Thuở thiếu thời lận đận
Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất mốp xốp Thành Thạch (mang tên hai anh em, cùng SN 1946, ngụ khu phố 3, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) vào một buổi sáng đẹp trời. Hôm đó, ông Thạch đi vắng, còn ông Thành đang chăm chú chơi cờ tướng một cách “sôi nổi” với các bạn già hàng xóm. Nếu không có ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hội nông dân phường “chỉ điểm”, chúng tôi không thể nào nhận ra vì vẻ bề ngoài của ông tỷ phú mộc mạc và giản dị, thậm chí quá... nông dân này. Khi biết mục đích đến thăm của chúng tôi, ông Thành vội vã cáo từ các bạn cờ, đi thay quần áo tươm tất để tiếp khách.
Ông Thành và ông Thạch sinh ra và lớn lên tại một vùng quê “nước mặn, đồng chua” thuộc huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh). Hồi ấy trong làng, cha mẹ hai ông thuộc diện bần nông, đông con. Với chất giọng hài hước đặc sệt Nam Bộ, ông Thành kể: “Trong gia đình, tôi thứ 7 và chú Thạch thứ 8. Tôi thuộc tốp giữa, vì trên tôi còn có các anh chị, dưới tôi có nhiều em”.
Ông Thành cho biết thêm rằng, ngày xưa quê ông vào mùa khô đất đai nứt nẻ, mùa lũ nước ngập mênh mông, nên một năm gia đình ông chỉ trồng một vụ lúa mùa dài ngày có năng suất thấp. Mặt khác, cha mẹ ông phải đi làm thuê thêm vẫn không nuôi đủ đám con đông đúc đang “tuổi ăn tuổi lớn”. Vì vậy, tuổi thơ của anh chị em ông là những ngày tháng cơ cực, đói khát. Miền quê ông ngày ấy còn tối tăm và lạc hậu, giữa sự sống và cái chết quá đỗi mong manh do bom đạn chiến tranh không ngày nào dứt. Vì những lẽ đó, cha mẹ ông rời bỏ làng quê, bồng bế con cái “tản cư” lên Sài Gòn tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Hai anh em song sinh Nguyễn Ngọc Thành và Nguyễn Ngọc Thạch.
Tưởng chừng cuộc sống giữa chốn đô thành hoa lệ sẽ giúp những con người trốn chạy khỏi vùng chiến sự bớt đi cơ cực. Nhưng càng tủi thân hơn khi họ “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”: Phải ăn nhờ ở đậu, việc làm không ổn định, dễ bị các tệ nạn xã hội cám dỗ... Nhưng may mắn thay, cha mẹ ông luôn nghiêm khắc dạy dỗ con cái phải “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Họ cố gắng làm việc cật lực để kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, anh em ông lần lượt nghỉ học, lao ra đời tìm công ăn việc làm nhằm giảm bớt gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” cho cha mẹ. Thật ra, ông Thành còn có niềm an ủi và tự hào về một người anh ruột tên Võ Văn Vân là kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp đại học Kỹ thuật Phú Thọ (đại học Bách khoa ngày nay). Sở dĩ ông Vân mang họ Võ, vì cha mẹ ông đã cho ông ấy làm con nuôi một người dì ruột ngay từ lúc còn nhỏ. Chính ông Vân là người đã giúp ông Thành và ông Thạch làm ăn và giàu có sau này.
Trở lại chuyện của ông Thành vào năm 1969, khi thấy việc làm thuê quá bấp bênh, ông quyết định dành dụm tiền bạc theo học nghề sửa xe gắn máy. Nghĩ về thời gian đó, ông chua chát nói: “Tuy tốn tiền học nghề rồi nhưng chủ thì không hết lòng chỉ dạy, cố tình giấu giếm để kéo dài thời gian làm công không lương. Cũng may tôi có óc tò mò, quan sát và đọc thêm tài liệu sửa chữa xe qua sách vở... nên sau hai năm cũng học xong nghề”. Mặc dù đã lành nghề sửa xe honda nhưng thiếu vốn và không có tiền thuê mặt bằng, ông Thành đành chấp nhận tiếp tục làm thuê.
Những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, nghề sửa xe gắn máy không còn đất dụng võ, bởi xe đạp không có mà đi, còn giá trị một chiếc xe honda 67 chỉ đổi được... 10 lít xăng – ông Thành nói. Trong suy nghĩ của ông lúc đó, nếu càng bám víu cái thành phố hỗn độn bề bộn này thì càng có nguy cơ đói rách, còn về quê cũ làm ruộng vẫn có lúa ăn. Thế là ông Thành quyết định hồi hương. Về Trà Vinh, ông Thành bắt tay ngay vào việc khai khẩn vùng đất hương hỏa bỏ hoang mọc đầy năng lác, trồng lúa một vụ một năm. Như bao trai làng thuở ấy ông Thành cưới vợ, sinh con đẻ cái, an phận sống đắp đổi qua ngày.
