Tiết lộ bí mật về nơi nuôi giấu cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Tiết lộ bí mật về nơi nuôi giấu cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Trong thời gian hoạt động cách mạng, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã ẩn náu trong vô số căn cứ bí mật. Tuy nhiên, lâu hơn cả, gắn bó mật thiết hơn cả là gia đình cụ Nguyễn Văn Trác tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Nhà của lão nông Nguyễn Văn Trác được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là niềm tự hào, sự minh chứng sâu sắc về tình quân dân như cá với nước…

Hoạt động trong "mắt bão"

Đồng chí Lê Duẩn là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong khoảng thời gian 1976 - 1986. Ông sinh ngày 7/4/1907 tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tham gia cách mạng năm 1928, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 và sớm trở thành người chiến sĩ cận vệ đầu tiên của Đảng. Đồng chí Lê Duẩn là một học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động của ông gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của nước ta.

Đầu năm 1955, Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, cách mạng miền Nam lúc bấy giờ rơi vào tình thế dầu sôi, lửa bỏng. Bến Tre, một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, nơi sinh trưởng, đào tạo những anh hùng kiệt xuất như nữ tướng Nguyễn Thị Định, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Tạ Thị Kiều đã từ lâu là cái gai trong mắt của địch. Mỹ - Diệm càng khát khao nhấn chìm phong trào nổi dậy của nhân dân Bến Tre, để biểu tượng đấu tranh của nhân dân miền Nam không còn dịp bùng cháy, tác động đến dân quân toàn cõi Nam kỳ.

Nắm được tình hình, hiểu được chiến lược của địch, biết được thế mạnh và sức mạnh tiềm tàng của quân dân Bến Tre, đồng chí Lê Duẩn, khi đó là bí thư Xứ ủy, bí thư Trung ương Cục miền Nam đã chấp nhận nguy hiểm, bí mật vào "mắt bão" tìm hiểu tình hình cách mạng ở một số tỉnh miền Nam, trong đó có Bến Tre.

Tại đây, đồng chí Lê Duẩn đã đi nhiều nơi, bám sát mọi địa hình, tiếp xúc với quân dân nơi đây. Ông từng lênh đênh trên sông nước Bến Tre, ẩn mình trong chiếc ghe nhỏ giữa sóng nước mênh mông với một người cận vệ để chờ bà Nguyễn Thị Định đến cùng bàn việc nước. Từ vùng đồng bằng rợp bóng dừa xanh, ông lại đến vùng cù lao Minh, cù lao Bảo bốn bề nước động, rắn rết, muỗi mòng.

Xã hội - Tiết lộ bí mật về nơi nuôi giấu cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Đồng chí Lê Duẩn về thăm lại Bến Tre thăm nhà Mười Trác

Có lúc, ông giả làm người dân thường đi câu cá trên sông liên tục trong nhiều ngày liền để qua mắt và tránh địch càn quét bắt bớ. Những cận vệ và đồng đội ra sức thăm dò tìm một gia đình có cơ sở an toàn và trung thành với dân tộc, yêu nước để gửi gắm, đảm bảo an toàn cho ông sau nhiều ngày bôn ba sương gió. Cuối cùng, ngôi nhà khang trang với thiết kế cẩn mật, phức tạp của lão trung nông Nguyễn Văn Trác (Mười Trác) được Xứ ủy chọn làm nơi ẩn náu của đồng chí Lê Duẩn trong thời gian hoạt động từ tháng 11/955 đến tháng 3/1956.

Lão nông Mười Trác với tình thân cách mạng

Xã Hiệp Hưng (Hưng Lễ ngày nay) nằm trong địa bàn xã giải phóng, binh tề vận đều có cơ sở nội tuyến của quân dân ta. Cụ Nguyễn Văn Trác thuộc thành phần trung nông khá giả trong vùng. Ít ai biết, cụ Mười Trác thuần nông ấy lại là Bí thư chi bộ Đảng bí mật, có hai con trai là đoàn viên, con rể là chi ủy viên nên được các đồng chí cách mạng vô cùng tin tưởng giao cho nhiệm vụ bí mật nuôi giấu đồng chí Lê Duẩn.

