Ngày 26/6, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6) sẽ diễn ra 4 sự kiện bên lề do bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chủ trì. Đây là những sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò vị thế của nước chủ nhà.
Đó là: Chương trình chung tay bảo vệ đại dương; Quản lý rác thải nhựa đại dương; Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch bền vững; Thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam - GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Theo ghi nhận của chúng tôi, Chương trình chung tay bảo vệ đại dương diễn ra trong sáng sớm 26/6 tại bãi biển Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng. Chương trình do bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước.
Tại đây, Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng các đại biểu tham dự Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6 sẽ cùng với các lực lượng vũ trang, thanh niên, nhân dân và sinh viên các trường đại học TP.Đà Nẵng chung tay thu gom và dọn dẹp rác thải trên bờ biển, trồng cây phi lao chắn sóng, tạo sức lan tỏa về hành động chung của cộng đồng quốc tế và trong nước...
Khoảng 16h30 ngày 26/6 này, hội nghị bên lề: Quản lý rác thải nhựa đại dương cũng sẽ diễn ra do lãnh đạo bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chủ trì cùng đại diện lãnh đạo quỹ Môi trường toàn cầu. Hội nghị mang đến một thông điệp: "Xây dựng quan hệ đối tác vì đại dương không rác thải nhựa (Partnership for PlasticFree Ocean)".
Hội nghị bên lề thứ 3 cũng do bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chủ trì là: Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch bền vững. Hội nghị là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về tăng cường năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên bền vững theo hướng tối đa hóa hiệu quả các nguồn lực hiện có; đồng thời thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn gắn với du lịch bền vững ở Việt Nam.
Thông qua Hội nghị, Việt Nam muốn giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học của mình cũng như khẳng định du lịch bền vững có thể góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng độc đáo của Việt Nam.
Cuối cùng, một hội nghị diễn ra vào 18h cùng ngày là Thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam - GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững. Ngoài sự chủ trì của lãnh đạo bộ Tài nguyên và Môi trường còn có đại diện lãnh đạo Ngân hàng thế giới (WB).
Bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GEF cho rằng, Việt Nam đang có chuyển biến tích cực cũng như đi đầu trong giải quyết vấn đề môi trường. Bà Naoko đáng giá cao Việt Nam khi bật mí rằng, đất nước đầu tiên bà nghĩ khi lựa chọn để đăng cai GEF chính là Việt Nam. "Việt Nam là quốc gia đang gặp phải những vấn đề về môi trường và cũng là quốc gia đi đầu trong giải quyết những vấn đề này. Vì vậy, tôi nghĩ tổ chức năng GEF6 tại Việt Nam sẽ là điều ý nghĩa với tất cả mọi người", bà Naoko nhấn mạnh.