Theo kết quả giám định của viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) toàn bộ khoảng 40m3 gỗ quý hiếm, với tổng trọng lượng ước tính 80 tấn, trị giá nhiều tỷ đồng là gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ. Theo giới đại gia gỗ tại Hải Phòng, 80 tấn gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ chỉ là con số nhập lậu gỗ... nhỏ thôi.
Những chiêu luồn lách nhập gỗ đàn hương đỏ
Khi có thông tin Hải quan Hải Phòng bắt giữ 40m3 gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ, chúng tôi đã lần mò hỏi một số đại gia gỗ ở Hải Phòng. Đa số mọi người đều biết việc 8 container gỗ quý bị bắt. Tuy nhiên, con số 40m3 gỗ quý đàn hương đỏ Ân Độ (giáng hương Santa) với tổng trọng lượng ước tính 80 tấn được coi là rất nhỏ trong giới xuất nhập khẩu gỗ? Một đại gia gỗ đất Cảng úp mở: "Công ty nhập khẩu lô gỗ kia chắc là công ty chưa có kinh nghiệm vì số lượng hàng còn ít.
Hơn nữa, chẳng công ty nào lại ngớ ngẩn đến mức để mặt hàng gỗ với những mặt hàng linh tinh làm thủ tục xuất nhập khẩu. Nếu mặt hàng gỗ ngụy trang cùng mặt hàng gỗ, chắc chắn công hàng sẽ trót lọt. Gỗ đi kèm với những mặt hàng ít giá trị thì ai cũng hiểu mặt hàng ít giá trị sẽ là thứ ngụy trang. Bản thân lô hàng sẽ có vấn đề ngay lập tức.
Cũng theo đại gia gỗ trên, mỗi lần nhập hàng về, các công ty lớn thông thường nhập từ 40- 50 công gỗ. Gỗ đóng và vận chuyển trong các công hàng từ nước ngoài về Việt Nam mất khoảng 3- 4 tháng nên hầu hết các công hàng gỗ thường có mùi hôi thối. Chính vì thế, trong 40- 50 công hàng gỗ về Việt Nam sẽ rất khó xác định có bao nhiêu công có gỗ lậu.
Các loại gỗ quý như đàn hương đỏ Ấn Độ được nhập lậu qua Việt Nam rồi tuồn sang Trung Quốc là vì thủ tục Hải quan của Việt Nam quá đơn giản? Anh N.H.D., một người am hiểu về gỗ nhập khẩu, từng làm trong một công ty gỗ lớn nhất miền Bắc chia sẻ: “Thực ra bản thân bọn mình làm gỗ nhiều khi cũng còn không phân biệt được bởi gỗ nước ngoài nó không có tính chất như gỗ Việt Nam. Gỗ Việt Nam thì mình xem nhiều rồi, phân biệt rất dễ. Ví dụ lim ở Việt Nam mình khác với lim nước ngoài nên rất khó nói chính xác. Chỉ là tính chất loại gỗ đó ở nước ngoài nó na ná giống gỗ lim của Việt Nam thì người ta đặt là lim thôi.
Ví dụ, gỗ lim nhập bên Nam Phi nó nhẹ hơn bên mình nhiều, độ co giãn của nó cũng lớn hơn, chất lượng không bằng lim Việt Nam nhưng nó vẫn có 50% tính chất giống lim Việt Nam. Chính vì thế, khi dân làm gỗ muốn nhập lậu các loại gỗ quý bị cấm đều làm giả tờ khai ngay từ bên kia. Vì là gỗ nước ngoài nên đa số các công ty thường nhập nhằng giữa các loại gỗ, rất khó kiểm định”.
Mánh của các công ty nhập khẩu gỗ là khai các loại gỗ vào nhóm II hoặc nhóm III, được phép nhập khẩu và chịu thuế cao hơn. Thông thường, trong tờ khai hải quan các công ty ghi một loại gỗ nào đó. Khi cán bộ hải quan mở công hàng ra thấy gỗ thì biết là gỗ. Thủ tục kiểm tra gỗ của hải quan chỉ là kiểm tra về thực vật, về vi khuẩn, các bệnh dịch lây lan.
