Tiết lộ của VĐV siêu maratong về hành trình chạy quanh trái đất

Tiết lộ của VĐV siêu maratong về hành trình chạy quanh trái đất

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Ông đã tới Cực Nam sau một cuộc chạy dài và nguy hiểm nhất từng được thực hiện, một chiến thắng về thể chất và tinh thần, đặt ông đứng cạnh những nhà thám hiểm vĩ đại nhất của thế giới (trích "Từ Cực Bắc tới Cực Nam, một người, 20 triệu bước chân").

Những tình huống có "một không hai"

Chạy 21.000 cây số từ Cực Bắc tới Cực Nam của Trái đất ròng rã trong vòng 10 tháng 13 ngày khiến cho cơ thể của Pat liên tục "biểu tình". Bàn chân ông phồng rộp và liên tục chảy mủ, các ngón chân bị bầm tím và chảy máu. Pat kể: "Cuối mỗi ngày chạy, tôi tháo giày, cởi cái tất đầy máu ra và vệ sinh vết thương. Sáng hôm sau, tôi mang một đôi tất sạch và từ từ xỏ chân vào giày. Mỗi khi chạy là nó đau lại; nhưng cơn đau giờ đã trở thành bạn đường". Đã có lúc, Pat phải dùng kìm để rút móng chân ra vì nó bị tróc trong lúc chạy và khiến Pat đau thấu xương mỗi khi đặt bước chân xuống đất.

Những ngày ở Bắc Cực, thời tiết và những "sống băng" áp lực (các dải băng hình thành do sức ép của gió và các dòng chảy) khiến cho cơ thể Pat tái xanh, mũi ông lở loét, còn đôi môi thì nứt nẻ và không chịu cử động khi ông cố nói vì chúng đã bị tê cứng. Nhưng có một điều thú vị là việc đi vệ sinh của ông được mọi người khá quan tâm.

Pat chia sẻ: "Nhiều đứa trẻ đã gửi email cho tôi hỏi rằng tôi đi vệ sinh như thế nào và tôi trả lời: "Càng nhanh càng tốt!". Nhiều điều khủng khiếp có thể xảy ra với những phần xa nhất của cơ thể bạn ở Bắc Cực. Thực tế, tôi làm mọi việc một cách nhanh chóng ở đây: Các bữa ăn trong ngày càng nhanh càng tốt. Nếu bạn ngồi lâu quá, bạn có nguy cơ biến thành một người tuyết đóng băng. Điều duy nhất tôi không làm nhanh được là chui ra khỏi cái túi ngủ vào mỗi buổi sáng".

Nói về ấn tượng giữa những đất nước ông đã đi qua, Pat chia sẻ: "Tôi ngạc nhiên với sự chào đón nồng nhiệt của người Mỹ, cũng giống như người Canada. Những tài xế rất tử tế với tôi. Kinh nghiệm của tôi khi chạy trên những con đường ở Australia là những tay tài xế bực bội vì tôi chạy lấn trên đường và quắc mắt, chửi bới hay quẳng những vật nặng. Ở đây, những người lái xe hơi vẫy tay và nhấn còi, dừng xe cảm ơn tôi vì đã chạy qua thị trấn của họ và cố quyên tiền cho Chữ thập Đỏ. Một hôm khác, một tài xế hoài nghi nhìn thấy những đề can trên xe tải của chúng tôi và tấm bảng hiệu lớn "Pat Farmer... Từ Cực Bắc tới Cực Nam" và anh ta hét lớn vào chúng tôi "Từ Cực Bắc tới Cực Nam... Láo!".

Không ít lần Pat và đoàn hậu cần bị lạc, ở Honduras, một cảnh sát đã thông tin sai về địa hình khiến cho Pat chạy thẳng lên núi. Khi lên trên đỉnh núi Pat mới nhận ra mình bị sai lộ trình và phải chạy ngược xuống chân núi. Việc này tốn của Pat bảy tiếng đồng hồ cho 70 cây số.

