Siêu dự án du lịch tâm linh 6.000 tỷ đồng
Ông Dũng “lò vôi” sinh năm 1961 tại Bình Định. Ít ai biết, tên cúng cơm của ông Dũng là Huỳnh Phi Dũng. Sau này ông đổi tên thành Huỳnh Uy Dũng với mong muốn cuộc đời bớt sóng gió, gian nan.
Vì gia đình khó khăn nên khi chưa học hết lớp 12, ông đã phải bỏ nghiệp đèn sách để nhập ngũ và tham gia cuộc chiến biên giới Tây Nam. Thời gian trong quân ngũ, ông đã sớm bộc lộ khả năng kinh doanh khi khởi nghiệp với muối.
Sau quá trình xuất ngũ, ông Dũng mở lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Xí nghiệp lò vôi làm ăn rất phát đạt và biệt danh Dũng "lò vôi" được gắn với ông từ đó.
Sau đó, ông bán xí nghiệp lò vôi và chuyển sang làm sơn mài với chức giám đốc công ty sơn mài Thanh Lễ (tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương), sau đổi tên thành công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - Thalexim.
Đến năm 1996, ông Dũng nghỉ công việc Nhà nước, chuyển ra làm kinh doanh riêng. Ông lập CTCP Sóng Thần. Năm 1999, khi khởi công xây dựng khu du lịch, ông Dũng đổi tên công ty thành CTCP Đại Nam do ông làm Chủ tịch HĐQT.
Ông là người tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương cũng như Việt Nam. Đến nay, CTCP Du lịch Đại Nam đã nắm trong tay nhiều bất động sản và tài sản khủng như: Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần...
Nhưng khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) có diện tích tới 450ha mới là công trình đưa tên tuổi ông Dũng vượt xa khỏi đất Bình Dương. Đây có thể được coi là siêu dự án tâm linh kết hợp du lịch đầu tiên của Việt Nam.
Cũng chính dự án này mang về cho ông Dũng biệt danh “điên, khùng” vì quyết định “bỏ tiền tỷ, thu bạc cắc". Thời điểm đó, dù biết tài ông Dũng song không nhiều người dám tin vào khả năng thành công của dự án “điên, khùng” này bởi vào những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây vẫn chỉ là một vùng đất hoang sơ, có chỗ là rừng cao su bạt ngàn.
Mặc kệ những lời bàn ra tán vào, ông Dũng vẫn trung thành với mơ ước xây dựng một khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á. Khởi công xây dựng từ năm 1999 và mất ròng rã 9 năm để có thể mở cửa đón lượt khách đầu tiên, siêu dự án Đại Nam tiêu tốn của ông Dũng tới 6.000 tỷ đồng. Đến nay, ông Dũng đã chứng minh ông chẳng “điên”, chẳng “khùng” như người ta vẫn nói. Có chăng cái “điên”, cái “khùng” của ông là dám làm những điều người khác không dám làm.
Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến đã đón hàng triệu lượt khách cả trong nước lẫn quốc tế tới tham quan. Doanh thu ghi nhận lên đến hàng trăm tỷ đồng bán vé mỗi năm.
Đại gia ngông thích làm thơ
Nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn nữa là trong thời gian thi công dài đằng đẵng đó, mỗi khi đêm xuống, ông Dũng vẫn bình tâm viết sách, làm thơ.
Bây giờ, bất cứ ai đến khu du lịch Đại Nam cũng có thể thấy trên bia đá ngay trước Đền thờ Đại Nam có khắc bài viết “Thì ra vậy!”, với nội dung: Lại là một ước mơ ngu xuẩn nữa của ‘anh’ chứ gì? Khi những người khác nói với tôi rằng: Tôi không thể làm chuyện này, chuyện nọ… Rằng tôi chỉ là một kẻ mơ mộng, điên rồ, ngông cuồng, kiêu kỳ và rồi tôi sẽ thất bại. Tôi cảm thấy bị tổn thương và tức giận. Tôi đã dùng nguồn năng lượng tiêu cực của họ cộng với tình cảm tiêu cực của tôi đối với họ, để tạo ra sự bùng nổ cảm xúc, đủ lớn, đủ mạnh để trợ giúp cho tôi thực hiện những giấc mơ gian khổ. Một lần nữa xin trả lời: Thành công là sự trả ơn ngọt ngào nhất! Thì ra vậy!!!”.
Hay mới đây nhất, một bài thơ của ông Huỳnh Uy Dũng cũng khiến giới đầu tư ngạc nhiên được ông đọc tại Toạ đàm mùa xuân hồi đầu tháng 3/2019 tại Đà Nẵng. Ông cũng tự nhận định “bài thơ ngắn nhưng nói lên đầy đủ những gì tôi muốn quý vị hiểu cho Dũng tôi”:
Sáu mươi năm đã qua rồi
Hiên ngang trải bấy “cuộc chơi” lẫy lừng
“Chơi” cho đất nước thịnh hưng
Cho dân no ấm chẳng ngừng nghỉ thân…
Bỗng rồi… lo lắng… phân vân…
Thịnh hưng nhưng đã vẹn phần đúng chưa?
Tài nguyên NƯỚC chẳng dư thừa
Dùng sao vừa đủ… lại vừa nhân văn?
Bắt tay giải nỗi băn khoăn
Và đây lời đáp! Nhọc nhằn sẽ qua:
VI SINH lọc thải chan hòa
Chất dơ chất độc chẳng ra môi trường…
Thưa vâng! Một tấm lòng thương…
Dâng lên đất mẹ… ngát hương muôn đời…
Độ giàu có của ông Dũng không ai bàn cãi nhưng độ “ngông” và “thị phi” của ông thì cũng không ai không rõ.
