Tiết lộ khối tiền khổng lồ của những tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đầu năm 2025

Thứ 7, 08/02/2025 03:51

Thị trường chứng khoán Việt Nam đầu năm chứng kiến khá nhiều biến động, vậy ai là người đang nằm trong Top 10 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt?

Dựa trên số liệu và thị giá cổ phiếu tính đến ngày 7/2/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam gọi tên 10 người giàu nhất, là các ông Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Đỗ Anh Tuấn, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Trương Gia Bình và các bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Vũ Thị Hiền, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thị Thanh Tâm.

Cụ thể, bảng xếp hạng và tài sản của các tỷ phú như sau:

#1 Ông Phạm Nhật Vượng: 84.584 tỷ đồng (cố phiếu nắm giữ: VIC)

Thành Viên HĐQT CTCP Vinhomes

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup - CTCP

Người sáng lập Công ty TNHH Sản Xuất và Kinh Doanh Vinfast

img

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhiều năm đứng đầu danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Kết phiên giao dịch ngày 7/2, VIC đứng giá 40.6500 đồng/CP, khiến tổng giá trị cổ phiếu mà ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ tương đương 84.584 tỷ đồng (khoảng 3,34 tỷ USD).

Mặc dù tài sản của ông Vượng giảm mạnh (giảm khoảng 200 triệu USD so với đầu năm 2024), do cổ phiếu VIC mất đi khoảng 9% thị giá nhưng ông vẫn vững vàng ở vị trí số 1, cách rất xa với người đang ở vị trí thứ hai là ông Trần Đình Long.

Ông Phạm Nhật Vượng 16 năm liên tiếp đứng đầu danh sách Tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trở thành tỷ phú đôla nhờ bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraine và sau đó là đầu tư bất động sản ở Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đang thực hiện dự án sản xuất ô tô tại Việt Nam và nuôi tham vọng vươn tới những cơ hội mới trên thị trường quốc tế.

#2 Ông Trần Đình Long: 43.972 tỷ đồng (cổ phiếu nắm giữ: HPG)

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoà Phát

img

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đứng thứ hai danh sách. Ảnh: Anh Tú/VnExpress

Nhờ thị giá HPG chốt phiên 7/2 tại 26.650 đồng/CP, tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát được định giá 43.972 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,74 tỷ USD), là người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông Trần Đình Long được coi là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép Việt Nam.

Mới đây, trong bảng công bố kết quả kinh doanh, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết doanh thu 2024 đạt 140.560 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu năm này tăng 17% so với năm 2023, đạt kế hoạch cả năm 2024. Mức này tiệm cận giai đoạn 2021-2022, khoảng thời gian giá thép tăng cao kỷ lục.

Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 12.020 tỷ đồng, tăng 77% và vượt 20% kế hoạch đề ra. Đây là khoản lãi lớn nhất kể từ năm 2022. Hòa Phát nộp ngân sách hơn 13.400 tỷ đồng, hơn hẳn mức 9.000 tỷ đồng của năm trước đó.

#3 Ông Đỗ Anh Tuấn: 23.968 tỷ đồng (cổ phiếu nắm giữ: KSF, SCG, SSH)

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes

img

Ông Đỗ Anh Tuấn đứng thứ ba danh sách tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Ông Đỗ Anh Tuấn hiện đang nắm giữ số lượng lớn các cổ phiếu: KSF, SCG, SSH. Kết phiên 7/2, SSH giảm nhẹ 0,15% chốt giá 68.700 đồng/CP; KSF tham chiếu 40.800 đồng/CP; SCG tham chiếu 65.800 đồng/CP. Theo đó, tổng tài sản mà ông Tuấn hiện đang nắm giữ tăng lên mức 23.968 tỷ đồng (tương đương khoảng 0,95 tỷ USD), xếp hạng 3 trong danh sách.

Đại gia Thanh Hóa Đỗ Anh Tuấn ít khi xuất hiện trên báo chí. Ông Tuấn gây dựng Sunshine Group từ niềm đam mê công nghệ. Ông xuất thân là sinh viên công nghệ của Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, lĩnh vực thành công của ông là bất động sản, đưa ông trở thành một trong những người giàu có nhất Việt Nam.

#4 Bà Nguyễn Thị Phương Thảo 22.831 tỷ đồng (cổ phiếu nắm giữ: HDB, VJC) 

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng không VietJet

Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB)

img

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhiều năm trong danh sách tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Bà Phương Thảo đang nắm giữ cổ phiếu HDB và VJC. HDB và VJC chốt phiên 7/2 lần lượt tại 22.900 đồng/CP và 98.100 đồng/CP. Tổng giá trị cổ phiếu mà bà Thảo đang nắm giữ tương ứng 22.831 tỷ đồng (tương đương khoảng 0,90 tỷ USD).

