Các nhà cổ sinh vật học Mỹ khẳng định, những loài khủng long ăn cỏ khổng lồ, trong đó bao gồm cả loài Diplodocus, động vật lớn nhất từng tồn tại trên mặt đất, đều phải thay răng thường xuyên nhằm chống lại tác động của sự bào mòn.
Thay răng thường xuyên giúp những loài ăn cỏ khổng lồ dễ dàng tiêu hóa nhiều loại thức ăn.
Tiến sĩ Michael D'Emic, làm việc tại trung tâm nghiên cứu khủng long có trụ sở tại New York, Mỹ cho rằng, sở dĩ loài khủng long khổng lồ có thể thay răng thường xuyên bởi chúng có nhiều lớp răng phát triển song song. Khi lớp răng bên ngoài rụng đi cũng là thời điểm chiếc răng mới đã sẵn sàng công việc nhai thức ăn. Quá trình này diễn ra liên tiếp trong suốt cuộc đời những loài khủng long ăn cỏ khổng lồ.
Thông qua việc đếm các lớp “răng sữa” từ những bộ xương hóa thạch, các nhà khoa học nhận thấy khủng long ăn cỏ khổng lồ có nhiều hơn một chiếc răng dự phòng. Cụ thể, hóa thạch của loài Camarasaurus cho thấy, nó có tới 3 chiếc “răng sữa” để thay thế cho một chiếc răng đang hoạt động. Theo tính toán, chu kỳ thay răng của loài này vào khoảng 62 ngày/lần.
Khủng long Diplodocus.
Dù nhiều nhưng số răng dự phòng của Camarasaurus vẫn chưa thể sánh bằng với số “răng sữa” của gã khổng lồ lớn nhất trong muôn loài Diplodocus. Những con khủng long ăn cỏ này sở hữu tới 5 chiếc “răng sữa” bên dưới chiếc răng đang hoạt động. Do khối lượng lớn tỉ lệ thuận với lượng thức ăn mà Diplodocus ngốn vào, răng của loài động vật này được thay thế với chu kỳ 35 ngày/lần.
Tuy khá mất công nhưng việc thay răng liên tục giúp cho các loài khủng long ăn cỏ khổng lồ có thể tiêu hóa được nhiều loại thực phẩm khác nhau. Trong bối cảnh thức ăn ngày càng khan hiếm, việc tiêu thụ được nhiều loại thức ăn là lợi thế sinh tồn mà hai gã khổng lồ Camarasaurus và Diplodocus sở hữu. Không phải cạnh tranh thức ăn phần nào giải thích cho kích cỡ khổng lồ mà những loài động vật này sở hữu.
Theo Bưu điện Việt Nam