"Cứ tìm xong mẹ đã…"
Trong căn nhà đơn sơ ở thôn Trung Thịnh (Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Tây cũ) ông Vũ Đức Thật, 70 tuổi, không nén được xúc động khi kể về hành trình đi tìm người em trai vẫn còn sống sót sau 60 năm thất lạc.
Ấy là năm Ất Dậu 1945, cả nước phải hứng chịu cảnh tang thương đói khát. Dù khi đó mới chưa đầy 9 tuổi, song ký ức về những ngày đói khát vẫn còn hằn in trong ông rõ mồn một. Nạn đói đã cướp đi mạng sống của cha và hai người trong số năm anh em nhà ông. Người cha đã chấp nhận chết đói để nhường cho ông và mấy anh em có được mẩu củ chuối, mẩu rãi khoai để giành giật cuộc sống với tử thần. Để tiếp tục sống, ông Thật và người chị gái là Vũ Thị Quặng (hiện nay đã 77 tuổi, đang sống ở thôn Họa Đống) phải đi làm thuê cho nhà giàu, mỗi người một phương.
Ba tháng sau khi cha mất, trên đường đưa người em út đi tha phương cầu thực, mẹ ông đã qua đời vì không chống lại được cơn đói. Mấy chị em ông Thật cũng mất mẹ và bặt tin cậu em út tên là Thà - 4 tuổi từ lúc đó. Xác mẹ ông chôn ở đâu cũng không rõ. Trong thâm tâm ông, cậu em út chắc chết đói ở đâu đó và có thể được người ta đem chôn vào hố chôn tập thể rồi. Gần đây, khi một người trong làng Trung Thịnh tìm được hài cốt Liệt sĩ thất lạc qua các nhà ngoại cảm thuộc sự quản lý của Liên hiệp Khoa học UIA, đã nhen lên trong ông niềm hy vọng. Ông cũng thử tìm đến cơ quan này để nhờ tìm với hy vọng mong manh.
Được sự hướng dẫn của các nhà khoa học, ông Thật cùng người con trai cả được tiếp xúc với nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện. Trước nhà ngoại cảm, ông Thật trình bày nguyện vọng muốn tìm hài cốt người mẹ và em trai thì cô Nguyện nói với ông: "Cứ tìm xong mẹ đã rồi hãy tính đến em!". Theo mô tả của cô Nguyện, "năm 1945, khi mẹ ông dắt theo người em út từ quê ra đến Thanh Trì (Hà Nội), qua ngôi chùa thuộc thôn Triều Khúc, xã Tân Triều thì qua đời do mệt và đói. Người dân qua đường đã chôn cất mẹ ông vào bãi tha ma của làng, nhưng sau này người ta di chuyển bãi tha ma đi để xây dựng khu nhà cao tầng tái định cư. Xương cốt mẹ ông hiện nằm trong khu đất ở của một người có tên chữ cái đầu là C".
Ông Thật nghe vậy thì thực sự kinh hoàng. Ông chưa nói bất cứ thông tin nào về người mẹ và em trai mình, kể cả các nhà khoa học, vậy mà cô Nguyện nói rất chính xác. Ông cảm tưởng như cô đang nhìn vào màn hình chiếc tivi vô hình đặt trong khoảng không đang phát ra những gì diễn biến tại ngôi chùa làng Triều Khúc cách nay 60 năm. Sau khi mô tả xong, cô Nguyện lấy giấy bút vẽ lại rất tỉ mỉ sơ đồ nơi có hài cốt của mẹ ông Thật. Cầm tấm sơ đồ khá chi tiết trên tay, lòng ông không khỏi nghi ngại, phấp phỏng: Liệu gia đình có may mắn tìm được hài cốt mẹ mình hay không?
Nhưng rồi, sự việc cứ thế trôi chảy, sau ba ngày tìm kiếm theo sơ đồ và sự hướng dẫn thêm qua điện thoại, ông Thật đã tìm được hài cốt của mẹ mình dù chỉ còn những mẩu nát vụn do khi chôn không có quan tài và đã 60 năm không được sang cát. Kỳ lạ thay, những thông tin như ngôi mộ nằm dưới gốc cây hồng xiêm, cạnh ngõ, chân nằm dưới tường nhà anh Triệu Văn Cường... đều đúng như chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện. Trong niềm xúc động lẫn vui mừng, ông Thật lại tìm gặp các nhà khoa học với những hy vọng sẽ tìm được... hài cốt em trai mình?!
