Cách vận hành của thế giới mại dâm đồng tính nam ở Nhật Bản được tiết lộ một cách chân thực qua bộ phim mang tên “Boys for sale” (Mua bán dâm nam) của một đạo diễn người Mỹ và nhóm làm phim của anh.
Ian Thomas Ash (42 tuổi) là một đạo diễn trẻ người Mỹ. Anh có kinh nghiệm 15 năm làm phim tài liệu về Nhật Bản nhưng vẫn bị sốc vì những phát hiện trong quá trình làm phim “Boys for sale”.
“Chúng tôi bắt đầu ý tưởng làm phim từ hơn 10 năm trước và toàn bộ quá trình sản xuất mất 4 năm”, Ash cho biết. Đạo diễn trẻ đồng thời cho hay, phải mất tới 1 năm ròng, đoàn làm phim 6 người mới lấy được lòng tin từ những người bán dâm đồng tính, các chủ quán bar, vũ trường và hội quán ở khu phố đèn đỏ ở Nicho, Tokyo, Nhật Bản.
Khi đã có lòng tin, dự án làm phim quyết định dành toàn bộ số tiền trong 1 năm dùng để mua rượu để làm công tác “bôi trơn”, móc nối quan hệ trong thế giới mại dâm đồng tính ngầm đầy phức tạp.
“Chúng tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về những con đường dẫn tới nghề này, dù phần lớn trong số đó thường là phụ nữ. Chúng tôi cũng thường nghĩ về mại dâm theo một tư tưởng hiện đại hơn, nơi người ta hiểu về những nguy cơ có thể mắc phải. Nhưng rõ ràng những thanh niên làm việc ở Nicho lại không hề ý thức được điều đó”, Ash cho biết.
Trung tâm mại dâm đồng tính quy tụ về đây với khoảng 800 cơ sở kinh doanh, phục vụ nhiều nhóm đối tượng khách hàng với những nhu cầu khác nhau trong xã hội Nhật Bản. Một trong số những người chủ hội quán đồng tính cho biết, ít nhất có hai chính trị gia là khách quen tại khu vực này. Ngoài quán bar, vũ trường và các cửa hàng bán đồ chơi tình dục, ở đây còn có các hội quán với những dịch vụ tương tự như các câu lạc bộ thông thường khác.
Theo Ash, không thể nói được chính xác số lượng nam thanh niên đang bán dâm tại Nicho, bởi có những người chuyên hoạt động trên mạng và tự tìm đến khách hàng. Nhưng theo ước tính của nhóm làm phim, có khoảng 1.000 nam giới đang hoạt động trong thế giới kinh doanh ngầm này.
Khách tới các hội quán thường được mời rượu và lựa chọn một trong số những chàng trai trẻ ở đây. Một số quán bar cho khách lựa chọn theo “menu” bằng hình ảnh. Khi khách hàng chọn xong, một nam nhân viên sẽ tới bàn và mang theo một món đồ uống.
Cứ mỗi 30 phút tìm hiểu và trò chuyện, khách hàng phải trả 500 Yen (khoảng 100.000 đồng). Nếu khách hàng mong muốn một mối quan hệ xa hơn, anh ta có thể đưa nhân viên vào phòng riêng hoặc tìm một “khách sạn tình yêu” gần đó để quan hệ.
Luật chống mại dâm của Nhật Bản chỉ định nghĩa hành vi mua bán dâm là khi nam nữ quan hệ qua đường âm đạo. Do đó, mại dâm đồng tính nam chưa được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Độ tuổi bán dâm cũng không được quy định chặt chẽ, dù nhiều người mới vừa hết tuổi thiếu niên, trong khi tuổi đủ năng lực hành vi là 20.
“Có hai điều đặc biệt khiến chúng tôi thực sự sốc. Thứ nhất là những người đàn ông này không có một chút hiểu biết nào về các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thậm chí một số người còn không có ý niệm về tên một số bệnh trong từ điển ngôn ngữ của họ, chứ đừng nói đến chuyện thảo luận về nó”, Ash nói.
Một điều khác được tiết lộ trong bộ phim này là nhiều thanh niên hành nghề thực chất không phải là người đồng tính. Họ vẫn có bạn gái và chỉ coi đó như một cách kiếm tiền.
“Đối với họ, đó chỉ là một nghề. Tôi rất ngạc nhiên khi họ nói chuyện một cách cởi mở với bạn gái về nghề kiếm sống của mình. Tôi không muốn nói về phụ nữ Nhật Bản nói chung, nhưng bạn gái của những nam thanh niên này cho hay họ không thấy có vấn đề gì với nghề nghiệp của người yêu mình”, Ash chia sẻ.
Bộ phim “Boys for sale” đã được chiếu tại Hong Kong hồi tháng 10/2017 và dự kiến sẽ tiếp tục được chiếu vào tháng này tại Turin (Italy) và tháng Hai ở bang Mississippi (Mỹ) và Sydney (Australia). Phim đoạt 4 giải thưởng điện ảnh trong năm nay tại Los Angeles, Nam Phi, Mexico và Ecuardor.
Xem thêm: Bí mật về những hoạt náo viên được mệnh danh là “Đội quân sắc đẹp” của Triều Tiên