Theo Tổ chức Minh bạch thế giới (Transparency International), tham nhũng là “lạm dụng công quyền để thu lợi cá nhân”.
Một tài liệu của Thanh tra Chính phủ lại cho biết, tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Tuy nhiên, việc đưa ra một tiêu chí cụ thể để đánh giá một quốc gia là tham nhũng lại là vấn đề không hề đơn giản.
(Ảnh minh họa)
Theo bà Juanita Riano, giám đốc chương trình Công cụ đo lường tham nhũng toàn cầu của Tổ chức Minh bạch quốc tế, để đánh giá một quốc gia tham nhũng, các tổ chức quốc tế phải căn cứ vào chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI). Chỉ số này xếp hạng các nước và vùng lãnh thổ theo mức độ tham nhũng được cảm nhận ở các cán bộ công chức và chính trị gia nơi đó. Ngoài ra còn có chỉ số đưa hối lộ (BPI) đánh giá phần cung của tham nhũng và phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) là một cuộc điều tra dư luận nhằm đánh giá nhận thức, kinh nghiệm của công chúng về tham nhũng ở hơn 60 nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, các đánh giá hệ thống liêm chính quốc gia (NIS) là một loạt nghiên cứu tiến hành tại một nước để chẩn đoán diện rộng về điểm mạnh/yếu của các cơ quan tổ chức then chốt nhằm tạo điều kiện tăng cường quản trị tốt cũng được coi là một tiêu chí đánh giá.
Mỗi chỉ số này phản ánh góc độ khác nhau của tham nhũng và không một chỉ số đơn lẻ nào đủ hoàn hảo để đưa ra một bức tranh tổng quát. Vì thế, mỗi nước cần xây dựng riêng cho mình một bộ chỉ số để đánh giá và phòng chống tham nhũng.
Tại Việt Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (OSCAC) đã đề xuất 6 tiêu chí cho việc đánh giá tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng bao gồm:
Kết quả hoàn thiện của thể chế phòng chống tham nhũng và kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa và số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý.
Đánh giá của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền về phòng chống tham nhũng.
Kết quả điều tra dư luận xã hội và qua báo chí.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, còn phải căn cứ vào đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Được biết, để xếp hạng các quốc gia tham nhũng nhất thế giới trong năm 2012, Tổ chức minh bạch quốc tế đã dựa vào các tiêu chí chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), chỉ số đưa hối lộ; chẩn đoán về hệ thống liêm chính quốc gia; giám sát, phân tích thực hiện công ước phòng chống tham nhũng. Cũng theo tổ chức này, các khảo sát quốc tế là công cụ tin cậy nhất để xếp hạng mức độ tham nhũng của mỗi quốc gia.
Theo xếp hạng của Tổ chức minh bạch quốc tế, Somali là quốc gia tham những nhất thế giới trong năm 2012 khi chỉ đạt 8 điểm trong thang điểm 100.
Phan An