Trở thành tỷ phú
Đến năm 1990, đây là thời kỳ đất nước ta đã nhiều năm mở rộng cánh cửa đón nhận nguồn vốn đầu tư của nước ngoài, người dân ngày càng có cơ hội làm ăn hơn. Trong số ấy có ông Võ Văn Vân ở TP.HCM đang phất lên nhờ xưởng cơ khí và cơ sở sản xuất mốp xốp. Những yếu tố đó đã thôi thúc ông Thành nhiều đêm đắn đo nghĩ ngợi: Ở lại làng quê chấp nhận an phận với cuộc sống đạm bạc sau lũy tre làng hay đưa toàn bộ gia đình về lại TP.HCM tìm cơ hội làm ăn như cha mẹ ông ngày xưa. Cuối cùng, ông Thành bàn chuyện với ông Thạch (trước đây cũng hồi hương như ông) rồi đi đến quyết định: “Để vợ ở lại quê nhà chăm sóc ruộng vườn và lo cho con cái, còn hai ông lên thành phố phụ và học việc với ông Vân”.
Sau nhiều năm làm công dành dụm tiền, nắm vững kỹ thuật, lại được người anh ruột tốt bụng chỉ vẽ “bí quyết” làm ăn giúp đỡ thêm vốn ra thuê mặt bằng ở quận 10 để sản xuất và kinh doanh thùng mốp xốp, hai ông Thành – Thạch mới khấm khá lên. Đến năm 1997, khi thấy sự làm ăn của hai ông ngày càng phát đạt, chủ cho thuê mặt bằng nâng giá liên tục hết sức vô lý, hai ông quyết định “thắt lưng, buộc bụng” trích vốn ra mua 3000m2 ruộng ở xã Tân Tạo (thuộc huyện Bình Chánh lúc đó) để lập xưởng sản xuất lâu dài.
Với tầm nhìn xa, kiến thức về cơ khí tốt, tay nghề cao, có mặt bằng rộng rãi... hai ông tự mày mò thiết kế khuôn, chế tạo máy móc để khỏi bỏ tiền nhập khẩu, nghiên cứu mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, nhằm hạ giá thành mới đủ sức cạnh tranh. Cái hay của hai ông là luôn điều nghiên thị trường, và lắng nghe các góp ý của khách hàng để sản phẩm ngày càng bền đẹp và giá cả lại rẻ hơn hàng cùng loại. Vì thế, các sản phẩm mốp xốp như: Tấm trần nhà, bao xốp đựng linh kiện điện tử, nón bảo hiểm, thùng đựng nước đá... làm ra không đủ tiêu thụ. Đôi lúc, đối tác làm ăn ở TP.HCM và các tỉnh phải đặt trước cả tháng trời mới có hàng.
Thông thường khi tuổi đã cao và nắm trong tay nhiều tiền bạc, người ta thường có khuynh hướng nghỉ ngơi an nhàn và thụ hưởng sung sướng. Riêng hai ông Thành – Thạch với tấm lòng nhân ái sẵn có, hình như họ đang chạy đua với thời gian còn lại để làm điều tốt đẹp cho đời như: đóng góp tiền bạc vào quỹ học bổng dành cho trẻ em nghèo hiếu học, quỹ nhà tình thương, giúp vốn sản xuất cho nông dân nghèo, góp tiền xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương... Trong nhiều năm qua, hai ông còn là Mạnh Thường Quân hàng đầu trong phòng trào đàn ca tài tử của phường lẫn quận nhà. Ngoài ra, dù có bận rộn đến mấy nhưng thỉnh thoảng hai ông Thành – Thạch vẫn sắp xếp thời gian cho những chuyến đi từ thiện tại tỉnh Trà Vinh. Hai ông xem đó như một sự tri ân đối với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình.
Cặp song sinh nhận được nhiều bằng khen của địa phương Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hội nông dân phường Tân Tạo cho biết: “Hai anh Thành và Thạch là những người rất tốt, có nhiều cống hiến cho địa phương. Nhờ có họ mà nhiều người dân ở đây có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định. Họ còn làm từ thiện, tài trợ các chương trình văn nghệ như ca cải lương... ở khu vực, giúp đời sống bà con đỡ chật vật, cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Ban lãnh đạo phường và quận cũng nhiều lần trao tặng bằng khen cho hai anh em, vì những đóng góp của họ cho địa phương”. |
Văn Đỉnh