Theo quy ước, tiết Thanh minh bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 dương lịch (tức vào khoảng tháng 3 âm lịch).
Tiết Thanh minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí của lịch pháp cổ đại. Thời gian này là khoảng giao mùa giữa Xuân và Hạ nên thời tiết ấm áp, bầu trời trong xanh, thích hợp cho sự phát triển của động thực vật.
Còn tết Thanh minh là một ngày trong tiết Thanh minh và mỗi năm có sự xê dịch khác nhau.
Theo lịch Vạn niên 2018, tết Thanh minh năm nay vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch, dương lịch là mùng 4 tháng 4, là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh.
Trong ngày này và những ngày trong tiết Thanh minh, các gia đình Việt Nam thường có một nghi thức rất quan trọng, đó là tục tảo mộ tổ tiên, người thân
Tết thanh minh tuy không phải là tết lớn của dân tộc nhưng đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người con Việt. Nó gắn kết các thế hệ con cháu với tổ tiên, là dịp đoàn tụ của các thành viên trong gia đình lớn. Nó thể hiện rõ tình cảm gia đình, làng xóm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Trong tiết trời tháng ba, mọi người nô nức đi thăm mộ, sắm lễ vật cầu cúng cầu mong cho gia tiên được mồ yên mả đẹp. Vào ngày này mọi người không đề cao “mâm cao cỗ đầy”, nhưng người Việt coi trọng giá trị tinh thần, coi trọng tấm lòng hiếu thảo của con cháu hướng về gia tiên, hướng về nguồn cội.
Tục tảo mộ
Tết Thanh minh diễn ra vào ngày tiết Thanh minh. Tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao thì tết này là một ngày quốc lễ. Còn ở các khu vực khác ở Đông Á thì không. Nói đến tết Thanh minh thì bao giờ người ta cũng nghĩ đến lễ tảo mộ và hội đạp thanh.
Nhân ngày Thanh minh, người dân các nước có nền văn hóa tương đồng và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
Lễ cúng tết Thanh minh tại nhà và ngoài mộ phần gồm những gì?
Lễ cúng Thanh minh ngoài mộ phần bao gồm: Tiền vàng, hương đèn, trầu cau, hoa quả, đồ cúng chay, hoặc đồ cúng mặn vào chỗ thờ chung, sau đó thắp nhang, đèn, vái ba vái tỏ lòng thành kính với Thổ địa, Thần linh cai quản khu mộ phần, mời gia tiên về chứng giám và đọc bài khấn Lễ âm phần long mạch thổ phủ sơn thần nơi mộ, và đọc văn khấn xin sửa sang lại mộ phần.
Trong lúc chờ tuần nhang thổ địa thì mọi người trong gia đình đi viếng thăm các ngôi mộ của gia đình mình, thắp lên mộ mấy nén, khấn xin gia tiên tiền tổ chứng giám lòng thành, cho phép được sửa sang phần mộ của gia đình. Lúc này, gia chủ mới cùng các thành viên tiến hành dọn dẹp, sửa sang phần mộ người thân đã khuất.
Sau khi khấn xong, đợi hết 2/3 tuần hương thì gia chủ sẽ đi lễ tạ các nơi, hóa vàng, xin lộc và mọi người trở về nhà làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà.
Lễ cúng Thanh minh tại nhà bao gồm: Một mâm cơm cúng với đầy đủ xôi, gà luộc, hoặc giò, canh măng, miến, thêm đĩa xào,.. hoặc chỉ thắp hương bình thường với hoa quả tươi, trà tàu, thuốc lá… tùy theo điều kiện gia đình để thông báo với gia tiên, tiên tổ, ông bà,… đã khuất về ngày Thanh minh.
Ngọc Linh (t/h)