Theo Defense-Aerospace, một sự cố kỹ thuật chưa rõ nguyên nhân đã khiến cho các tàu chiến Pháp không thể phóng đủ số tên lửa hành trình như kế hoạch đề ra ban đầu.
Sau khi thông tin về vấn đề kỹ thuật khiến cho hai trong số ba tàu khu trục Fremm của Hải quân Pháp triển khai ở Đông Địa Trung Hải “tịt ngòi”, ngày 18/4 Đại tá Lục quân Patrick Steiger, phát ngôn viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Pháp trả lời trên trang Defense News rằng "loạt tên lửa thứ nhất đã không khai hỏa".
Đây là lần đầu tiên Pháp sử dụng MdCN, tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến do hãng MBDA sản xuất.
Hải quân Pháp đã triển khai ba tàu khu trục FREMM, bao gồm FS Aquitaine, FS Auvergne và FS Langwed - ở Đông Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển của Israel.
Đây là những tàu chiến đầu tiên được trang bị MdCN và mỗi chiếc đều được trang bị một bệ phóng thẳng đứng Sylver A70 có khả năng phóng16 quả MdCN.
Theo tờ La Lettre "các sự cố chưa giải thích được" đã khiến con tàu tiên phong FS Aquitaine không thể phóng được quả MdCN nào.
Sau đó chiếc thứ hai, FS Auvergne cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chỉ có tàu dự phòng thứ ba FS Languedoc là phóng được 3 quả tên lửa và được cho là trúng cả mục tiêu.
Ngay sau đó, có thông tin cho rằng đây có thể là lỗi máy tính, hoặc chương trình hệ thống bị lỗi, nhưng không có lời giải thích cụ thể nào được đưa ra. Hãng chế tạo tên lửa MBDA, tập đoàn đóng tàu Naval Group và Hải quân Pháp không cung cấp lời giải thích nào thêm.
Ban đầu, kế hoạch của Pháp chỉ là triển khai hai tàu khu trục tham gia chiến dịch, mỗi chiếc phóng “hơn ba quả tên lửa”. Nhưng đến cuối cùng, chỉ có tàu FS Languedoc là thực hiện được yêu cầu trên.
Tờ L’Opinion cho biết, không thể xác nhận thông tin của La Lettre nói con tàu thứ hai của Pháp phóng tên lửa thất bại là đúng hay sai. Thông tin ban đầu cũng nói rằng, có 16 tên lửa dự kiến được phóng, tuy nhiên điều này cũng chưa được xác nhận.
Sự cố trên giải thích tại sao trước đó giới chức Pháp đã không công bố cụ thể con tàu nào đã phóng tên lửa và tại sao nước này triển khai ba chiếc FREMM, được tháp tùng bởi một tàu khu trục phòng không, một khu trục tác chiến ngầm và một tàu ngầm tấn công, nhưng chỉ có một chiếc phóng tên lửa.
Điều này tiếp tục trở thành một sự việc khó giải thích bên cạnh những nghi vấn liên quan tới một trong 10 quả tên lửa SCALP được các chiến đấu cơ Rafale của Không quân Pháp mang theo tham chiến ở Syria.
Theo đó, có 5 máy bay Rafale cất cánh từ căn cứ không quân Saint Dizier tham gia vụ tấn công ngày 13/4, mỗi chiếc mang theo 2 tên lửa SCALP.
Hôm 14/4, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, 9 quả SCALP đã bắn trúng các mục tiêu nhưng đoạn video công bố trên tài khoản Twitter của bà hôm đó lại cho thấy không chiếc Rafale nào mang tên lửa còn lại khi quay về căn cứ.
Hiện chưa rõ tên lửa SCALP thứ 10 bị rơi, phóng chệch mục tiêu, bị bắn hạ hay không hoạt động sau khi phóng. Cả người phát ngôn quân đội Pháp cũng như lực lượng không quân nước này đều từ chối bình luận về số phận quả tên lửa thứ 10.