Theo các nhân chứng, đã có một số người lạ đến hỏi thăm nhà nạn nhân trước thời điểm vụ án mạng xẩy ra.
Xuất hiện nhiều người lạ khả nghi
Con đường chính từ thị xã Chí Linh vào đến nhà ông Khôi chỉ chừng vài cây số nhưng lại hoàn toàn không dễ đi. Anh Bùi Thành Tâm, người con thứ ba của nạn nhân vừa dẫn chúng tôi đi vừa phân tích: "Đây là con đường độc đạo để vào thôn Trại Gạo. Tuy hai bên nhà cửa thưa thớt nhưng hễ cứ người lạ xuất hiện hôm trước, hôm sau người trong thôn biết ngay".
Gia đình nạn nhân mỏi mòn chợ đợi cơ quan chức năng tìm ra hung thủ.
Nhận biết sự đặc biệt này, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà cách hiện trường vụ án vài chục mét với hy vọng tìm ra chút manh mối. Biết chúng tôi là nhà báo, bà chủ nhà có tên Nguyễn Thị V. (50 tuổi) không ngần ngại cho biết: Trước thời điểm xảy ra án mạng vài ngày, có nhiều người đàn ông lạ đến hỏi nhà ông Khôi. Bà không rõ là có bao nhiêu người tất cả, nhưng nhớ nhất là có 4 người đàn ông lạ chia làm hai tốp đến hỏi. Tốp thứ nhất lấy cớ đi mua trâu, tốp thứ hai khi được hỏi để làm gì thì lẳng lặng bỏ đi không trả lời. Bởi cũng vì đã lâu nên bà không rõ chi tiết không nhớ mặt, nhưng lục lại trong trí nhớ, bây giờ bà mới thấy khả nghi vì hình dáng của họ không giống người đi buôn còn hành vi, thái độ thì lấm lét.
Bà Bùi Thị Sáu.
Bà Nguyễn Thị Túc, vợ ông Khôi cho rằng, chắc chắn hung thủ phải là người biết tận tường gia cảnh của nhà bà, và biết đích xác thời điểm nào ông Khôi ở nhà một mình thì mới ra tay gọn gàng đến như vậy. Bởi cổng luôn được gia đình khóa cẩn thận, nhất là từ khi ông Khôi đi đấu tranh chống tiêu cực và nhận được những lời đe dọa. Điều bà Túc thắc mắc nhất chính là việc, tại sao khi hung thủ đi vào ngõ chung của khu mà hàng xóm lại không hề nghe tiếng chó sủa, lúc đi ra thì mới nghe thấy, trong khi khu nhà bà có ít nhất 3 hộ liền kề. "Liệu có hay không việc hung thủ đã mai phục từ trước đó rất lâu, trong một nơi kín đáo cạnh nhà tôi", bà Túc đặt giả thuyết.
Ông Phạm Hữu Bẩy
Theo một cán bộ hình sự có thâm niên trong nghề cho biết: Một chi tiết rất cần cơ quan điều tra chú ý làm rõ trong vụ án này là việc có hay không sự theo dõi, sắp đặt từ trước của hung thủ. Không loại trừ khả năng hung thủ đã phục kích từ một vị trí có tầm quan sát thuận lợi trước lúc ra tay, cũng không loại trừ khả năng, hung thủ là người khá am tường địa bàn.
Tuy nhiên, theo người nhà nạn nhân, vấn đề mấu chốt ở vụ án này là tại sao ông Khôi lại bị giết hại dã man đến như vậy, trong khi ông không hề có mâu thuẫn với bất cứ ai. Mọi nghi vấn bắt đầu đổ dồn về việc ông Khôi là người đi đầu và tích cực nhất trong việc vạch mặt, chỉ tên những sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương, mặc dù đã được một số người nhắc nhỏ từ bỏ nhưng ông không nghe nên mới xẩy ra cơ sự (?). Nhiều người cũng chính thức khẳng định, trước đó, ông Khôi đã nhận được lời đe dọa của một người có trách nhiệm liên quan đến những nội dung ông đang tố cáo.
Lộ diện nguyên nhân?
Đại tá Cao Ngọc Lan, PGĐ Công an tỉnh Hải Dương:
Nguyên nhân án mạng là do mâu thuẫn
"Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, chúng tôi xác định được tính chất vụ án để xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Khôi là do mâu thuẫn chứ không phải giết người cướp của, vì tài sản vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, mâu thuẫn ra sao thì đang tiếp tục điều tra làm rõ. Quan điểm của lãnh đạo CA tỉnh, huyện là rất quyết tâm làm rõ vụ án, vạch mặt hung thủ".
Là người hiểu rõ nhất về những việc làm của ông Khôi giúp nhân dân trong hai năm qua, bà Bùi Thị Sáu (SN 1965, tại thôn Trại Gạo, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh, Hải Dương), nguyên Trưởng thôn Trại Gạo cho PV báo Nguoiduatin.vn biết: "Sau cái chết của ông Khôi, tôi vẫn đinh ninh cơ quan CA sẽ đến tìm tôi tìm hiểu sự việc, vì thời điểm người dân phát hiện ra các vi phạm quy định về bảo vệ công trình thủy lợi tại thượng lưu hồ Trại Gạo. Tôi đã rất sẵn sàng để đứng ra nói lên sự thật, nhưng tiếc thay chẳng có ai đến hỏi, khiến tôi rất day dứt vì không giúp gì được cho ông Khôi, người mà đa số nhân dân trong thôn hết mực kính trọng, nể phục".
Bà Sáu khẳng định, trước đó bà có nghe ông Khôi tâm sự về việc anh L. hàng xóm nhà ông và cũng hiện đang làm cán bộ trong xã đã có những lời lẽ hăm dọa như: "Có kiện củ khoai, cẩn thận không phải đầu thì phải tai vì dự án ông đang đi chiến đấu toàn của các quan chức đấy". Bà Sáu còn cho biết, chính mình còn bị đánh tiếng đe dọa như ông Khôi.
Nói rõ hơn về việc đấu đấu tranh chống tiêu cực của mình và ông Khôi, ông Bẩy (người cùng tổ chống tham nhũng với ông Khôi) cho biết: Vì là người có trình độ, lại am hiểu pháp luật, nên người dân mới bầu ông Khôi làm tổ trưởng một tổ gồm 7 người đứng ra đại diện cho nhân dân tố cáo những sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương. Thế nhưng lúc công việc đã có tiến triển khi UBND huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh) đã có văn bản đề nghị xử lý những vi phạm theo tố cáo của nhân dân thì ông Khôi lại đột ngột ra đi. Đây là một cái chết chứa đầy bí hiểm và uẩn khúc, nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng làm rõ, không biết đến bao giờ tâm lý người dân thôn Trại Gạo mới được bình yên. "Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chừng nào còn có thể", ông Bẩy khẳng định.
Trần Quyết