuy nhiên, mới "tầm sư học đạo" được 2 năm thì Đinh Diễn Dung qua đời, Truyền Nột không chịu tìm thầy mới mà tự học.
Khi được hỏi về việc là con gái cưng của vua truyện kiếm hiệp nhưng không theo nghiệp của cha, Truyền Nột nói: "Trở thành cao thủ viết truyện không phải là mơ ước của tôi".
Truyền Nột cũng cho biết, dù không một người con nào theo nghiệp văn của mình, song nhà văn Kim Dung cũng không thấy buồn và hối tiếc: "Cha thường nói với tôi, hãy cứ làm điều gì mình muốn, không cần phải học theo ông. Bởi cái quý giá nhất của con người chính là bản ngã".
Tháng 5/2010, Truyền Nột mở một phòng tranh với diện tích 140 m2, đặt tại Happy Valley, Hong Kong, ngày 15/5/2011, cô tổ chức triển lãm hội họa đầu tiên của riêng mình.
Tuy nhiên, cái tên Tra Truyền Nột được chú ý hơn cả với tư cách là con gái của nhà văn Kim Dung, đối với Truyền Nột, đôi khi điều này cũng đem lại khá nhiều phiền phức. "Rất nhiều báo liên hệ phỏng vấn tôi, nhưng tôi thấy không nhất thiết phải như vậy, tôi cũng chỉ là một người bình thường".
"Cuộc sống của tôi khá đơn giản, cha tôi đã là một nhà văn nổi tiếng, được nhiều người yêu thích, họ Tra không cần thêm bất cứ một tiểu thuyết gia nào nữa. Tôi cũng như các bạn, trong lòng luôn ngưỡng mộ Kim Dung, chỉ có một điều khác biệt, tôi tự hào vì là con gái của "đại hiệp".
Nói về việc cha xây dựng hình tượng Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp dựa trên bản thân mình, Truyền Nột chỉ cười: "Tôi có biết võ công đâu như cô ấy đâu, bơi, lặn, tôi cũng chỉ biết chút ít".
"Tiểu Long Nữ" thừa nhận mình giống Quách Tương hơn. "Nhân vật trong tiểu thuyết của cha mà tôi thích nhất là Quách Tương, tôi cảm giác mình giống cô ấy nhất".
Một điều đáng ngạc nhiên là Truyền Nột hầu như không theo dõi những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung. "Tôi có bệnh khó tập trung mỗi lần ngồi coi phim, thật kỳ lạ, vì vậy tôi không theo dõi những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của cha".
"Nhiều người hỏi tôi rằng đâu tiểu thuyết xuất sắc nhất trong số 14 tác phẩm của cha, tôi nghĩ nên nhường câu trả lời này cho những ai mê truyện Kim Dung. Đó thực sự là một câu hỏi khó trả lời, có lẽ thời gian sẽ cho chúng ta đáp án chính xác nhất".
Có năng khiếu hội họa, nhiều lần nhà văn Nghê Khuông đã gợi ý Truyền Nột vẽ chân dung những nhân vật kiếm hiệp nổi tiếng trong truyện của cha, song cô từ chối: "Việc vẽ những nhân vật đó đã có những họa sỹ khác đảm nhận, tôi tham gia vào chỉ như "vẽ rắn thêm chân".
Có người nói, tôi là người hoàn toàn đủ tư cách để vẽ chân dung các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung. Nhưng thực sự điều đó không phải dễ dàng, là con gái của "đại hiệp", tôi thừa nhận phải chịu áp lực tâm lý không hề nhỏ".
Trong số các anh chị em, Tra Truyền Nột là người con duy nhất sống gần Kim Dung. Cô kết hôn sớm hơn chị gái một năm, chồng của Truyền Nột là một bác sỹ. Họ đã có một gia đình hạnh phúc cùng 3 đứa con, 2 cô con gái đầu đang du học tại Anh Quốc, cậu con trai út mới 11 tuổi.
Tra Truyền Nột cho biết, chị gái Tra Truyền Thi hiện đang sống ở Vancouver, Canada, còn anh trai Truyền Thích sống ở Thâm Quyến. "Ba anh chị em chúng tôi mỗi người bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống của riêng mình. Ngày nhỏ, cả ba ăn chung bàn, ngủ chung giường, nhưng lớn lên, mỗi người một cuộc sống, không còn thân thiết được như trước, giờ nghĩ lại tôi thấy rất buồn và tiếc".
Truyền Nột còn là một người tích cực tham gia công tác thiện nguyện, năm 2008, khi trận động đất ở Tứ Xuyên xảy ra, cô là một trong những tình nguyện viên nhiệt tình, bỏ tất cả công việc để đến với những nạn nhân của trận động đất lịch sử. Năm 2012, Truyền Nột còn mở một triển lãm tranh để lấy tiền quyên góp giúp đỡ trẻ em nghèo.
Tra Truyền Nột quan niệm, tuy không được thành công như anh chị, nhưng cô luôn cảm thấy ông trời rất công bằng, bởi bù lại, Truyền Nột được ở gần cha mẹ, được làm những điều mình thích, cô hạnh phúc và hài lòng về điều đó.
Sự ra đi gây nhiều tiếc nuối
Sinh lão bệnh tử - vòng xoay định mệnh không chừa một ai. Vậy là từ bây giờ, trên con đường chính nghĩa đậm nét trong từng trang tiểu thuyết kiếm hiệp vắng bóng Kim Dung.
Nói về Kim Dung, Huỳnh Hiểu Minh khẳng định: "Có thể diễn được tác phẩm của ông là vinh hạnh lớn nhất, phải tu ba kiếp mới được vậy. Kim Dung cả đời hành hiệp trượng nghĩa, không bao giờ già nua trong ký ức nhiều thế hệ”.
Hai diễn viên nổi tiếng trong bản Tiếu ngạo giang hồ 2014 - Hoắc Kiến Hoa, Trần Kiều Ân bày tỏ sự cảm kích với nhà văn: "Cháu còn mong được diễn Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp nhưng e tuổi đã quá rồi".
Chủ tịch Alibaba - Mã Vân từng ca ngợi Kim Dung như người có một không hai. "Đời tôi chỉ có hai đam mê, đó là tiếng Anh và võ hiệp của Kim Dung".
Cũng vì thế, tại văn phòng của Mã Vân, ông thường đặt tên giống truyện. "Đảo đào hoa", "phòng họp đỉnh Quảng Minh".
Với người hâm mộ Việt Nam, sự ra đi của ông gây nhiều tiếc nuối cho những bạn đọc đã theo ông suốt chặng đường đi tìm chính nghĩa.
Minh Anh (tổng hợp)