… "Rồi hãy tính đến em!"
Sau khi trình bày kết quả tìm mộ mẹ mình, ông Thật nhờ cô Nguyện tìm tiếp mộ người em trai như lần trình bày trước. Thoáng chau mày, rồi rất bình thản, nhìn thẳng vào ông, cô Nguyện nói: "Em trai ông hiện nay vẫn còn sống, đã chết đâu mà đi tìm mộ!". Cả hai cha con ông bàng hoàng, sững sờ. Khách trong phòng tìm mộ ngồi chờ đến lượt cũng lặng đi. Sau khi trấn tĩnh, ông hỏi lại cô Nguyện rằng ông nghe lời cô chưa rõ: "Cô vừa nói gì thế ạ?".
- “Em ông hiện nay vẫn còn sống” - Cô Nguyện nhắc lại từng tiếng chậm rãi - "Em trai ông hiện nay vẫn còn sống”. Năm 1945, ông ấy đi cùng mẹ, khi bà chết, một người đã bế ông ấy đi theo hướng Cao Bằng - Lạng Sơn".
Tiếp tục nhắm nghiền mắt như trạng thái "xuất hồn", cô Nguyện xác nhận người em trai của ông Thật hiện đang sống ở một vùng đất thuộc TP.Thái Nguyên. Sau đó, cô Nguyện bật băng ghi âm và nói rằng: "Vì là người sống nên tôi không vẽ sơ đồ, chỉ cần tả đường đi, rồi cứ theo lời tả mà tìm sẽ thấy". Khi nghe được thông tin này, các nhà khoa học lập tức vào cuộc, theo dõi sát sao và ghi nhận lại khả năng "nhìn" xuyên không gian, thời gian để tìm người còn sống của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện. Nếu khả năng này có thật thì đây sẽ là kỳ tài, các nhà khoa học sẽ phải bỏ nhiều công sức nghiên cứu, theo dõi tiếp.
Cầm cuốn băng về, ông Thật và con cháu nghe đi nghe lại. Thật khó có thể tưởng tượng nổi vì sao chỉ ngồi một chỗ mà nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện lại có thể tả chi tiết đến từng cây cầu, con suối, từng kilômét đường đi. Trong niềm khấp khởi người em còn sống, ông và con cháu sắp xếp lên đường, mong nhanh chóng tìm lại được em mình.
Tìm em như thể… tìm chim
Hôm sau, ông Thật và một số người thân lên đường. Lần đi đầu tiên này, với mục đích của ông chủ yếu là tìm hiểu địa bàn. Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi theo hướng La Hiên - Đình Cả, ông cũng gặp "hai cầu cao và một cái cống nhỏ" có hình dáng, đặc điểm giống như lời mô tả trong băng. Đã khấp khởi mừng thầm vì bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng đi thêm một đoạn thì có đến 5 cái cống nhỏ nữa, cái nào cũng có hình thù giống nhau. Ông Thật và các con cháu chia nhau thành nhiều ngả, vào các làng xóm quanh khu vực hỏi han, song không ai biết chút thông tin gì về người em Vũ Văn Thà của ông. Mất phương hướng cộng với việc không liên lạc được với nhà ngoại cảm, bố con ông đành quay về.
Tìm gặp cô Nguyện để báo cáo kết quả của ngày tìm kiếm đầu tiên, ông được cô cho biết rằng ông đã đi sai hướng. Theo nhà ngoại cảm, hướng đúng phải là Thái Nguyên - Bắc Kạn. Vậy là cuộc tìm kiếm lại quay về điểm xuất phát. Lần này, ông Thật và người con trai cả lên đường từ rất sớm theo đường chính từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi Bắc Kạn. Khi nhận thấy các thông tin về địa hình, địa vật đã khá chính xác, ông cẩn thận liên lạc với cô Nguyện thì được cô chỉ dẫn ngay: "Bác đã đi quá 5km, phải lùi lại rồi rẽ phải vào khu vực gần ga ấy".
