Bin Laden dùng vợ làm lá chắn
Robert O'Neill, cựu đặc nhiệm thuộc lực lượng Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) Hải quân Mỹ năm 2011 đã chắp bút viết cuốn sách “The Operator: Firing the Shots that Killed Bin Laden”, ghi lại cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới al-Qaeda. Và nhân tròn 6 năm ngày Bin Laden bị tiêu diệt, Robert O'Neill đã ra mắt cuốn sách. Cũng từ đây những chi tiết về giây phút cuối cùng của thủ lĩnh tổ chức khủng bố khét tiếng được hé lộ.
Theo Robert O'Neill, ông chính là người đã bắn viên đạn cuối cùng tiêu diệt Osama Bin Laden, kẻ lên kế hoạch vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001 tại Mỹ.
Trong cuốn sách của mình, O'Neill đã thuật lại quá trình dẫn tới giây phút ông bắn hai phát đạn vào đầu trùm khủng bố Bin Laden.
Theo lời kể của O’Neill, ông cùng các đồng đội tiến vào khu nhà 3 tầng nghi là nơi Bin Laden ẩn náu ở Pakistan. Vừa tiến đến cầu thang, đội đặc nhiệm SEAL đụng độ con trai trùm khủng bố, Khalid bin Laden, 23 tuổi đang cầm súng trường AK-47.
“Khalid, hãy đến đây”, một đặc nhiệm nói thầm. Ngay khi Khalid vừa ló đầu ra thì bị trúng đạn.
Một chuyên viên phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trước đó đã thông báo cho các binh sĩ: "Nếu tìm thấy Khalid thì Osama ở tầng kế tiếp".
O'Neill và người chỉ huy bước lên tầng 3 đối mặt với trùm khủng bố. Sau khi tiến vào phòng ngủ của Bin Laden, O'Neill và người chỉ huy bắt gặp hai người phụ nữ.
Người chỉ huy lập tức ghì chặt họ xuống sàn nhà với suy nghĩ nếu họ đeo đai bom tự sát, cơ thể anh sẽ cản được sức ép từ vụ nổ.
Khi tới một căn phòng khác, O'Neill chạm trán Bin Laden. Hắn ta dùng một phụ nữ làm lá chắn.
"Osama Bin Laden đứng cạnh lối vào, phía chân giường, trông gầy và cao hơn những gì tôi tưởng tượng, râu hắn ngắn hơn và tóc thì bạc hơn", O'Neill kể.
"Hắn nắm lấy một phụ nữ, tay hắn tóm vào vai cô ta. Chưa đến một giây, tôi ngắm vào phần phía trên bên phải người phụ nữ rồi bóp cò hai lần" O'Neill thuật lại.
Theo O’Neill, phát đạn ở cự ly gần đã khiến đầu Bin Laden bị biến dạng. Trong cuốn sách, O’Neill nói rằng, các đặc nhiệm đã phải xử lý để chụp ảnh nhận dạng.
Vì sao bức ảnh Bin Laden không được công bố?
Chuyến bay 90 phút sau đó đưa đội đặc nhiệm về căn cứ ở Afghanistan cùng thi thể Bin Laden. Kết thúc quá trình khám nghiệm tử thi, thi thể được đưa lên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) để thực hiện nghi lễ an táng ngoài biển.
“Bức ảnh chắc chắn sẽ tạo nên làn sóng phản đối dữ dội vì tính chất bạo lực của nó. Một cuộc điều tra sẽ diễn ra, khiến cho tính chất bí mật của chiến dịch bại lộ”, O’Neill lý giải vì sao ảnh chụp Bin Laden không bao giờ được công bố.
O'Neill, 41 tuổi, đã tham gia hơn 400 nhiệm vụ chiến đấu. Dù vậy, khi bước chân lên chiếc trực thăng đưa ông tới Pakistan ngày 2/5/2011, O'Neill vẫn nghĩ đây có thể là chuyến bay cuối cùng của mình.
Tuy nhiên, O'Neill chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ thoái lui. "Tôi thà tham gia sứ mệnh và hy sinh còn hơn ở nhà để rồi sống với nỗi hối tiếc", O'Neill cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Việc được chọn tham gia chiến dịch với O'Neill là "niềm tự hào". Dù vậy, tất cả các thành viên trong đội đều rất nghiêm túc bởi họ hiểu rõ tầm quan trọng của sứ mệnh cũng như những rủi ro họ phải đối mặt khi tham gia chiến dịch tiêu diệt tên trùm khủng bố khét tiếng này.
Tranh cãi vẫn nổ ra xoay quanh lời kể của O'Neill về cuộc đột kích và phần lớn ý kiến tập trung vào việc ông đã phá vỡ quy tắc im lặng trong các chiến dịch đặc biệt.
Xem thêm >> Triều Tiên che giấu bí mật khủng khiếp sau các vụ thử tên lửa?
Đào Vũ