Vừa bảo lưu quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Myanmar vừa muốn có quyền hoàn toàn tự do hành động trong cả những tiếp xúc với những quốc gia lớn khác, không chỉ riêng với Hoa Kỳ mà còn với Nga, - như nhận định của ông Vasily Kashin chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ.
Hồi tháng 3/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến Myanmar trong chuyến công du chính thức. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Liên Xô và sau này là Nga đến đất nước châu Á này trong 50 năm qua. Còn tháng trước cũng đã có chuyến thăm đáp lễ đến Nga. Matxcơva đón tiếp Tư lệnh trưởng lực lượng vũ trang của Cộng hòa Myanmar, Đại tướng Min Augung Hlayn. Trong quá trình hội đàm ở Matxcơva các bên đã tuyên bố chủ trương “đẩy mạnh quan hệ Nga-Myanmar trong lĩnh vực quân sự”.
Tiêm kích đánh chặn Mig-29 do Nga chế tạo trong biên chế Không quân Myanmar
Myanmar là đất nước không giàu với ngân sách quân sự tương đối nhỏ. Tuy nhiên, nước này đã mua số lượng lớn vũ khí của Nga, trong đó có máy bay tiêm kích MiG-29, trực thăng vận tải Mi-17 và trực thăng chiến đấu Mi-24, cũng như các tổ hợp tên lửa phòng không "Pechora-2M". Trong các trường đại học quân sự của Nga hiện đang có hơn 150 sinh viên Myanmar theo học.
Gần đây, năm 2009, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport đã ký kết một hợp đồng mới trị giá 412 triệu ơ-rô (khoảng 547 triệu đô-la) để cung cấp cho Không quân Myanmar 20 tiêm kích MiG-29 với các biến thể khác nhau bao gồm 10 chiếc MiG-29B (biến thể xuất khẩu 9-12B), 6 chiến đấu cơ nâng cấp MiG-29SE (9-13SE) và 4 máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi MiG-29UB.
Theo hợp đồng được ký kết, trong tháng 12 năm 2011, Công ty MiG đã bàn giao cho Myanmar 14 chiếc MiG-29SE/B đầu tiên. Sáu chiếc MiG-29 còn lại theo hợp đồng này đã được chuyển giao cho Không quân Myanmar trong năm 2012.
Hợp tác quân sự và kỹ thuật-quân sự là những thành tố quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa Nga và Myanmar. Sự hiện diện của Nga trong nền kinh tế của Myanmar chưa đáng kể, kim ngạch thương mại chỉ ở mức 150 triệu USD/năm, trong khi khối lượng trao đổi hàng hóa của Myanmar với Trung Quốc là hơn 4 tỷ USD. Trung Quốc cũng chiếm tỷ lệ 35% toàn bộ đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Myanmar, yếu tố này làm gia tăng mối e ngại của ban lãnh đạo nước sở tại về sự bành trướng của Bắc Kinh trong nền kinh tế quốc dân Myanmar. Đồng thời, từ lâu Trung Quốc là đối tác chính trị then chốt của Myanmar, khi đất nước này chịu đựng sự cô lập quốc tế và nằm dưới áp lực nặng nề của phương Tây.
Trong hàng loạt trường hợp, như khi ký kết hợp đồng mua máy bay MiG-29 vào năm 2009, trước nhiều mời chào của các nước, Myanmar rõ ràng thiên về lựa chọn vũ khí Nga. Có thể là ở đây, Myanmar nhận biết một ưu thế của Nga trong khoảng cách địa lý xa xôi cũng như hiện diện còn yếu tại khu vực. Động tác mua vũ khí Nga không mang đến cho Myanmar bất kỳ sự mạo hiểm nào gắn với viễn cảnh lệ thuộc chính trị ngày càng tăng vào một cường quốc hùng mạnh.
Trong khi đó, vừa bảo lưu quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Myanmar muốn giữ được quyền tự do hành động và liên hệ với các quốc gia lớn khác nữa. Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng nhất trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự, nhưng Myanmar cố gắng giữ tỷ lệ Trung Quốc trên thị trường quân sự của nước mình trong khuôn khổ nhất định.
Hiện Trung Quốc vẫn giữ đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của lực lượng hải quân Myanmar. Ví dụ, tháng 3/2012, Trung Quốc đã chuyển cho Myanmar hai chiếc tàu khu trục cũ 053H1 rút từ thành phần đội tàu của nước mình. Myanmar đang đóng khu trục hạm mới Kyan-Sit-Thar (F12), với sự giúp đỡ của Trung Quốc, có lẽ dựa trên cơ sở đề án Trung Quốc 054A.
Khinh hạm Giang Hồ II Type 053H của Hải quân Myanmar trong chuyến thăm Việt Nam
Đồng thời, Myanmar dự định sử dụng rộng rãi trên con tàu này những vũ khí và hệ thống điện tử của các nước khác. Có giả thiết rằng khu trục hạm sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa chống tàu Kh-35 do Nga sản xuất cũng như radar và thiết bị điện tử khác từ công ty Ấn Độ Bharat Electronics.
Myanmar muốn mua tên lửa đối hạm cận âm Kh-35 (Uran-E) giống như của Việt Nam
Nhiều khả năng là sự hợp tác giữa Myanmar và Nga trong lĩnh vực vũ khí hải quân sẽ được tiếp thêm xung lực mới trong chuyến thăm của hải đoàn tàu chiến thuộc hạm đội Hải quân Nga, hoạt động được chờ đợi vào cuối năm 2013.
Nga cố gắng mở rộng hiện diện toàn cầu của hạm đội nước mình. Khả năng sử dụng các hải cảng Myanmar có thể hữu ích cho các tàu Nga trên Ấn Độ Dương. Nguyện vọng của Myanmar về phát triển các cơ sở sản xuất cho ngành công nghiệp quân sự riêng của nước mình có triển vọng nhận sự hỗ trợ từ phía Nga. Cụ thể, Myanmar có thể được đề xuất những mẫu tàu nổi và hệ thống phòng không khác nhau.
Phong Dao (Theo VOR)