ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội thông tin, ngày 23/5, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH đã yêu cầu bộ Y tế, sở Y tế và các cơ quan chức năng báo cáo vụ việc liên quan đến 20.000 viên thuốc điều trị ung thư
ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP.HCM, ngành Y tế, sở Y tế TPHCM thực hiện chủ trương rất tốt để giảm bớt chi phí cho người dân bị bệnh này. Việc để 20.000 viên thuốc Tasgina phải tiêu hủy cũng có nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn tới việc trên.
Nguyên nhân chủ quan đầu tiên là do bệnh viện đang có 200 người ung thư máu nằm ở bệnh viện nên họ xác định và lập kế hoạch số người để xin thuốc này (thuốc tài trợ của Novatis Pharma - PV). Khi làm kế hoạch 200 người nhưng chỉ có 50 người đăng ký vì sử dụng thuốc này người bệnh mỗi năm phải bỏ ra 42 triệu đồng. 50 người đăng ký thì chỉ 26 người sử dụng. Điều này đầu tiên là do điều kiện khách quan của cả người bệnh nên bệnh viện đã xác định không chuẩn.
Tiếp đó, khi bệnh viện dùng đến 6 tháng và thuốc thời hạn sắp hết hạn nhưng lại không báo cáo kịp thời xin chủ trương chuyển hay như thế nào đó để sử dụng có hiệu quả. Cho nên là đến khi có lệnh tiêu huỷ nhưng bệnh viện vì lý do khách quan nên vẫn giữ thuốc trong kho. Vì thuốc này không thể ra ngoài được cũng như không thể dùng cho người không có bệnh này được.
Tôi cho rằng, việc thuốc này không ra ngoài là rất may. Việc quản lý chặt chẽ đến khi tiêu hủy số thuốc nên không ảnh hưởng gì.
Về nguyên nhân chủ quan có cả vấn đề từ phía cơ quan tài trợ, họ là cơ quan độc quyền cho nên tất cả việc di chuyển hay chuyển cho đơn vị khác hoặc nhượng cho bệnh nhân khác đều phải được sự đồng ý của họ nhưng cơ quan này đã không cho phép. Cho nên đó cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến bệnh viện không làm được gì.
Nhưng cái cần phải rút kinh nghiệm ở vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc điều trị ung thư này là thủ tục hành chính của chúng ta bị kéo dài qua các khâu. Theo báo cáo, khi bắt đầu làm thủ tục thuốc này là vào tháng 7/2013 và thuốc này chỉ có thời hạn trong 23 tháng.
Chúng ta làm thủ tục hết hơn 9 tháng qua rất nhiều khâu. Cục Quản lý dược cũng qua 2 lần, UBND TP HCM cũng như vậy mà cái kéo dài thời gian nhất là tổ chức Hữu nghị TP. HCM kéo dài trong vòng 3 tháng xét duyệt. Trong khi đó, quy định của NĐ 93 chỉ 20 ngày.
Chính vì thế, việc này dẫn đến tình trạng khi làm được thủ tục để thuốc về đến cảng, thuốc chỉ còn hạn 10 tháng và khi thuốc vào đến kho của bênh viện và bắt đầu người đầu tiên sử dụng của thuốc này thì chỉ còn ít thời gian. Hệ lụy là đến khi thuốc này dùng 6 tháng rồi vẫn còn 1/3 số thuốc”.
ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tình trạng trên xảy ra nhưng bệnh viện đã không nhanh chóng báo cáo các cơ quan chức năng để có hướng xử lý hoặc tiêu hủy. Thuốc thì một số bệnh rất cần nhưng không phải ai cùng có thể dùng loại thuốc này, vì vậy dùng cho ai phải tính toán rất cụ thể.
Qua sự việc này, chúng ta rút ra 2 vấn đề. Thứ nhất là kết luận của bệnh viện, xác định kế hoạch để xin chỉ tiêu không chuẩn (nhưng có điều kiện khách quan lúc đăng ký thì nhiều khi dùng thì chỉ có 26 người dùng thôi). Người dùng phải bỏ ra 42 triệu/năm, với nhiều người không có điều kiện nên họ không dùng.
Điểm thứ hai là khi thuốc sắp hết hạn, bệnh viện không có biện pháp tiêu hủy hoặc báo cáo để điều chuyển. Một điểm hạn chế là đơn vị tài trợ không cho phép điều chuyển thuốc đi nơi khác. Việc này chúng tôi đang đề nghị cơ quan tài trợ báo cáo.
ĐB Bùi Sỹ Lợi chia sẻ: "Không phải bệnh viện và TP. HCM vô cảm mà vấn đề do vấn đề khách quan trong đó có 2 yếu tố chủ quan (chủ quan của BV về mặt kế hoạch, thủ tục chưa chính xác và thủ tục hành chính của chúng ta quá dài khi nhập một lô thuốc rất đặc biệt này mà kéo dài trong 9 tháng 26 ngày). Đây là bài học đáng phải rút kinh nghiệm.
Hôm qua Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH có nghe, và Ủy ban sẽ có báo cáo UB TVQH và đề nghị bộ Y tế xử lý các thủ tục hành chính còn bất cập. Cố gắng làm sao để thời gian tới không bị lãng phí thất thoát dù là thuốc tài trợ nhưng để phải tiêu hủy là cực kỳ lãng phí”.
Đỗ Thơm