Trong thâm tâm ông nghĩ rằng, mọi chuyển động của bố con ông đều được nhà ngoại cảm đặc biệt kia nhìn thấy. Quay lại khoảng 5km, hai cha con ông rẽ phải theo hướng dẫn thì đến ga Quán Triều. Theo lời nhà ngoại cảm, trên đường đi sẽ gặp một doanh trại bộ đội. Đi tiếp 3km thì vào địa phận xã Cù Vân, thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Lúc ấy đã là giữa trưa, các ngả đường bố con ông đã đi qua hết để tìm kiếm dấu hiệu như nhà ngoại cảm miêu tả, song tin tức về người em trai vẫn bặt vô âm tín. Bao nhiêu hy vọng và dự định trong ông đã vơi đi ít nhiều. Có thể, ông không có duyên tìm được em trai mình dễ dàng như tìm thấy hài cốt mẹ. Nếu người em ông còn sống mà ông lại không tìm được thì những ngày cuối đời ông sống cũng không an lòng.
Buổi chiều, ông Thật tiếp tục gọi điện cho nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện để xin thông tin điều chỉnh và trình bày cả những băn khoăn trong lòng thì thật bất ngờ khi được cô "nhắc":
- Vẫn còn một con đường nhỏ bên trái dẫn vào chân núi, bố con bác chưa đi hả?
- Dạ… chưa ạ! – ông lúng túng vì chưa rõ có con đường này hay không.
- Rẽ vào 1km, cứ đi đi!
Loay hoay mãi rồi bố con ông Thật cũng tìm thấy một con đường nhỏ lẫn vào những tán cây mà bố con ông không để ý. Đi sâu 1km vào phía chân núi, ông nhận ra một ngôi nhà đúng như lời cô Nguyện mô tả, chỉ khác là bên trái không có cái ao nào. Tim đập thình thịch, ông Thật lò dò bước vào căn nhà đó với bao nhiêu hình dung về khuôn mặt người em trai đã thất lạc từ hơn 60 năm trước.
Tuy nhiên, người chủ nhà đó lại là ông Nguyễn Văn Chắc. Qua trò chuyện được biết ông Chắc là người còn cả bố mẹ và anh em. Vừa thất vọng, vừa không giấu được lòng mình, ông Thật đem câu chuyện về người em trai đã mất tích mấy chục năm kể cho ông Chắc. Không ngờ, ông Chắc cho biết trong vùng cũng có một người chừng tuổi như thế, được một người ở đây đưa về làm con nuôi từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, người đàn ông đó tên là Khương Văn Thông chứ không phải Vũ Văn Thà.
Nhận lời dò hỏi giúp, ông Chắc khuyên hai cha con ông Thật nên quay về đợi tin vì theo ông việc này không chắc chắn lắm, vả lại cũng không thể kết luận ngay được. Suốt 10 ngày ở quê, ông Thật sống trong thấp thỏm lo âu và hy vọng, song không thấy tin gì báo về. Không có tin của người đàn ông tên Chắc thì coi như hết hy vọng. Đúng dịp đó thì có một chị cùng xóm tên là Cần bảo rằng sắp tới sẽ về xã Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên) thăm mẹ đẻ (chị Cần mới làm dâu ở làng ông Thật mấy năm nay). Ông Thật vội vàng lấy mảnh giấy viết mấy chữ gửi chị Cần: "Tháng 12/1945, mẹ Trương Thị Vòng đưa em Vũ Văn Thà đi, sau khi mẹ mất có người đã nhận và đưa em lên Thái Nguyên làm con nuôi...".
Về xã Cù Vân, chị Cần đưa cho người đàn ông tên Thông mảnh giấy ghi mấy dòng chữ đó. Đọc những dòng chữ đó, ông Thông rơm rớm nước mắt. Ngày đó ông còn quá nhỏ, không nhớ được điều gì, nhưng khi lớn, trong những buổi sum họp gia đình, cha mẹ nuôi ông thường hay kể rằng, ông bà mua ông bằng một thúng gạo của một người lạ mặt. Người lạ mặt đó cũng kể rằng họ "nhặt" được ông dưới Hà Nội, khi mẹ ông chết đói. Cha mẹ nuôi ông không có con, đã nhận ông làm con nuôi, đặt tên cho ông là Khương Văn Thông và lấy năm khai sinh là 1945. Nặng ân nghĩa với cha mẹ nuôi, ông Thông coi họ như cha mẹ ruột của mình, hết lòng phụng dưỡng khi sống và hương khói thờ tự khi họ qua đời.
