Theo truyền thống thiền Nhật Bản ngày xưa, những tăng sĩ đi vân du khắp nơi, nếu muốn ngủ trọ qua đêm ở một ngôi chùa hay tịnh xá nào, đều phải thắng trong cuộc tranh luận tay đôi với vị sư chủ trì chùa ở đó. Nếu không thắng được, vị du tăng đó phải đi, không được phép ở lại, dù chỉ một đêm.
Bên tai tôi, như có một giọng nói đang kể lại câu chuyện thiền, rằng tại ngôi chùa cổ tự phía bắc Nhật Bản, có hai anh em nhà sư chủ trì chùa, trong đó người anh thông thái, biện luận vô cùng thiện xảo, còn người em ngớ ngẩn, lù khù, lại còn chột một mắt. Khi có một vị du tăng đi ngang qua, muốn xin vào nghỉ tạm một đêm, người anh mệt mỏi, liền nói người em tiếp và tranh luận trong im lặng...
Chỉ ít giờ sau, thấy vị du tăng xin gặp người anh vái chào và xin ra đi. Ông bảo bị khuất phục bởi tài hùng biện của người em, nhưng thật ra, khi người em thuật lại câu chuyện đối thoại và tranh luận trong im lặng đó, người anh mới bất ngờ biết được, hai người đã hiểu hoàn toàn khác nhau thứ ngôn ngữ thể hiện qua cử chỉ của những ngón tay...
Thi thoảng, tôi có dịp đến một vài ngôi chùa cổ kính ở Nhật Bản, rất ít khi gặp được sư thầy chủ trì, nên thật tình không rõ thực hư truyền thuyết nêu trên như thế nào. Nhưng rõ ràng, sự thắng- thua trong câu chuyện mang tính huyền thoại khiến cho tăng sĩ phải cố gắng dành phần thắng trong sự quyết liệt với người đối thoại.
Lời người dẫn chuyện nhận xét rằng, dường như tất cả các cuộc tranh luận đều có thể dẫn đến nhận thức sai lầm, vì cho đến tận cùng, vẫn chỉ là sự hơn thua lẫn nhau để có thể đạt được kết quả giải thưởng ”ngủ trọ qua đêm” trên cuộc đời này. Họ cũng lấy tiêu chí đó làm cái mốc đo lường tri thức và mức độ tu tập. Đó cũng chính là lý do vì sao các triết gia hay các luật sư, trong các cuộc tranh luận thường ít khi đạt tới chân lý hoàn toàn.
Tôi vừa đi qua một số phiên tòa, mà khi kết thúc rồi, lòng mình có điều gì đó không yên. Đôi khi, thấy mình quyết liệt tranh cãi, cốt làm sao để chứng minh luận lý của mình là đúng, cố thuyết phục Hội đồng xét xử chấp nhận, thậm chí đẩy người tranh luận vào thế khó xử, không đủ căn cứ để đối đáp được, rồi tự tin bảo là không tranh luận có nghĩa là quý vị chấp nhận quan điểm của tôi rồi nhé!
Đã biết bao lần, qua các phiên tranh tụng nảy lửa như thế, khách hàng và thân nhân của họ xúc động về sự dấn thân quả cảm của luật sư. Nhưng rốt cuộc, tôi vẫn phải đón nhận thất bại ê chề, thậm chí còn bị bác bỏ không thương tiếc bằng những lời lẽ cũng không kém phần quyết liệt trong bản án.
Có thể, tôi đâu biết rằng, khi tôi cố gắng lấn át luận lý người khác, thấy đối phương lặng im, không thể tranh cãi gì thêm, thì ngay cả trong trường hợp quan điểm của mình được chấp nhận, thì chưa chắc người đối thoại với mình đã tâm phục, khẩu phục...
Sự ngộ nhận đó có thể bắt nguồn từ nhận thức không đầy đủ về vị thế nghề nghiệp, cũng như sự cách biệt ngày càng xa hơn về cách thức mở ra cuộc tranh luận. Như ở một phiên tòa căng thẳng mới diễn ra gần đây, trên hai cách tiếp cận và nhận diện bản chất vụ án khác nhau, dẫn đến tình trạng giữa công tố và luật sư, ai cũng bảo lưu quan điểm tranh luận của mình.
Đến khi bản án được tuyên, cũng không giải đáp được những vấn đề còn bỏ ngỏ qua cuộc tranh luận và nhiều người tỏ ra thất vọng. Bởi trong phiên tranh tụng đó, vẫn thiếu đi câu trả lời duy nhất cho một câu hỏi về vụ án này được khởi tố bắt nguồn từ đâu?
Nếu có một điểm chung thừa nhận là vụ được khởi tố từ thông tin đăng tải trên báo chí, Hội Nhà báo lên tiếng sớm hơn, ranh giới an toàn của hoạt động tác nghiệp báo chí được phân định rõ, thì số phận một nhà báo có thể đã được định đoạt theo một chiều hướng khác.
Nếu nhìn từ góc độ con người, mới thấy vì sao tâm trạng của vị nữ thẩm phán lại nhiều băn khoăn và áp lực như thế trước những yêu cầu chính đáng của luật sư và hình ảnh người mẹ già đang cơn hấp hối chờ bàn tay của đứa con dại khờ chữ nghĩa. Và tôi sẽ hiểu hơn, tại sao vị nữ công tố luôn nhìn đối thủ tranh tụng của mình bằng ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa tỏ ra thấu hiểu và miễn chấp phân tranh...
Rốt cuộc thì sẽ chẳng có ai thắng- thua trong cuộc tranh luận này, khi sự đồng cảm, xót xa của dư luận trước khuôn mặt già nua, nhăn nheo làm biến dạng những giọt nước mắt của người cha không còn nguyên vẹn chảy xuống.
Giả sử may mắn tôi có chiến thắng trong việc bảo vệ được quyền lợi cho một số phận, chứng minh được sự đúng đắn luận lý mà mình dựa vào để tranh luận, thì tôi cũng đã thua trước thực tại thân chủ của mình đã trải qua những tháng ngày nằm trong Trại tạm giam, và hình ảnh người vợ bụng mang dạ chửa chứng kiến cảnh chồng mình bị dẫn giải, kẹp giữa những sắc màu cảnh sát một ngày đầu năm mới cũng không bao giờ có thể xóa đi được...
Vâng, tôi đã bị chia cắt làm đôi bởi sự trái ngược nhau về cảm xúc, giữa sự phân tranh của lý lẽ và thực tại, để biết rằng ngay cả khi mình tìm được ”chỗ trọ qua đêm”, thì chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào vũ trụ tình thương và lòng bao dung vẫn còn ẩn khuất đâu đó trong con tim mỗi người.
Luật sư Phan Trung Hoài