Gần đây, chúng tôi có nhận được bức thư của ông Đặng Xuân Xiêm, sinh năm 1946, nguyên Quản giáo tù binh phi công Mỹ. Ông Xiêm đã cung cấp cho chúng tôi nhiều chi tiết thú vị của một “người trong cuộc” về những tháng ngày ông đã tiếp xúc với các tù binh phi công Mỹ ở các trại giam cách đây hơn 40 năm. Tháng 10 năm 1970, sau ba năm học tiếng Anh, ông Xiêm về công tác Quản giáo tại trại giam phi công Mỹ ở Nhổn (vốn là một doanh trại của đơn vị thuộc bộ Tư lệnh Thủ đô) gần Trạm Trôi. Ông Xiêm cho biết, thời gian đó, chúng ta gọi những tù binh phi công Mỹ này là “tội phạm chiến tranh” (criminal of war). Sau đợt đặc nhiệm Mỹ tổ chức giải cứu tù binh phi công Mỹ bất thành ở Sơn Tây tháng 11 năm 1970, số phi công này được ta đưa về giam ở Hỏa Lò, một số được đưa về giam ở trại giam Thanh Liệt (gần Cầu Tó). Cuối năm 1972, một số lớn tù binh phi công Mỹ còn được chuyển đến trại giam ở bản Bó Dường, xã Vân Trình, huyện Thạch An, Cao Bằng. Số tù binh khác được đưa về trại giam Thanh Liệt (gần Cầu Bươu, Thanh Trì) và trại giam ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội.
Tù binh phi công Mỹ bị bắt giữ tại miền Bắc.
Trốn tù chui vào chùa nằm ngủ
Vì có một thời gian làm công tác Quản giáo ở một số trại giam phi công Mỹ, ông Xiêm nắm được nhiều thông tin và ông đã kể lại một số chuyện mà ông biết và trực tiếp “tai nghe mắt thấy” trong thời gian ấy. Hồi đó, tù binh phi công Mỹ được giam chủ yếu ở trại giam Sơn Tây. Tháng 10 năm 1970, số phi công ở đây được chuyển về trại giam ở Nhổn để phục vụ cho công tác đấu tranh chính trị. Nơi đây từng là doanh trại của một đơn vị bộ đội được cải tạo lại, nhưng vẫn giữ nguyên nhà tường gạch, mái ngói cấp 4, trần vôi rơm. Người ta chỉ xây thêm hàng rào bảo vệ cao độ 3 mét, trên có giăng dây thép gai. Có ba nhà giam, mỗi nhà đều có sân chơi rộng rãi, có phòng câu lạc bộ cho tù binh Phi công Mỹ xem tranh, đọc báo (thường là báo Vietnam Courier), đọc truyện (thường là chuyện cổ tích, chuyện lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh).
Sau vụ Không quân Mỹ tổ chức cướp tù binh Phi công ở Sơn Tây không thành cuối năm 1970, thấy trại giam này không đảm bảo an toàn, cấp trên quyết định chuyển đổi số tù hình sự của bộ Công an về đây, để chuyển toàn bộ số tù binh phi công Mỹ này về Hỏa Lò. Thời gian đó, cũng có một số phi công Mỹ được chuyển về trại giam ở Ngã Tư Sở: Đây nguyên là cơ sở của Xưởng phim Quân đội. Cũng nhà tường gạch, mái ngói cấp bốn, có trần vôi rơm, được cải tạo lại làm nơi giam giữ số tù binh phục vụ cho đấu tranh chính trị.
