Liên quan đến vụ việc thanh niên Cù Chi Nguyên (19 tuổi) ở TP.HCM bất ngờ nhận được gần 5 tỷ đồng do một ngân hàng chuyển vào tài khoản, biết nhà băng chuyển nhầm nhưng vẫn rút 1,5 tỷ đồng để tiêu xài, dư luận đang rất quan tâm hành vi của thanh niên này có vi phạm pháp luật hay không và bị xử lý như thế nào.
Trả lời PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, chủ tài khoản được chuyển tiền nhầm phải có trách nhiệm trả lại ngân hàng. Tuy nhiên có cơ sở để buộc tội khi anh này tiêu số tiền đó không thì phải phân tích cụ thể 2 tình huống sau:
Tình huống thứ nhất: Thanh niên tiêu tiền chuyển nhầm trước khi ngân hàng có thông báo về việc chuyển nhầm.
Thứ nhất, phải khẳng định, việc nam thanh niên tiêu số tiền trong tài khoản cá nhân hợp pháp của mình thì không thể quy kết là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì, đối với các tội liên quan đến tài sản thì người này không phạm vào bất cứ tội danh nào.
Thứ hai, người này cũng không chiếm giữ trái phép khi mà tiền tự vào tài khoản và anh ta tiếp nhận số tiền ở thế bị động.
Bởi vậy, nếu người này đã tiêu số tiền chuyển nhầm rồi sau đó ngân hàng mới phát hiện để đề nghị trả lại thì ngân hàng buộc phải chờ người này thu xếp trả lại, hai bên tự thỏa thuận dân sự với nhau.
Tình huống thứ hai: Nếu khi nhận được tiền chuyển nhầm nhưng chưa kịp tiêu, ngân hàng đã phát hiện và yêu cầu hoàn trả mà trốn tránh không trả hay cố ý chiếm đoạt thì phạm vào tội chiếm giữ tài sản trái phép.
Theo luật sư Truyền, quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 cho biết, khi chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu.
Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167 của Chính phủ.
Cụ thể, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng nếu sử dụng trái phép số tiền người khác chuyển nhầm; phạt từ 2-5 triệu đồng nếu chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Nếu đã có yêu cầu hoàn trả của cơ quan chức năng mà kiên quyết không hoàn trả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản, theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015. Khi đó sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, hoặc bị phạt tù cao nhất là 5 năm.
Còn nếu sử dụng số tiền đó sau khi đã có thông báo về việc nhầm và yêu cầu hoàn trả thì bị truy cứu tội Sử dụng trái phép tài sản theo Điều 177 với hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ 2 năm, cao nhất là 7 năm tù giam.
Ngày 26/4, Công an quận 1 - TP.HCM thông tin về trường hợp nam thanh niên Cù Chi Nguyên (19 tuổi) được một ngân hàng có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 chuyển nhầm gần 5 tỷ đồng vào tài khoản nhưng vẫn rút ra 1,5 tỷ đồng để tiêu xài.
Theo nguồn tin của Zing.vn, thanh niên này đã sử dụng vào nhiều mục đích như đặt cọc mua xe, mua đất, mua nhà, trong đó đặt cọc mua một mảnh đất trị giá tới 2,7 tỷ đồng.
Hiện tại, phía ngân hàng đã thu hồi gần hết số tiền chuyển nhầm vào tài khoản của Nguyên. Số tiền còn lại Nguyên chưa hoàn trả là hơn 100 triệu đồng và gia đình nam thanh niên đã cam kết sẽ trả lại số tiền này trong thời gian sớm.
Trước đó, báo Người Đưa Tin đã phản ánh một vụ việc tương tự. Ngày 22/8/2015, TAND quận Thanh Khê TP. Đà Nẵng tuyên phạt Huỳnh Ngọc Lộc (SN 1978), trú quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng 9 tháng tù về tội " Chiếm giữ trái phép tài sản ".
Theo cáo trạng ngày 19/8/2014 Ngân hàng Đông Á chi nhánh tại Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh có chuyển cho khách hàng với số tiền 115.026.500 đồng nhầm vào tài khoản của Lộc.
Sau đó Lộc đã "nướng" 40 triệu vào cá độ bóng đá và không có khả năng trả lại.
Ngân hàng nhờ cơ quan công an quận Thanh Khê vào cuộc, Lộc hẹn ngày 15/1/2015 sẽ hoàn trả lại số tiền trên nhưng vẫn không thực hiện như cam kết.