Nước sạch Sông Đà kinh doanh ra sao?
Những ngày này, dư luận đang xôn xao trước việc dân cư các quận như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai phản ánh nước do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp có mùi khét như dầu.
Một số quận, huyện bị ảnh hưởng bao gồm: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của TP.Hà Nội từ vùng thượng lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình.
Được biết, Viwasupco là đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.
Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà được đổi tên từ ngày 1/2/2018 từ công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex.
Tính đến ngày 31/12/2018, các cổ đông lớn của công ty gồm có: Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần, còn lại là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh với 35,95% cổ phần.
Báo cáo tài chính giữa niên độ (đã được soát xét) năm 2019 của Viwasupco cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của doanh nghiệp tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 263,7 tỷ đồng.
Cùng với đó, lợi nhuận gộp của Viwasupco đạt 150,3 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận thuần đạt 133,4 tỷ đồng, tăng hơn 31% cùng kỳ.
Trong năm 2018, lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt 126 tỷ đồng, tăng tương ứng 31% so với nửa đầu năm 2018. Tỷ suất sinh lời của Viwasupco lên tới 48%, một con số mơ ước với bất cứ doanh nghiệp nào. Như vậy có thể hiểu, cứ có 2 đồng doanh thu thì doanh nghiệp lãi 1 đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, tại ngày 30/6/2019, Viwasupco có 1.477 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 125 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả ở mức 453,5 tỷ đồng, tăng hơn 88 tỷ đồng (chủ yếu là nợ dài hạn với 387,6 tỷ đồng).
Vốn chủ sở hữu Viwasupco cũng tăng từ 987 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.023,6 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Trong đó, tại ngày 30/6 ghi nhận, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty này là 271,4 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCW của Viwasupco hiện được giao dịch quanh mức 33.000 đồng/cp.
Lãnh đạo thu nhập tiền tỷ
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 hồi tháng 4/2019, tổng quỹ lương cho cán bộ nhân viên (không bao gồm chi phí bảo hiểm) năm 2018 là 27,981 tỷ đồng. Kế hoạch chi trả lương cho nhân viên năm 2019 là 29,66 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo này, tổng số tiền chi trả thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2018 tương ứng là 1,5 tỷ đồng và 168 triệu đồng.
Năm 2019, dự kiến tổng mức chi trả thù lao cho HĐQT là 2,58 tỷ đồng, trong đó thù lao của Chủ tịch HĐQT là 80 triệu đồng/tháng (tức 960 triệu/năm), của Thành viên HĐQT chuyên trách là 60 triệu đồng/người/tháng (720 triệu/năm), của Thành viên HĐQT là 30 triệu đồng/người/tháng (360 triệu/năm).
Năm 2019, tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả là 10% tiền mặt, hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Trên cơ sở kết quả kinh doanh thuận lợi, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2019 diễn ra hồi tháng 4, Viwasupco đã thông qua phương án trích sử dụng lợi nhuận để lại của năm 2018 để công bố chi cổ tức với số tiền 75 tỷ đồng và đã quyết định tạm ứng 2% cổ tức năm 2019 với số tiền 15 tỷ đồng.
Hồi tháng 9 vừa rồi, Viwasupco đã chi khoảng 60 tỷ đồng để tạm ứng nốt 8% cổ tức cho cổ đông. Tính chung, tổng cổ tức mà cổ đông Viwasupco nhận được năm 2019 là 10% bằng tiền mặt (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 1.000 đồng).
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Viwasupco khẳng định đây là do hàm lượng clo cao chứ không có độc tố.
Trong khi đó, sáng nay (15/10), ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch TP Hà Nội thông tin, do không kiểm soát tốt nên dầu phế thải mà người dân đổ xuống suối đầu nguồn đã chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy và tạo ra mùi bất thường nói trên.
Ông Chung cho biết, TP Hà Nội sẽ có công văn gửi tỉnh Hoà Bình đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Viwasupco.
"Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước”, ông Chung thông tin.