Tại trại giam tù binh phi công Mỹ Ngã Tư Sở này đã xảy ra sự kiện chấn động hồi đó: Một tù binh phi công Mỹ đã trốn trại! Nhưng anh ta mới chỉ lọt ra ngoài từ lúc nửa đêm tới đầu giờ sáng hôm sau đã bị bắt trở lại. Tù binh này khai: Anh ta phát hiện ra phòng giam có lỗ lên trần, khi cải tạo, người ta đã sơ ý không dùng bê tông vôi vữa trát lấp kín, mà dùng dây thép gai bịt lại. Ý định vượt ngục của người tù binh kia đã nảy sinh, khi lên câu lạc bộ của nhà giam, tình cờ được xem một tấm bản đồ Việt Nam treo trên tường. Anh ta nhìn thấy con sông Tô Lịch. Theo nguyên tắc chung, sông chảy ra biển. Anh ta suy đoán: Trốn được ra ngoài cứ đi xuôi theo dòng sông thì chắc sẽ gặp biển. Chỉ cần gặp thuyền của ngư dân rồi, thì sẽ xin đi nhờ, hoặc khống chế họ bắt chở ra biển. Khi gặp tàu nước ngoài thì sẽ làm tín hiệu SOS...
Để chuẩn bị cho chuyến trốn trại này, người tù binh phi công Mỹ đó đã lấy bánh mì phơi khô tích trữ dần làm lương thực... Nửa đêm hôm đó, chờ cho mọi người ngủ say, người tù binh này đã tháo dây thép gai chăng trên lỗ trần phòng giam và thoát ra ngoài. Nhưng mới lần mò men theo bờ sông đi được ít cây số, thì trời đã tảng sáng. Anh ta phải vào một ngôi chùa bên bờ sông Tô Lịch, vặt lá đa trải lên nền nhà chùa rồi chui vào nằm trốn trong đó. Sáng ra, có mấy người dân đi làm qua thấy cây đa lá rụng nhiều. Họ rủ nhau vào chùa xem sao, thì phát hiện thấy có người Tây ăn mặc như tù, đang nằm ngủ, liền báo cho công an và dân quân địa phương. Trước đó, sau khi phát hiện có tù binh Mỹ trốn trại, các lực lượng An ninh và Quân đội của ta trên địa bàn Thủ đô cũng đã được báo động. Cấp trên còn thông báo cho tất cả các địa phương xung quanh Hà Nội cùng phối hợp truy bắt. Và người tù binh Phi công Mỹ này ngay lập tức đã bị áp giải đưa trả về trại giam…
Bác sĩ khám bệnh thường kỳ cho tù binh phi công Mỹ tại trại giam.
Sơ tán tù binh để tránh B52
Khi máy bay B52 Mỹ tiến hành ném bom rải thảm xuống khu vực Hà Nội, phần lớn số tù binh phi công Mỹ đã được ta chủ động đưa sơ tán ở một số trại giam khác. Ông Xiêm còn cho biết, trại giam tù binh phi công ở bản Bó Dường, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã được ta xây cấp tốc để sơ tán phi công Mỹ, nằm trong kế hoạch chủ động chống lại cuộc tập kích 12 ngày đêm của Mỹ tháng 12 năm 1972. Trại giam này được xây vật liệu bằng đá, phòng hẹp và cửa nhỏ. Thời gian xây quá vội, xi măng thiếu, nên chất lượng kém. Có một nhà ở của lãnh đạo trại là nhà ngói, vách trát toóc xi, có ba nhà gạch, diện tích khoảng 20 mét vuông, là nơi làm việc của cán bộ quản giáo. Có ba nhà giam xây bằng đá. Nước sinh hoạt được dẫn xuống từ mạch nước ngầm gần đỉnh núi bằng ống nứa đục mắt, nối lại nhiều đoạn, dẫn vào tận phòng giam của tù binh. Sau một tháng giam giữ, thấy thị giác tù binh có thể sẽ bị giảm, Ban Quản giáo báo cáo lên trên, cấp trên ra lệnh làm giàn dây thép ở ngoài sân, lấy lá ngụy trang và thường xuyên cho tù binh ra tắm nắng. Sau này, còn có một số tù binh đặc biệt như đại tá quân đội chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thọ bị bắt trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào cuối năm 1971, cũng bị đưa về giam giữ tại đây.