Ngoài sự bất tiện đó ra thì khu này cũng khá nguy hiểm vì địa hình ướt, trơn trợt và là nơi đạo tặc luôn rình chờ. Pat đã trượt chân trên nền đất cứng và bị chấn thương bả vai. "Đó là một trong những ngày khắc nghiệt nhất. Tôi bị ướt sũng, kiệt sức, cáu gắt. Bả vai, chân và lưng đau rã rời. Những xui rủi của hôm nay khiến tôi nghĩ rằng cuộc chạy này được tiến hành năm ăn, năm thua: Tôi chỉ bị nghẹt mũi, khó thở một lần, mất thời gian hoặc tự làm mình đau và toàn bộ dự án này có thể bị đặt trong tình trạng nguy hiểm", Pat hồi tưởng lại.

Pháp luật - Tiết lộ của VĐV siêu maratong về hành trình chạy quanh trái đất

Hành trình "khó tin nhưng có thật" từ Cực Bắc tới Cực Nam của Pat Farmer

Những ký ức kinh hoàng

Trong hành trình chạy xuyên đất nước Mexico, Pat đã gặp một tai nạn suýt chết. Đó là khi một chiếc xe đầu kéo đâm vào chiếc xe trong đoàn hộ tống Pat, chiếc xe này đi ngay sát sau Pat. Trong khoảnh khắc nghe thấy tiếng nổ và nhìn thấy chiếc xe khổng lồ đang lao về phía mình, Pat nhanh chóng nhảy xuống mương nước bên đường. Chiếc xe kéo lướt qua cách bên ông đúng một mét rồi tiếp tục lết thêm 60 mét nữa trên đường rồi mới dừng lại.

Vụ tai nạn khiến chiếc xe trong đoàn bị hư hại sơ sơ, Pat và những đồng sự cũng chỉ bị thương nhẹ nhưng cú "xóc thót tim" này khiến cả đoàn sực tỉnh khi nhận thấy sự mong manh giữa sống và chết. Pat vẫn tiếp tục hành trình của mình bất chấp sự thật là ông có thể mất mạng vì sự liều lĩnh đó.

Tuy nhiên, đó chưa phải là điều tệ nhất. Điều tệ nhất xảy ra trong sa mạc tại Chilê, đó là khi Pat quyết định đi xuyên qua sa mạc để tiết kiệm thời gian. Địa hình đặc thù với cát mềm nên chiếc xe hậu cần không thể chạy kèm Pat. Kế hoạch của Pat là sẽ chạy cùng với chiếc mô tô mang theo nước, thức ăn và nhiên liệu của Juan (một thành viên trong êkip hỗ trợ). Họ hẹn với cả đoàn sẽ gặp nhau tại những ngã tư phụ nơi xa lộ cắt ngang sa mạc. Ở đó, Pat sẽ được "tiếp tế" nước lạnh và thức ăn được trang bị trên ô tô.

Trục trặc đầu tiên của Pat là cả ông và Juan cùng tiến vào sa mạc mà quên mang theo điện thoại di động. Ngay sau khi họ chia tay đoàn, chiếc ô tô hậu cần bị hỏng, điều đó đồng nghĩa với việc Pat không gặp được đoàn của mình ở ngã tư phụ đầu tiên. Đến những ngã tư sau, ông cũng không thấy đoàn của mình xuất hiện, cảm giác bị bỏ rơi xâm chiếm lấy Pat. Nhiệt độ là 42oC và Pat dần cạn nước và thức ăn. Thiết bị định vị GPS cũng bị hết pin và Pat không có điện thoại, xăng của chiếc mô tô mà Juan đang chạy cũng đang tiến dần đến vạch đỏ nhiên liệu.

Giải pháp lúc đó là Pat giữ balô của Juan để anh quay lại xa lộ bơm xăng và trở lại với thức ăn nước uống. Trong khi đó, Pat luôn nghĩ đến việc tiết kiệm thời gian và quãng đường. Ông tiếp tục chạy.

