Gian lận trong kì thi THPT quốc gia 2018 đã tạo nên một cơn “chấn động” trong ngành giáo dục. Trong khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng với việc “phù phép” hơn 330 bài thi ở Hà Giang thì thông tin Phó Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La cùng 4 thuộc cấp của mình có liên quan gian lận thi THPT tại Sơn La lại tiếp tục nóng hơn bao giờ hết.
Trước những “cơn địa chấn” tại tỉnh Hà Giang, Sơn La và có thể lan sang 1 số tỉnh thành khác, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu việc triển khai kì thi “2 trong 1” đang bắt đầu bộc lộ những lỗ hổng lớn?
Trao đổi với PV về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Trong kì thi PTTH quốc gia 2018 năm nay, ngoài việc phát hiện tiêu cực trong thi cử trước hết là ở Hà Giang, tiếp đến là Sơn La thì có lẽ sẽ có 1 số tỉnh thành khác còn dính líu đến tiêu cực. Theo đánh giá bước đầu của cá nhân tôi, tổ chức thi cử trong năm nay là chưa đạt được hiệu quả và đạt được sự kì vọng của người dân cũng như thí sinh. Có thể nói, đây là 1 “scandal” rất lớn của bộ GD&ĐT.
Phải nói rằng, phần lớn tiêu cực trong thi cử trong năm nay đều ở cán bộ sở GD&ĐT của tỉnh mà ra. Vì sao họ dễ dàng làm được điều đó? Việc Bộ giao toàn quyền cho Sở cũng là cách để họ thực hiện tiêu cực 1 cách đơn giản.
Thiết nghĩ, việc thanh tra không chỉ thực hiện ở 2, 3 tỉnh mà phải thực hiện một cách toàn diện trên khắp các tỉnh thành để làm rõ cách thi cử, cách vận hành, cách làm việc của bộ GD&ĐT ra sao. Đây không phải lần đầu xảy ra tiêu cực trong giáo dục mà cứ đến mùa thi cử là lại có vấn đề. Và tất nhiên câu chuyện của kì thi năm nay đã trở nên nghiêm trọng hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều”.
ĐBQH Hòa tiếp tục phân tích: “Sự việc ở Hà Giang, Sơn La là tiêu cực trầm trọng, trầm kha của ngành giáo dục, là khối u lớn cần phải gọt cắt bỏ, xử lý đến nơi đến chốn và phải có xử lý nghiêm khắc trong từng vụ việc để cảnh tỉnh làm gương cho những trường hợp khác. Phải đặt ra câu hỏi: Tại sao năm nào cũng xảy ra tiêu cực? Vì sao tổ chức thi trắc nghiệm lại có thể dễ dàng phát sinh những hành vi tiêu cực đến vậy?
Nếu sự việc năm nay không được báo chí, người dân phát hiện, phản ánh thì những thí sinh trót lọt đỗ rồi ra trường sẽ làm lũng đoạn trong tầng trí thức của chúng ta. Thật đáng buồn khi những trường đại học trọng điểm của quốc gia lại có những thí sinh “dởm”, gây bất công cho thí sinh khác. Đây là hành vi làm bại hoại, bôi nhọ ngành giáo dục.
Nếu không phát hiện tiêu cực ta sẽ cho rằng kì thi hiệu quả, ít tốn kém, thi công khai, minh bạch, thi bằng trí tuệ của các thí sinh nhưng thực tế lại phát sinh những lỗ hổng quá lớn trong việc thi trắc nghiệm.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, thanh tra của Bộ, ngành rồi thành lập các ban chỉ đạo trong kì thi THPT nhưng đã làm tròn vai hay chưa, thực tế đã phát hiện ra tiêu cực hay chưa? Cho nên có thể khẳng định đây là sự thất bại trong tổ chức thi của ngành giáo dục”.
“Ngành giáo dục phải xem lại cách hành xử, việc làm của mình trong thi cử để làm sao tổ chức cho tốt hơn, tránh đi những tiêu cực. Tôi nghĩ rằng, tổ chức thi dù có tốn kém như thế nào nhưng nếu không còn tiêu cực thì vẫn nên tổ chức còn rút ngắn chi phí mà dễ phát sinh tiêu cực thì không nên. Như năm nay, việc tổ chức thi đã ít tốn kém hơn nhưng để lại lỗ hổng quá lớn trong chấm thi. Không nên thực hiện bài ca kinh nghiệm mãi, hễ thất bại lại tiếp tục rút kinh nghiệm. Vậy, mỗi lần thi cử đều thất bại hết thì rút kinh nghiệm có còn ý nghĩa không?” ĐBQH Hòa nhấn mạnh.