Ngôi nhà cụ Mười Trác có diện tích gần 97m2 nằm trọn giữa vườn dừa, thuận tiện cho việc thoát thân khi gặp nguy hiểm, lúc địch phát hiện. Ngôi nhà bằng gỗ được xây dựng theo kiểu nhà chính, 3 gian 2 chái với mái ngói nền gạch tàu, vách gỗ, cột gỗ. Trong ngôi nhà độc đáo này, gia đình đã thiết kế một căn buồng kín đáo dành cho đồng chí Lê Duẩn trong gian thứ ba. Tại đây, gia đình cụ Mười Trác đã cho đào những căn hầm bí mật để cố Tổng Bí thư ẩn mình khi có biến. Cụ Mười Trác còn bố trí những vật dụng, vật phẩm phục vụ chu đáo đến mức có thể, tạo điều kiện cho đồng chí Lê Duẩn hoạt động. Hiện nay, tại ngôi nhà chỉ còn lại những căn hầm mô phỏng chốn trú ẩn của đồng chí Lê Duẩn ngày xưa.

Hàng ngày, đồng chí Lê Duẩn làm việc, ăn ở ngay trong căn buồng trên chiếc giường, bên cạnh là chiếc tủ mà bên trong bố trí thông với một hầm bí mật, làm bằng thùng phuy chôn sâu dưới đất. Khi có động tĩnh từ phía ngoài sẽ có mật hiệu thông báo cho đồng chí trốn vào hầm bí mật. Một số đồng chí có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, còn bên trong do vợ chồng cụ Mười Trác và các con đảm nhiệm việc ăn uống, sinh hoạt, sức khỏe của đồng chí.

Ông Nguyễn Văn Khinh, con trai cụ Mười Trác chia sẻ cách gia đình đã qua mắt được bọn mật thám của Mỹ - Diệm: "Cả nhà tôi chỉ có cha mẹ và hai anh chị lớn được tiếp xúc và biết đồng chí Lê Duẩn làm gì và tại sao phải bảo vệ. Nhà tôi có chị thứ ba là Nguyễn Thị Nhàn rất khéo ăn khéo nói, chị làm nghề thợ may, thường đặt bàn máy may trước nhà, khi lính đi tuần hoặc mật thám ghé nhà hỏi han, thăm dò. Chính lối nói chuyện cuốn hút của chị làm bọn chúng phân tâm, tạo khoảng hở cho cha mẹ tôi sắp xếp chỗ trốn cho bác Chín (tên thường gọi của đồng chí Lê Duẩn). Cha tôi ngoài việc chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho lãnh đạo còn nhận nhiệm vụ đưa thư cho ông. Mỗi khi đưa thư, cha tôi thường giả đi câu cá, kỹ lưỡng nhét thư vào cần trúc rồi đi khắp xóm liên lạc với các cán bộ nằm vùng".

Trước đó, để có điều kiện hoạt động cách mạng, cụ Mười Trác đã chủ động thuê ruộng của nhiều địa chủ trong vùng, ruộng của cụ phân bố rộng khắp trong vùng nên khi cụ nói đi thăm ruộng, không ai nghi ngờ. Cách vài ngày, từ mờ sáng, cụ Mười Trác lại xách cần câu cá đi thăm ruộng, đến tối mịt mới về, giỏ có dăm con cá rô nho nhỏ. Cách hoạt động cách mạng của cụ Mười Trác rất khác người nhưng phảng phất đâu đó nét chất phác, thuần nông của nông dân Nam bộ…

Vợ chồng cụ Mười Trác và các con thay nhau lo cơm nước cho đồng chí Lê Duẩn. Nơi ẩn náu của ông lúc nào cũng đầy ắp trái cây, cơm canh đủ dinh dưỡng, có sách vở để đọc thư giãn. Những dịp đồng chí Tổng Bí thư rảnh rang, giặc im ắng không càn quét, cụ Mười Trác lại được nghe đồng chí chia sẻ những lo toan, trăn trở trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang hồi nóng bỏng. Chính những khoảng thời gian hiếm hoi này giúp cụ Mười Trác thêm yêu thương, kính trọng những con người sống và chiến đấu cho niềm tự hào dân tộc.

