Khi còn mang nghiệp quần đùi áo số, cả Klinsmann và Pep đều là những danh thủ xuất sắc. Họ là trụ cột của những đội bóng danh tiếng làm mưa làm gió khắp châu Âu và gặt hái những thành công là niềm mơ ước của mọi cầu thủ. Họ đến với Bayern Munich đều được các cổ động viên và ban lãnh đạo đặt rất nhiều kỳ vọng với những thành công nhất định đã đạt được trước đó. Trong khi Klinsmann giúp đội tuyển Đức “thay áo mới” bằng lối đá tấn công đẹp mắt, sắc sảo, quyến rũ hơn nhiều trong quá khứ và giành Huy chương đồng tại World Cup 2006, thì cả thế giới bóng đá đều biết về cú ăn 6 của Pep với Barcelona.
Họ cùng là những HLV đề cao sức trẻ và công cuộc đào tạo trẻ. Hãy nhớ lại đội tuyển Đức trước khi có Juergen Klinsmann. Đó là một cỗ máy già nua lâu ngày không được tu sửa khi rời Euro 2004 ở Bồ Đào Nha mà không có nổi 1 trận thắng. Klinsmann đến và mang theo làn gió mới mẻ từ phía bên kia bờ Đại Tây Dương tận nước Mỹ xa xôi cho đội tuyển Đức với nòng cốt đều là những cầu thủ trẻ chưa tiếng tăm. Lukas Podolski, Bastian Schweinsteiger là những cái tên nổi bật nhất và cho đến giờ họ đều đã là những ngôi sao. Dù không gắn bó lâu trên cương vị HLV nhưng không thể phủ nhận dấu ấn và công sức gây dựng của Klinsmann đã đóng góp rất lớn vào thành công của bóng đá Đức hiện giờ.
Pep thì khác. Ông tiếp quản một Barcelona đã rất thành công từ tay người tiền nhiệm Frank Rijkaard. Nhưng trong khi Barca của Rijkaard là một dàn sao từ Ronaldinho, Samuel Eto’o, Rafael Marquez, Deco … thì Barca của Pep là sự tổng hòa hoàn hảo bởi những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB: La Masia. Kỷ nguyên Pep đã sản sinh cho thế giới những cái tên kiệt xuất như Messi, Iniesta, Xavi.
Thêm một điểm giống nhau nữa, trước khi cập bến Allianz Arena, cả 2 vị HLV này đều có thời gian ở “ẩn” tại Mỹ. Nói tóm lại, giữa họ có quá nhiều điểm chung tốt đẹp. Tuy nhiên, chúng ta cùng hy vọng rằng Pep sẽ không phải ra đi như HLV trưởng đội tuyển Mỹ. Không có được công thức chiến thắng, Bayern thời Klinsmann dù rất nhiều ngôi sao nhưng chơi thiếu ổn định và phải hứng chịu một mùa giải trắng tay. Klinsmann bị sa thải và ban lãnh đạo Bayern buộc phải chấp nhận một cuộc cách mạng lối chơi thất bại.
Tương tự, chắc chắn Bayern của Pep sẽ khác với Bayern thời HLV Jupp Heynckes rất nhiều. Hãy nhìn vào hàng tiền vệ “khủng” của Bayern với 10 cái tên, tỉ lệ nghịch với hàng tiền đạo chỉ còn lại 2 cái tên là Manduzkic và Pizzaro. Vị chiến lược gia này đã manh nha áp dụng sơ đồ chiến thuật 4-6-0 với một tiền đạo ảo giống cách ông đã làm ở Barcelona. Chưa biết Tiki Taka kiểu Bayern có khởi sắc như Barca hay không nhưng Pep cần phải đảm bảo rằng đội bóng vừa giành cú ăn 3 lịch sử ấy luôn biết cách chiến thắng, để ông sẽ không đi theo vết xe đổ của Juergen Klisnmann.
Theo Thể thao Văn hóa