Năm 2011, bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành Giám đốc điều hành của Vietjet Air. Dưới sự lãnh đạo tài tình của mình, hãng hàng không giá rẻ Việt Nam đã có những bước tăng trưởng thần tốc. 

Ngoài nắm quyền điều hành tại Vietjet, bà Thảo còn là Phó chủ tịch thường trực của ngân hàng HDBank, Chủ tịch HĐQT của SOVICO Holdings, Chủ tịch Công ty Địa ốc Phú Long... Với việc nắm nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều công ty lớn của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu một khối tài sản vô cùng đồ sộ.

#5 Ông Hồ Hùng Anh: 19.970 tỷ đồng (cổ phiếu nắm giữ: MSN, TCB)

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)

img

Chân dung tỷ phú Hồ Hùng Anh

Ông Hồ Hùng Anh nắm giữ cổ phiếu MSN và TCB. MSN phiên hôm nay chốt giá tại 67.700 đồng/CP, tăng 0,45%. TCB tăng 2,18% lên 25.750 đồng/CP. Giá trị tài sản mà ông Hùng Anh đang nắm giữ tương ứng 19.970 tỷ đồng, khiến ông đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng.

Ông Hồ Hùng Anh là doanh nhân, tỷ phú USD của Việt Nam. Ông Hồ Hùng Anh có 3 người con, trong đó 2 người con là Hồ Thủy Anh và Hồ Anh Minh lnằm trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Hiện Hồ Thủy Anh đứng vị trí 11, Hồ Anh Minh đứng thứ 12, đang áp sát Top 10.

#6 Ông Nguyễn Đăng Quang: 18.791 tỷ đồng (cổ phiếu nắm giữ: MCH, MSN, TCB) 

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan

Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)

img

Chủ tịch MASAN Nguyễn Đăng Quang

Ông Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ cổ phiếu MCH, MSN và TCB. Kết phiên 7/2, MCH giảm 0,32% tại 220.000 đồng/CP; MSN tăng 0,45% lên 67.700 đồng/CP, TCB tăng 2,18% lên 25.750 đồng/CP. Theo đó, tài sản của ông Quang tương ứng với 18.791 tỷ đồng, xếp hạng 6.

Ông Nguyễn Đăng Quang từng theo học kinh tế tại Nga, khởi nghiệp bằng việc sản xuất mì gói từ những năm 90. Sau đó, năm 2002, với việc ra mắt nước tương Chinsu, đánh dấu thương hiệu MASAN trên thị trường Việt. Tập đoàn ngày một lớn mạnh cùng hàng loạt các sản phẩm mới ra đời. Nhờ vậy, khối tài sản của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng trở nên "phình to".

Ông Quang là 1 trong 6 tỷ phú USD của Việt Nam, theo thống kê mới nhất của Forbes.

#7 Ông Trương Gia Bình: 14.962 tỷ đồng (cổ phiếu nắm giữ: FPT, TPB)

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT

img

Chủ tịch Trương Gia Bình đứng thứ 7 bảng xếp hạng

Ông Trương Gia Bình hiện nắm giữ 2 mã cổ phiếu là FPT và TPB. FPT và TPB lần lượt chốt phiên 7/2 tại 146.100 đồng/CP và 16.550 đồng/CP. Giá trị cổ phiếu mà ông Bình đang sở hữu là 14.962 tỷ đồng.

Cùng với nhiều cổ phiếu công nghệ khác, FPT cũng bị rớt giá mạnh ngay những phiên giao dịch đầu năm mới, sau tin tức liên quan đến DeepSeak. Tuy vậy, FPT vẫn được đánh giá là “của hiếm” trên sàn chứng khoán Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng ổn định ở mức cao trong suốt nhiều năm qua.

Năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu đạt 62.849 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 11.071 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,4% và 20,3% so với cùng kỳ 2023. Đây đều là những con số kỷ lục kể từ khi hoạt động. Với kết quả đạt được, FPT đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kết quả kinh doanh đề ra cho năm 2024.

#8 Bà Vũ Thị Hiền: 11.726 tỷ đồng (cổ phiếu nắm giữ: HPG) 

#9 Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy: 9.427 tỷ đồng (cổ phiếu nắm giữ: MSN, TCB)

#10 Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm: 8.967 tỷ đồng (cổ phiếu nắm giữ: TCB)

Các vị trí 8, 9, 10 trên bảng xếp hạng là người thân của các chủ tịch. Cụ thể, ở vị trí thứ 8 là Bà Vũ Thị Hiền - vợ của ông Trần Đình Long. Bà Hiền là cổ đông lớn của Tập đoàn Hòa Phát.

Theo sau là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ của ông Hồ Hùng Anh và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ của ông Hồ Hùng Anh.

Theo Trung Nguyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.