Khi Tiger Woods khởi nghiệp vào năm 1996, chẳng mấy người tin rằng, chàng trai có nước da ngăm đen và mang trong mình dòng máu Thái Lan này lại có thể trở thành một ngôi sao lớn trong làng golf, kiếm tiền như nước. Theo Golf Digest 50, trong năm 2013 vừa qua, Tiger Woods đã thu về tổng cộng 83 triệu USD và nâng tổng số tài sản của anh lên mức 1,3 tỉ USD.
Tài sản của Tiger Woods đã cán mốc 1,3 tỉ USD
Trong 1,3 tỉ USD của Tiger Woods nói trên, chỉ có 155 triệu USD là tiền thưởng từ các giải đấu (chiếm 12%), 1,16 tỉ USD (88%) còn lại đến từ những bản hợp đồng quảng bá và tài trợ giá trị với Nike, General Motors, Titleist, General Mills, American Express, Accenture, Beaverton, TAG Heuer, Electronic Arts, Gillette, Gatorade, Oprah Winfrey… Con số này tiếp tục tăng thậm chí trong lúc anh khủng hoảng vì scandal tình ái và li dị cách đây 4 năm.
Thực tế, nếu không dính phải scandal tình ái và bị cô vợ cũ Elin Nordegren lôi ra tòa hồi năm 2009, tài sản của Tiger Woods đã có thể sớm cán mốc 1 tỉ USD. Trước đó, mỗi năm golf thủ 38 tuổi này đều đặn bỏ túi trên 100 triệu USD. Năm 2010, thu nhập của Tiger Woods khá bết bát và phải bước sang năm 2011, anh mới phục hồi thu nhập ở mức 62 triệu USD.
Hồi tháng 10.2011, Tiger Woods trở thành vận động viên thể thao đầu tiên trên thế giới kiếm được 1 tỷ USD. Ngôi vị vận động viên được trả lương cao nhất thế giới của Tiger Woods gần như không ai đủ sức “phế truất”. Năm ngoái, anh cũng bỏ xa “phần còn lại” với thu nhập 78,1 triệu USD. Chỉ có Roger Federer (tennis) đứng gần Woods nhất, với 71,5 triệu USD.
Đứng ngay sau Tiger Woods trong danh sách các golf thủ có thu nhập đỉnh nhất 2013 là Phil Mickelson, với thu nhập ở mức 52 triệu USD (làm tròn số). Trong số 52 triệu USD của Mickelson, chỉ có 7 triệu USD đến từ các giải đấu, 45 triệu USD còn lại đến từ quảng bá và các thu nhập khác không liên quan đến các trận đấu chuyên nghiệp. Trong khi đó, Arnold Palmer, 84 tuổi và được xem là biểu tượng của làng golf, đứng thứ 3, với 40 triệu USD.
Lâm Anh