Tân nhạc lên ngôi
Như tôi đã từng đặt vấn đề từ ngay khởi bút viết về loạt bài này rằng, trong bốn câu của bài vè này có những dị bản. Riêng câu “Múa ca Q.1” có khá nhiều dị bản. Ví như “Xa hoa Q.1”, “La cà Q.1” hoặc “Làm nhà Q.1”... Tuy nhiên, theo tôi, câu “Múa ca Q.1” hoặc “Ca múa Q.1” là hợp lý nhất.
Ở đây, nghĩa đen của cụm từ “ca múa” hoặc “múa ca” chỉ là đảo từ nhưng chỉ chung sự kết hợp múa và ca trong tân nhạc. Hiểu theo ý này, thì hợp với các câu còn lại trong bài vè: khi “ăn” thì phải sang “Q.5”, “ở” (nằm) thì vào nhà Tây (Q.3) và “trấn lột” thì “Q.4” là nổi tiếng nhất. Từ logic ấy, đương nhiên “ca múa” phải là ở “kinh đô” “Q.1” rồi.
Khu vực đường Nguyễn Huệ (Q.1)
Theo tôi, câu nói “Ca múa Q.1 trong câu vè: “Ăn Q.5/Nằm Q.3/Múa ca Q.1/Trấn lột Q.4”, xuất hiện để nói về giai đoạn tân nhạc nở rộ tại Sài Gòn. Nhiều người cho rằng, mãi đến những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Sài Gòn mới có phòng trà ca nhạc. Thực ra thì các phòng trà đã có từ rất lâu tại Sài Gòn, tuy nhiên, nó hoạt động theo kiểu khác.
Thời Pháp thuộc, các ca sĩ chỉ có “mảnh đất màu mỡ” và gần như duy nhất đấy chính là “hát radio” (đài phát thanh). Còn các sân khấu hầu như sáng đèn, là dành cho loại hình cải lương đang chiếm thế thượng phong.
Cho tới khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền và cấm khiêu vũ, thì các vũ trường lúc này mới chú ý tới “ca sĩ”. Thế rồi họ chuyển từ vũ trường sang thành những phòng trà ca nhạc. Cũng kể từ đây, ca sĩ, vũ nữ có đất diễn và loại hình tân nhạc mới được “chuộng”.
Để hoạt động, các phòng trà đều có những tên tuổi “đinh” nhằm thu hút khán giả. Phòng trà Đêm Màu Hồng có ban hợp ca Thăng Long với những tên tuổi lớn như ca sĩ Thái Thanh, Hoài Bắc (nhạc sĩ Phạm Đình Chương), Hoài Trung, Thái Hằng (bạn đời của nhạc sĩ Phạm Duy, thân