Còn nhớ hồi năm 2014, do bất đồng quan điểm với chính quyền tỉnh Bình Dương về việc phát triển các dự án bất động sản trong khu công nghiệp Sóng Thần 3, mà ông Dũng từng hai lần “dỗi” chính quyền tỉnh. Đỉnh điểm là khi ông quyết định cho đóng cửa khu du lịch Đại Nam.
Tuy vậy, chỉ 2 tháng sau (từ tháng 11/2014 đến tháng 1/2015), không hiểu vì lý do gì mà khu du lịch này lại được mở cửa trở lại.
Độ “ngông” của ông Dũng lắm khi khiến người ta phải bái phục. Số là dù công ty thì được tỉnh Bình Dương trải thảm đầu tư song ông Dũng cũng chẳng ngại kiện Chủ tịch tỉnh nhà lên Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Thanh tra Chính phủ kết luận rằng ông Dũng kiện nhầm người.
Hay như chiều 2/5, khi đến thăm nhà máy xử lý nước thải KCN Sóng Thần 2, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị ông Dũng "lò vôi" cho gặp kỹ sư, chuyên gia của nhà máy để hỏi sâu những vấn đề kỹ thuật, cách xử lý nước thải... Ông Dũng "lò vôi" đáp rằng nhà máy có một số kỹ sư đang làm việc nhưng toàn bộ công nghệ xử lý nước thải này do ông nghiên cứu ra, ông có thể trình bày trước bộ trưởng.
Thậm chí, trong khi dẫn Bộ trưởng đi khảo sát nhà máy, ông Dũng còn không ngần ngại uống ngay ly nước thải sau xử lý trước mặt Bộ trưởng khiến nhiều người bất ngờ.
Chi 100 tỷ để minh oan cho vợ, cho con làm Chủ tịch HĐQT khi mới 1 tuổi
Vị đại gia gốc Bình Định nổi tiếng chiều vợ con. Chẳng thế mà năm 2013, ông Dũng và vợ là bà Nguyễn Phương Hằng đã tuyên bố chính thức trao khối tài sản khổng lồ của hai vợ chồng cho cậu con trai Huỳnh Hằng Hữu khi ấy mới 1 tuổi. Theo ông Dũng thì vợ chồng ông chỉ đứng sau lưng làm quân sư. Để tránh chuyện lời nói không có chứng thực, ông Dũng còn có thêm động thái xác tín bằng cách lập di chúc trao quyền thừa kế cho cậu con trai độc tôn.
Chưa hết, cũng tại lễ thôi nôi của con, ông Dũng khiến mọi người ngã ngửa khi trao chức Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Đại Nam cho cậu bé.
Với con là vậy, với vợ ông Dũng cũng chẳng tiếc. Khi tổ chức đám cưới với bà Hằng, mặc dù là đám cưới lần 2, nhưng đại gia Dũng “Lò vôi” vẫn tổ chức vô cùng hoành tráng. Được biết, để chuẩn bị cho đám cưới 45 nghìn khách mời, tổ chức hoành tráng ở khu du lịch Đại Nam, ông đã phải bỏ ra một số tiền cũng vô cùng “khủng”.
Cũng vì người thương mà cuối năm 2014, ông Dũng gây chấn động dư luận khi treo thưởng 100 tỷ đồng cho bất cứ ai chứng minh được vợ ông - Phó tổng giám đốc CTCP Đại Nam - đem tài sản của ông đi thế chấp vay tiền bên ngoài.
Sở dĩ có chuyện này là vì thời gian ấy, dư luận đồn thổi bà Hằng đem tài sản của ông Dũng đi thế chấp ngân hàng vay trên 2.000 tỷ đồng và lợi dụng uy tín của ông để huy động tiền bên ngoài với lãi suất đến 3,4%/tháng.
Không chỉ chi 100 tỷ để bảo vệ vợ, ông Dũng còn thường xuyên mua tặng bà Hằng những món đồ đắt tiền.
Ngày Lễ tình nhân vừa rồi, bà Hằng tiết lộ, trong tiệc sinh nhật của hai vợ chồng bà tháng trước, ông Dũng tặng bà Hằng một siêu xe trị giá hơn 40 tỷ đồng. Nhưng với ông Dũng thì “món quà đó không là gì cả so với những điều cô ấy đã mang đến cho tôi. Nếu ai biết tôi, thích cách sống của tôi, thân thiện với tôi, đồng tình với những việc tôi đang làm thì xin cũng hãy dành tình thương đó cho vợ tôi. Vì tôi mà cô ấy đã chịu đựng những điều tưởng chừng không thể chịu đựng được và tha thứ những điều tưởng chừng không thể thứ tha".
Trước đó, năm 2015, nhân kỷ niệm 5 năm ngày cưới, ông Dũng đã tặng vợ đôi hoa tai bằng kim cương trọng lượng khoảng 30 cara. Cặp hoa tai được ông Dũng đặt từ một tiệm kim hoàn nổi tiếng tại Singapore chế tác theo kiểu mẫu riêng để tặng vợ.
Bà Nguyễn Phương Hằng - vợ ông Dũng – nổi tiếng là người thích kim cương và là một trong số ít người ở TP.HCM sở hữu nhiều kim cương rất đắt giá.
Thị phi, ồn ào bủa vây nhưng tâm hồn thi sĩ của vị ông Dũng “Lò vôi” thì có lẽ chưa khi nào vơi cạn. Bận trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn dành thời gian cho dự án “Đại Nam văn hiến sử thi”, với 12.344 câu thơ thể song thất lục bát nói về toàn bộ quá trình hình thành dựng nước, giữ nước từ thời Vua Hùng dựng nước đến giai đoạn năm 1945.