Với sự chăm lo chu đáo của gia đình cụ Nguyễn Văn Trác, đồng chí Lê Duẩn dành toàn bộ tâm sức hoạt động cách mạng, soạn thảo đề cương cách mạng miền Nam, triển khai nhiều cuộc họp, trong đó có hai cuộc họp quan trọng tại Giồng Xoài và Giồng Tre Quạ có sự tham gia của các cán bộ đầu não của Khu ủy miền Tây, miền Trung, TP. Sài Gòn, tỉnh ủy các tỉnh phía Nam. Đây là những cuộc họp tạo tiền đề và đưa ra đường lối đấu tranh cho quân dân miền Nam. Có thể xem những ngày hội họp này là cơ sở chính thống để nhân dân Bến Tre đứng dậy đồng khởi vào năm 1960.

Đến tháng 3/1956, căn cứ bí mật tại nhà cụ Trác bị lộ, nhưng trước đó, phía ta đã nắm được tình hình nên âm thầm chuyển căn cứ cho đồng chí Lê Duẩn. Người bảo vệ đồng chí là ông Trần Văn Bỉnh (Sáu Lùn) đã nảy ra sáng kiến cho đồng chí vào khạp nước trốn rồi cho lên ghe chở đến cơ sở khác. Khi giặc đến lục xét, dùng giáo mác xôm vào cột, giường tủ thì chẳng còn phát hiện được bất cứ điều gì khả nghi, chúng tức tối ra về, trong cái thở nhẹ nhõm của cả nhà cụ Mười Trác.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đồng chí Lê Duẩn dành thời gian về thăm lại ngôi nhà, vùng đất từng đùm bọc, nuôi giấu ông để gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những con người không màng sống chết bảo vệ ông, bảo vệ cuộc cách mạng chính nghĩa của dân tộc.

Ông Nguyễn Hùng, phó trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Bến Tre, cho biết: "Hiện nay, di tích nhà ông Nguyễn Văn Trác được giao cho ông Nguyễn Văn Khinh, con trai cụ Mười Trác, trông coi, quản lý. Những đồ vật và hình ảnh về cảnh vật, con người từng hiện hữu trong thời kỳ hoạt động của đồng chí Lê Duẩn được lưu trữ, trưng bày đầy đủ tại đây. Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre đang lên kế hoạch xây dựng khu tưởng niệm dựa theo hình mẫu ngôi nhà gỗ của gia đình cụ Nguyễn Văn Trác để tiếp tục đón du khách đến tham quan".

Cảm động bữa cơm sum họp

Ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm nhà cụ Nguyễn Văn Trác, không ai biết được thông tin này. Khi ông đến, chỉ còn trẻ con ở nhà, các thành viên trong gia đình đều ra đồng làm lúa. Nghe tin ông đến, vợ chồng cụ Mười Trác vội vã về nhà. Gặp ông, họ òa khóc vui sướng, tay bắt mặt mừng. Đồng chí Lê Duẩn cho mời tất cả những gia đình từng giúp đỡ, nuôi giấu ông trong thời kỳ hoạt động tại Bến Tre cùng tụ họp về nhà cụ Mười Trác. Ông cùng bà con xắn tay áo, nhặt rau, làm cá, kho thịt, hái trái cây trong vườn chuẩn bị bữa cơm sum họp. Chiếc bàn ăn ngày đó hiện nay được trưng bày tại di tích nhà cụ Nguyễn Văn Trác.

Hà Nguyễn - Ngọc Lài


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.