Nằm giữa sa mạc ở Iraq, khu trại dành cho những cô dâu ngoại quốc và trẻ nhỏ là con của các tay súng IS luôn bao phủ không khí nặng nề.
Địa điểm của khu trại được giữ bí mật bởi Chính phủ Iraq lo ngại một bộ phận người dân nước này phải chịu khổ đau dưới sự cai trị của IS có thể tấn công trại. Tại đây, gần 1.400 phụ nữ và trẻ nhỏ được bố trí ở trong những căn phòng nhỏ, ngột ngạt.
Đối với các phụ nữ ở đây, điều kiện sống có lẽ không đáng sợ bằng nỗi khiếp đảm bị tra tấn hay sát hại ám ảnh từng giờ, từng phút.
Một khi đã rơi vào đây, dù là ai chắc chắn cũng sẽ phải cam chịu cảnh sống từng ngày trong nỗi khiếp sợ. Không ai biết khi nào mình có thể trở thành nạn nhân của các cuộc giết chóc trả thù.
Hầu hết những phụ nữ này có chồng là những người ngoại quốc đến Iraq để chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Theo nhà báo Nga Murad Gazdiev, người đã thực hiện phóng sự về trại tị nạn dành cho người thân các tay súng IS ở Iraq, những người mà ông gặp trong trại này đến từ nhiều vùng thế giới. Ông đã gặp "nhiều người Mỹ và những cô gái châu Âu tóc vàng mắt xanh".
Họ đến từ 14 quốc gia. Trong đó có người Nga, Pháp, Đức hay đến từ các nước châu Á. Trong số những phụ nữ ở trại, rất nhiều người đã trở thành goá phụ vì chồng họ đã thiệt mạng hoặc đang mất tích.
Trong khi đó, theo chia sẻ của nhiều phụ nữ ở đây, họ thực sự đau khổ vì phải làm vợ của các ông chồng là tay súng IS nhưng họ không thể thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục.
Một góa phụ giấu mặt kể bằng tiếng Nga, chồng bà chết trong cuộc tấn công kéo dài hàng tháng trời của quân Chính phủ vào Mosul hồi đầu năm nay.
Bà cũng nhiều lần muốn trốn khỏi quân khủng bố nhưng không thành. "Tôi muốn về nhà. Tôi vô tình đến nơi này. Tôi thực sự muốn về nhà. Xin hãy đưa tôi ra khỏi đây", người phụ nữ năn nỉ nhà báo Gazdiev.
Đáng thương thay, trong số những phụ nữ đến đây, rất nhiều người đã phải vượt qua nhiều trở ngại và nguy hiểm để đến vùng đất do IS kiểm soát trong niềm tin có cuộc sống được bảo bọc tốt hơn mà không hề biết gì về những hành vi mà các chiến binh gây ra. “Hầu hết phụ nữ ở đây đến với chồng. Chúng tôi không đến đây để đánh nhau, hay giết người. Chúng tôi đến đây để sinh sống”, một phụ nữ chia sẻ.
Theo người này, khi mẹ của cô đến thăm con gái, phiến quân giữ luôn bà ở lại và không cho trở về. “IS sẽ không để bất cứ ai đi, ngay cả khi họ mắc bệnh. Ai muốn sống ở đó cơ chứ?”, người phụ nữ nói thêm.
Kể về hoàn cảnh đáng thương của mình, một phụ nữ đến từ Ukraine chia sẻ: “Tôi đến đây tự nguyện, nhưng tôi không muốn ở lại. Tôi muốn trở về quê hương nhưng tôi không thể. Tôi đã chứng kiến cảnh chém giết, chiến tranh. Nó thực sự ám ảnh tôi”.
Trong khi đó, nhiều vợ của chiến binh thể hiện sự hoang mang và sợ hãi về tương lai khi không có những người chồng khủng bố của họ. Thậm chí, một số người còn quyết định quyên sinh để chấm dứt đau khổ.
Được biết, nhiều trẻ em đã thành mồ côi do chiến tranh. Nhiều trẻ may mắn được UNICEF chăm sóc, một số khác mắc kẹt trong các trại trẻ mồ côi nghèo nàn.
Chính quyền Iraq cũng đang làm việc để xác lập danh tính của những phụ nữ trên nhưng cho biết đây là công việc nan giải, vì nhiều người thiếu các giấy tờ tùy thân cơ bản. Ngoài ra, cũng có những người không muốn báo tin cho người thân về tình trạng hiện tại của họ.
“Tôi không nghĩ bố mẹ biết tôi ở đây, nhưng tôi nói với con gái mình đừng cho họ biết. Bố mẹ tôi đã già yếu, họ sẽ rất đau lòng khi biết sự thật”, một phụ nữ chia sẻ.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, IS đã giết chết hơn 6.800 dân thường Iraq trong năm 2016. Tổ chức này cảnh báo, con số này là ước tính "ít nhất" có thể. Năm trước đó, hơn 7.500 dân thường chết bởi tay IS. Theo ước tính chính thức của Mỹ, IS hiện còn tổng cộng khoảng 13.000 chiến binh còn lại tại Iraq và Syria.
Xem thêm >> Hé lộ về "kho phim đen" của Bin Laden được CIA xem là tài liệu tuyệt mật
V.T.H