Ông Xiêm cho biết thêm, gần đây, có một tờ báo đăng bài với tiêu đề “Một trại giam phi công Mỹ bị bỏ quên” ở Cao Bằng, chính là viết về trại Bó Dường này. Nếu ai quan tâm, có thể tìm về địa chỉ nêu trên gặp ông Chu Văn Xây, dân tộc Tày, nguyên là cán bộ Quản giáo trại giam tù binh Phi công Mỹ hồi đó, nhà ông ở ngay bản Bó Dường; hoặc gặp người đã từng làm Chủ tịch xã Vân Trình thời điểm cuối năm 1972. Ông chủ tịch xã này từng đích thân dẫn anh em quản giáo vào hang núi cách trại giam khoảng một cây số để chuẩn bị địa điểm dự phòng theo “phương án hai”, nếu thấy trại giam không an toàn, thì chuyển tù binh vào trong hang đá…
Cũng theo lời kể của ông Xiêm, một trại giam tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh thường được tổ chức với bộ máy gồm các bộ phận: Lãnh đạo trại gồm Trại trưởng, Trại phó (biết tiếng Anh) và Chính trị viên; Bộ phận Tham mưu (biết tiếng Anh) có nhiệm vụ tuyên truyền chính sách của Nhà nước ta qua hệ thống truyền thanh của trại và hỏi cung những tù binh mới bị bắt đưa về trại, duyệt lần cuối các thư của tù gửi về gia đình; Hai tổ Quản giáo (biết tiếng Anh) làm nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với tù binh hàng ngày, tổ chức cho họ thực hiện tốt nội quy của trại, giúp họ có nhận thức đúng đắn về chính sách nhân đạo của ta, hiểu rõ cuộc chiến tranh phi nghĩa của chính phủ Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam.
Trong trại giam, hàng ngày tù binh phi công thường được ra sân tập, tắm nắng, tắm nước hai lần sáng và chiều, mỗi lần một giờ đồng hồ. Các quản giáo thường hướng dẫn họ tham gia các hoạt động thể thao, đưa đi bệnh viện nếu bị ốm, nhận và trao quà gia đình của họ gửi đến; hướng dẫn họ viết thư, kiểm tra và đề xuất ý kiến xử lý đối với những thư có vấn đề. Ngoài ra, ở mỗi trại giam Tù binh còn có một đơn vị bảo vệ và bộ phận cấp dưỡng. Riêng với trại giam tù binh phi công Mỹ Hỏa Lò, có lực lượng công an gác cổng ngoài, quân đội gác cổng trong. Nhà bếp cho bộ đội ta được bố trí sát tường sau của một phòng giam. Cũng chính điều này đã làm thay đổi nhận thức của tù binh Mỹ. Bởi họ thường vịn tay lên cửa sổ nhìn ra và thấy bữa ăn đạm bạc của bộ đội ta, kém xa tiêu chuẩn ăn của tù binh Phi công Mỹ. Từ buổi ấy, họ không đả động gì đến Công ước Giơ- ne- vơ.
Trước đó, báo chí Mỹ và Phương Tây thường đòi ta phải thực hiện công ước Giơ-ne-vơ đối với tù binh chiến tranh. Trong trại giam, tù binh Mỹ cũng đấu tranh vấn đề này. Các quản giáo giải thích: “Các anh là tội phạm chiến tranh, vì đã mang bom ném xuống đất nước chúng tôi, gây bao tội ác với dân thường. Buộc chúng tôi phải chiến đầu bắn trả để tự vệ. Máy bay của các anh trúng đạn bị rơi, các anh bị bắt về đây. Các anh không có quyền đòi được hưởng theo công ước Giơ-ne-vơ. Tuy nhiên, thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước chúng tôi, các anh đã được đối xử tốt, được hưởng tiêu chuẩn sinh hoạt hàng ngày còn cao hơn cả chúng tôi”.
Đặng Vương Hưng- Nguyễn Văn