Nhưng tuổi càng cao, nỗi mong ngóng tìm về quê quán, cội nguồn càng xót xa. Ký ức đau thương thời thơ ấu dù lớn thế nào cũng không còn chút gì trong ông. Nhận được lá thư của người đàn ông lạ, nhưng như có linh tính mách bảo, ông Thông lập tức hồi âm với những lời lẽ tha thiết mong sớm được gặp mặt ông Thật.
Tìm 1 được 13?!
Ngay sau ngày nhận được thư của ông Thông, hai cha con ông Thật lại lên đường đi Thái Nguyên. Thật kinh ngạc khi cảnh vật nơi ông Thông ở đúng như lời mô tả trong băng ghi âm: "Từ mặt đông bắc trông ra, tay phải là bếp, tay trái là ao. Tiến vào một chút là vườn cây, vườn rau. Có hai nếp nhà và lên nhà phải qua bậc thang". Lòng trào dâng xúc động, nhưng ông Thật vẫn có phần e ngại vì hình dạng ông Thông khá khác biệt so với dự đoán của nhà ngoại cảm. Ông Thông cao hơn và khắc khổ hơn chứ không "trẻ hơn và thấp hơn".
Qua chỉ dẫn, người con ông Thật tìm gặp bà Tiễn (84 tuổi, là con nuôi lớn của bố mẹ ông Thông, thường tắm cho ông Thông khi nhỏ, hiện sống ở làng cạnh) và được bà kể mọi chuyện về thời thơ ấu khổ đau, lưu lạc của ông Thông y như nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện mô tả. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh vừa khóc vừa chạy về với chú ruột của mình. Trong lúc anh con cả của ông Thật đi "điều tra", ông Thật cũng "kiểm tra" tiếp bằng cách điện thoại về cho nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện. Kì lạ thay, ông Thật chưa kịp trình bày nỗi băn khoăn, cô Nguyện đã nói ngay: "Ông Thông chính là người em trai bị thất lạc của ông hơn 60 năm trước, ông không phải lăn tăn, điều tra gì nữa". Bao nhiêu tình cảm và mong chờ trong những ngày tìm kiếm chợt vỡ òa. Hai anh em ông Thật và ông Thà ôm chầm lấy nhau trong nước mắt chứa chan. Hôm sau, hai anh em về quê. Đón họ là những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi của con cháu, xóm làng.
Sau khi thắp nhang khấn vái bên mộ cha mẹ, trước bàn thờ tổ tiên và họ hàng thân thiết, ông Thông đã được nhận lại tên họ, quê hương, bản quán của mình sau hơn nửa thế kỉ lưu lạc. Cả gia đình ông Thật còn bàng hoàng khi nghe lại đoạn cuối trong cuốn băng ghi âm lời hướng dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện: "Tìm một mà được mười ba". Ban đầu ông còn chưa hết băn khoăn với thông tin này khi vợ chồng em trai ông có 2 con trai, 2 con gái đều đã xây dựng gia đình, lại có 2 cháu nội, 2 cháu ngoại. Tổng cộng là 14 người chứ sao lại 13? Khi ông Thông kể một cô con gái đã ly hôn chồng thì con số 13 quả là đúng! Lúc đó, ông hoàn toàn "tâm phục khẩu phục" với dự báo của nhà ngoại cảm "Tìm một được mười ba".
Sau khi tìm được em trai Vũ Văn Thà, ông Thật tiếp tục tìm được mộ chị gái Vũ Thị Quắng ở giữa cánh đồng xã Phương Tú (Ứng Hòa). Bà Quắng bị chết đói năm 1945, khi 11 tuổi và được người ta chôn luôn ngoài cánh đồng. Đặc biệt, trong một chuyến đi vỏn vẹn một tuần, bằng sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện, bố con ông Thật còn tìm tiếp được hai liệt sĩ nữa, là anh vợ và em vợ ông Thật. Hài cốt liệt sĩ Vũ Hồng Quân được tìm thấy ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) và liệt sĩ Vũ Hồng Quang được tìm thấy giữa nông trường cà phê bạt ngàn thuộc xã Đắk Sắk (Đắk Nông)n
Quỳnh Như (Tổng hợp)