Các chủ công hàng biết “điểm yếu” hải quan không có cán bộ chuyên môn sâu làm nhiệm vụ cắt miếng gỗ đi kiểm tra thành phần, tính chất của gỗ nên họ lợi dụng việc này. Trừ khi lô hàng có trục trặc thì người ta (cán bộ hải quan - PV) mới mang đi kiểm định chứ bình thường chỉ mở công ra thì biết là gỗ thôi. Thủ tục để xác định chủng loại gỗ của hải quan Việt Nam cũng mất thời gian, đủ để doanh nghiệp tìm phương án tháo chạy an toàn nên gỗ quý hay được nhập khẩu về Việt Nam rồi sang Trung Quốc là thế, anh D. cho biết.
2 triệu đồng/kg gỗ vì có giá trị tâm linh, chữa bệnh?
Gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ có số năm hình thành từ 200- 500 năm, nguồn gốc chủ yếu ở phía Nam Ấn Độ. Đây là loại gỗ nằm trong Phụ lục II của Danh mục các loại động thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước CITES ban hành kèm theo Thông tư 40/2013/TT-BNN&PTNT của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo quy định của Nghị định 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động XNK, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, mặt hàng trên phải có giấy phép của CITES. (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp). Chính phủ Ấn Độ đã có luật cấm chặt và xuất khẩu gỗ đàn hương đỏ. Tuy nhiên, số lượng lớn loại gỗ này được tiêu thụ ở Trung Quốc. Theo thống kê, năm 2007, 1000 tấn gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ đã được tiêu thụ ở Trung Quốc.
Theo giới buôn bán gỗ ở Hải Phòng, giá trị gỗ đàn hương đỏ Ân Độ rất mập mờ. Bản thân họ cũng không biết giá trị thật của loại gỗ này và tại sao nó lại có giá 2 triệu đồng /kg. Một số cán bộ Cục hải quan Hải Phòng cũng lắc đầu không hiểu tại sao loại gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ lại có giá tới 2 triệu đồng/kg gỗ. Giá trị của nó như thế nào còn phải chờ sự xác minh của các cơ quan, ban ngành liên quan, Chánh văn phòng, cục Hải quan Hải Phòng cho biết.
"Thông tin về gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ hầu như chỉ những người làm nhập khẩu gỗ lâu năm mới biết. Nếu nói về giá trị của loại gỗ này thì tôi thấy mọi người chủ yếu kể về giá trị tâm linh của nó. Một số loại gỗ như gỗ trắc cũng mang giá trị tâm linh nhưng giá cũng chỉ 1 triệu đồng /kg. Loại gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ này được dùng làm các vật thờ cúng cao cấp.
Ở Việt Nam, gỗ đàn hương đỏ ít được quan tâm. Loại gỗ này vào Việt Nam thông thường sẽ được chuyển sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc, một số gia đình bắt buộc phải có một đồ thờ cúng nào đó từ gỗ đàn hương đỏ nên người ta tôn thờ loại gỗ đó. Ngoài giá trị tâm linh, gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ còn có giá trị điều hòa khí và lưu thông máu. Về giá trị chữa bệnh mình cũng không chắc chắn lắm vì chỉ là lời đồn thổi. Có lẽ vì thế nên người Trung Quốc mới tôn sùng loại gỗ này thế chăng?", anh N.H.D. cho biết.
Chưa có hướng xử lý 80 tấn gỗ đàn hương đỏ 8 container nghi vấn được tạm giữ tại kho tang vật của cục Hải quan Hải Phòng. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc xử lý số gỗ trên như thế nào. Tuy nhiên, Chánh văn phòng cục Hải quan Hải Phòng cho biết: "Việc này liên quan đến hàng cấm nên phải kết hợp nhiều ngành mới xử lý được. Hiện nay, một loạt các hàng cấm cũng chưa có hướng xử lý nên số gỗ này cũng phải chờ xem xét xử lý. Nhiều doanh nghiệp đứng tên nhận hàng trên vận đơn đã từ chối nhận hàng. |
Minh Tuấn