Tờ VnExpress đăng tải thông tin cho hay, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong đó đề nghị được mua lại toàn bộ 29% vốn của PVN tại Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, kèm theo một số điều kiện để triển khai dự án này.
Tờ này dẫn báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết thêm, vướng mắc lớn nhất của dự án trong thời gian qua là thu xếp phần vốn vay của tập đoàn này trong liên doanh, thủ tục phê duyệt các gói thầu. Điều này dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp tiến độ ký kết hợp đồng EPC và tiến độ triển khai dự án.
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp phép đầu tư năm 2008, vốn đầu tư 3,7 tỷ USD với sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn SCG của Thái Lan.
Sau nhiều khó khăn, Vinachem rút vốn và thế chỗ vị trí này là Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI). Đầu tháng 4/2017 QPI cũng quyết định rút toàn bộ vốn tại Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và chuyển nhượng phần vốn này cho SCG. Nhờ đó, vốn của SCG tại tổ hợp này nâng từ 46% lên 71%.
Ban đầu dự án có vốn khoảng 3,7 tỷ đôla sau đó đã được điều chỉnh lên tới hơn 4 tỷ đôla và hiện là 5,4 tỷ đô la. Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn.
Như vậy, nếu đề nghị này được chấp thuận, đại gia Thái sẽ sở hữu 100% dự án hóa dầu trị giá trên 5 tỷ USD này.
Trên thực tế, cái tên SCG không phải xa lạ với giới đầu tư tại Việt Nam. Đây là một trong những "ông lớn" của Thái từng ghi dấu với hàng loạt thương vụ "thâu tóm" nổi tiếng.
Theo tìm hiểu, SCG tên đầy đủ là Tập đoàn xi măng Siam được thành lập từ năm 1913, hoạt động tập trung vào 3 lĩnh vực chính là hóa dầu, bao bì và xi măng - vật liệu xây dựng. Bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam từ năm 1992 tuy nhiên phải đến những năm gần đây SCG mới lộ rõ "bản chất" của mình khi thâu tóm thành công hàng loạt doanh nghiệp nhựa bao bì và vật liệu xây dựng tại đây.
Công cuộc thâu tóm của SCG có thể kể đến những thương vụ nổi đình nổi đám như: Năm 2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng).
Năm 2015, SCG tiếp tục mua thành công 80% cổ phần Công ty Nhựa Tín Thành - doanh nghiệp tốp đầu trong lĩnh vực nhựa bao bì của Việt Nam; mua trên 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và gần 25% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. SCG đã chi ra khoảng 121 triệu USD đầu tư vào các công ty Việt Nam thuộc lĩnh vực nhựa.
Ngoài những doanh nghiệp đã nêu, SCG còn nắm giữ cổ phần tại 18 công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái...