Có học trò xin tôi tiền đổ xăng
Chào nghệ sĩ Minh Nhí! Cơ duyên nào đưa đẩy anh trở thành “người lái đò”?
Nghề dạy học của tôi gắn liền với thầy Nguyễn Văn Phúc và anh Nguyễn Công Ninh. Đó là hai người thầy tôi mang ơn và vô cùng kính trọng. Những năm 90, trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM thiếu giảng viên, thầy Phúc lúc ấy là Phó hiệu trưởng. Hồi đó, thầy thương tôi như con ruột, nhìn thấy khả năng và tố chất của học trò, nên thầy gọi tôi về trường làm việc.
Năm ấy, tôi còn trẻ măng, nên suy nghĩ đơn giản lắm. Thầy Phúc phải ngỏ lời đến lần thứ ba, tôi mới nhận lời. Lúc đầu, tôi từ chối, vì chạy show ở ngoài nhiều tiền hơn, và bản thân cũng không có nghiệp vụ sư phạm nên sợ khó đảm đương. Lần thứ hai, tôi giả bộ về suy nghĩ. Nhưng, đến lần thứ ba, tôi không dám từ chối nữa nên đồng ý về trường.
Thú thật, khi đó tôi nhận lời là vì thương thầy, sợ thầy giận còn trong lòng vẫn lấn cấn. Thời điểm đó, tên tuổi tôi đang “nổi như cồn”, chạy show mệt nghỉ, được mọi người cưng chiều, nếu về trường, tôi bị gò bó trong khuôn khổ, phải đi phụ người ta nên không thoải mái.
Nhưng, sau này, thầy nói một câu tôi nghe mà thấm lắm: “Nghề của mình, theo thời gian dù con có nổi tiếng cỡ nào đến một lúc con cũng phải nhường chỗ cho người khác. Nếu con theo nghề giáo, sau này học trò con đạt được thành tựu, mọi người vẫn nhắc tới con. Giống như tụi con đi đâu cũng nhắc tới thầy, thì sau này con cũng như vậy”.
Nhớ lại thời điểm đặt những “viên gạch” đầu tiên trong hành trình trở thành giảng viên, thầy Minh đã trải qua thế nào?
Hành trình này khá gian nan. Tôi phải đi trợ giảng (học nghề dạy) 3 năm, trải qua vòng đánh giá của hội đồng khoa học trong trường. Cuối cùng là thi biên chế nếu đậu tôi mới chính thức trở thành giảng viên.
May mắn khi về trường, tôi được đi theo trợ giảng cho anh Nguyễn Công Ninh – lúc đó là giảng viên chính thức của trường. Anh Ninh cũng là học trò cưng của thầy Phúc nên thầy hướng tôi theo anh ấy để học nghề.
Thực ra, giai đoạn đầu, tôi và anh Ninh chưa hiểu nhau nên bất đồng dữ lắm. Nhưng, sau một cuộc nói chuyện thẳng thắn, giải tỏa hết mọi khúc mắc, bất đồng, hai anh em rất hợp nhau. Từ đó, anh Ninh thương tôi như em ruột. Anh chỉ dạy tôi từng tý, trong suốt quá trình học và làm nghề. Sau 3 năm theo anh Ninh trợ giảng, tôi đã thi đậu biên chế và chính thức trở thành giảng viên của trường.
Lớp đầu tiên tôi chủ nhiệm chính là lớp của Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cương, Cao Minh Đạt, Hạnh Thúy,… Nên, tôi cưng chiều và xả thân hết mình để truyền đạt kiến thức cho học trò.
Người ta kháo nhau rằng thầy Minh rất “mát tay” đào tạo ngôi sao, hễ dạy cho ai là người đó nổi tiếng. Thầy có thể bật mí chút bí quyết của mình?
Thật ra, tôi không có bí quyết gì đâu! Có thể, trời thiên phú cho tôi cái duyên “đưa đò”. Tiêu chí hàng đầu của tôi khi dạy học trò là phải biết diễn. Hay – dở tùy mức độ nhưng ít ra phải biết diễn và làm được.
Còn, việc học trò của tôi nổi tiếng là do các em tự vươn lên, cộng với ngôi sao may mắn. Chứ không phải học thầy Minh Nhí là nổi tiếng đâu. Nhưng, cũng may mắn cho tôi là những nghệ sĩ nổi tiếng được khán giả yêu mến, thì đại đa số là học trò của tôi. Thật sự, tôi không có bí quyết gì cả. Tôi dạy, yêu thương, la mắng tất cả học trò đều như nhau.
Nhưng cũng có tiếng đồn, thầy Minh Nhí rất khó tính và dữ dằn với học trò?
Điều này thì đúng! Tôi khó tính lắm. Trong quá trình giảng dạy, tập luyện, dàn dựng,… tôi rất khó và kỹ, nhưng ngoài giờ tôi rất dễ tính. Trên lớp, có lần tôi la Việt Hương tới mức nó khóc luôn, nhưng kết thúc buổi học thầy trò lại thân thiết, đi ăn cười nói với nhau như thường.
Tụi nó biết, dù thầy Minh có chửi, la mắng,… thì cuối cùng thầy chỉ mong các học trò giỏi và tốt lên. Thế nên, đứa nào cũng nhớ và quý thầy.
30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, hẳn thầy Minh có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt với các học trò của mình?
Tất cả các thế hệ học trò, đứa nào tôi cũng có kỷ niệm. Tụi nó chỉ hành thầy lúc chưa có gì, còn sau này khi đã thành tài, thành danh, đứa nào cũng quay về báo hiếu và thương thầy nhiều hơn.
Bên cạnh việc giảng dạy, tôi cũng chủ động xin vai cho học trò diễn. Hồi xưa là Thúy Nga, Việt Hương, Ngọc Trinh,… hay sau này lớp Xuân Nghị, Minh Dự,… tôi đều tạo điều kiện cho các em vừa học vừa làm nghề. Việt Hương là một trong những đứa tôi cưng và nhiều lần xin vai cho diễn. Nhớ, có lần Hương đi diễn bị ăn hiếp chạy về khóc mách thầy, thế là tôi lại đứng ra bênh vực, nên nó nhớ lắm.
Học trò của tôi, đứa nào hồi mới đi học cũng nghèo lắm. Thầy trò thân nhau tới độ, tụi nó thi thoảng vẫn xin tôi tiền. Nhiều không có nhưng trăm đổ lại thì lúc nào tôi cũng sẵn lòng. Thi thoảng, có đứa lại gọi tôi “thầy, cho con xin 50, 30 nghìn đổ xăng...”. Có hôm, mấy đứa xin tôi tiền rồi chung nhau mua nồi cháo cùng ăn, hay mua cho nhau ổ bánh mì… Và, Xuân Nghị là một trong những đứa hay xin tiền tôi nhất.
Hồi dạy ở trường, tôi có thầu căng-tin, rồi giao cho Việt Hương và Thái Hòa làm tổng quản lý. Ngày nào tôi đi diễn về, chúng nó cũng í ới “thầy đưa tiền để con đi chợ”. Cứ thấy tiền ra mà không thấy tiền vào, tôi lấy làm lạ mới hỏi: Sao bán mãi không dư được đồng nào vậy con, thì Việt Hương nói: tụi nó toàn ăn nợ thầy ạ”. Đến lúc sang nhượng lại căng-tin, tôi mới tá hỏa khi thấy ba cuốn sổ ghi nợ của học trò trong trường, nhưng tôi cũng bỏ luôn chứ không tính toán gì.
Sao lại ganh tỵ với học trò
Với dịp đặc biệt Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy Minh cảm nhận thế nào về tình cảm mà các thế hệ học trò dành cho mình?
Tôi thương tụi nó thật lòng nên bây giờ đứa nào cũng quý tôi lắm. Nhất là dịp 20/11, đứa nào ở Mỹ như Thúy Nga, Việt Hương đều gọi điện về rôm rả, rồi Hạnh Thúy, Tiết Cương, Xuân Nghị,… dù bận cỡ nào cũng chạy đến với thầy,… Cảm giác hạnh phúc lắm.
Thực ra, không cứ phải ngày lễ mà ngày nào với tôi cũng tràn ngập sự quan tâm của các học trò. Dù các bạn ấy nổi tiếng cỡ nào nhưng vẫn luôn nhớ về “người lái đò”. Việt Hương thỉ thoảng lại gọi hỏi “thầy đang ở đâu để con gửi đồ ăn qua”, hoặc mỗi lần đi Mỹ về lại mua quà cho tôi. Hay, như Xuân Nghị, lần nào thầy trò đi diễn chung, nó cũng rỉ tai: “Thầy đói không, thầy có ăn gì không để con mua”. Mấy thứ đó, tôi dư tiền tự mua được, nhưng điều tôi hạnh phúc nhất là học trò của mình “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Với tôi, tiền bạc, vật chất không thể sánh bằng những lời hỏi han quan tâm chân thành của học trò. Chỉ cần thế thôi cũng đủ khiến tôi thấy ấm lòng và hạnh phúc.
Nhưng, đâu đó cũng có những lời so sánh, học trò nổi tiếng hơn thầy. Nghệ sĩ có buồn và chạnh lòng?
Không! Sao lại buồn được. Tôi vẫn nhớ lời thầy Phúc căn dặn khi mới theo nghiệp “đưa đò”. Tôi đã hết thời rồi, giờ nhường lại cho các bạn trẻ tỏa sáng. Và, công việc “trồng người” mới là sự lựa chọn đúng đắn và tôi luôn cảm thấy tự hào.
Khi dạy học trò, tôi luôn muốn các em có việc làm, cầu mong các em nổi tiếng, có cuộc sống sung túc, bình an. Bây giờ, các em đều có hết rồi, tôi càng mừng sao lại buồn hay ganh tỵ với tụi nó. Trừ khi, tất cả học trò đều quay lưng với mình, thì tôi phải tự coi lại bản thân. Đó mới là sự thất bại! Nhưng, bây giờ, đứa nào cũng yêu thương và kính trọng mình, tôi hạnh phúc.
Tôi nghĩ, mỗi người có một đỉnh cao, quan trọng mình còn sống trong lòng khán giả hay không. Dù đã qua cái thời hot nhưng tên mình vẫn được trân trọng. Bây giờ, tôi đi đâu, cũng được mọi người gọi là thầy Minh. Mặc dù mình không còn xuất hiện nhiều, không còn hot như ngày nào, nhưng vẫn không bị coi thường, lãng quên. Đó là niềm hạnh phúc quá lớn.
Sau chừng ấy năm gắn bó với nghiệp nhà giáo, điều hạnh phúc nhất thầy Minh có được là gì?
Hạnh phúc nhất với tôi là khi chứng kiến học trò của mình được khán giả yêu mến. Hay, mỗi lần tụi nó xuất hiện trước công chúng, truyền thông lại nhắc là học trò của thầy Minh Nhí, tôi cảm giác tự hào và hãnh diện.
Học trò của tôi như Việt Hương, Thúy Nga,… bây giờ, nổi tiếng “đụng nóc” rồi, giàu gấp mấy lần tôi rồi nhưng vẫn luôn trân trọng thầy. Vậy là mừng lắm rồi.
Cảm ơn chia sẻ của nghệ sĩ Minh Nhí! Chúc thầy ngày 20/11 nhiều niềm vui.