"Lúc đêm xuống, Juan không quay lại. Tôi còn nửa lít nước và một thanh chocolate. Tôi đã tới được rặng núi. Tôi có thể chạy vòng quanh nó để đến xa lộ, đoạn đường 90km, hoặc tôi có thể trèo lên đỉnh và leo xuống sườn núi bên kia để ra xa lộ, một đoạn đường chỉ 75km. Cạn kiệt thức ăn, tôi nghĩ thời gian là yếu tố quan trọng, vì vậy tôi bắt đầu leo lên ngọn núi theo cách của tôi. Khi lên đến đỉnh, hai bàn tay tôi đầy vết cắt và bị bỏng rát. Tôi kiệt sức, rất khát và đói. Điều này, tôi biết rất rõ, đã trở thành một vấn đề sống chết. Không có nước, tôi sẽ không sống sót đêm nay. Vì vậy, tôi tiểu vào phần nước còn lại và nhấp thứ nước đó suốt đêm. Mùi của nó thật kinh khủng, đắng và mặn, nhưng tôi không quan tâm. Đến nửa đêm, nhiệt độ hạ thấp và tôi run. Tôi cuộn người lại bên dưới chiếc balô, dù nó chỉ phủ hai chân tôi, và run suốt đêm. Tôi không ngủ", Pat nhớ lại.

Sau một đêm hoang mang trằn trọc, sáng hôm sau, Pat cố lết thêm 50 cây số và ra được đến đường cái. Ông chờ bên đường dưới cái nắng như nung, sau một giờ chờ đợi, ông gặp một chiếc xe tải của người bản địa và được họ cho một ít nước và thức ăn. Khi đang hỏi đường những người trên xe thì Pat được nhìn thấy cảnh tượng tuyệt vời nhất: Chiếc ô tô của đoàn hậu cần xuất hiện. Quá đỗi vui mừng, Pat chạy lại ôm chầm lấy họ, có cả Juan trên chiếc xe này, Juan kể anh cũng suýt chết trước khi bò ra được đến đường và được một chiếc xe đưa về đồn cảnh sát lúc 2h sáng.

Pat nói: "Việc bạn là Nữ hoàng nước Anh hay là Pat Farmer không quan trọng. Khi bạn chết, trên mộ bia của bạn sẽ khắc ngày bạn chào đời và ngày bạn chết, và phân cách giữa những ngày tháng năm đó sẽ là một gạch ngang. Những ngày tháng không quan trọng lắm. Điều quan trọng là cái gạch ngang giữa những ngày tháng đó biểu hiện điều gì, cuộc đời mà chúng ta đã sống giữa lúc ra đời và chết đi. Cái gạch ngang đó đại diện cho toàn thể cuộc đời của chúng ta".

Vào vùng nguy hiểm

Khi đến Mexico, Pat có đoàn hộ tống gồm tám người thổ dân châu Mỹ, trong đó có bốn người được trang bị súng máy. Bốn người đi trước và bốn người tháp tùng phía sau. Họ luôn cảnh giác để đảm bảo bọn thảo khấu và băng nhóm ma túy không có cơ hội bắt cóc ông đòi tiền chuộc. Pat cho biết: "Chính phủ và quân đội cai quản đất nước Mexico vào ban ngày; nhưng ban đêm thì các trùm ma túy nắm quyền kiểm soát, và vì vậy mà nhiều người bảo tôi nên chạy sau khi mặt trời lên và kết thúc trước khi mặt trời lặn. Ngoài khả năng tôi có thể bị bắt cóc bất cứ lúc nào, chính quyền địa phương còn lo ngại rằng nếu tôi chạy vào ban đêm hoặc đi vào khu vực không an toàn, do đó có thể quấy rầy một cuộc giao dịch ma túy, tôi có thể bị bắn hạ không thương tiếc".

Thanh Xuân

Kỳ 3: Triết lý lạ lùng của nghị sĩ bỏ chính trường làm từ thiện


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.