Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các cơ quan quản lý, chính quyền một số địa phương đang có dự án điện mặt trời, các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, thảo luận làm rõ tiềm năng phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đánh giá thuận lợi, khó khăn và lựa chọn các công nghệ phù hợp. Đây cũng là dịp để các chủ đầu tư điện mặt trời tiếp cận với các quỹ tài chính quốc tế, qua đó huy động vốn và tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua dự án đầu tư.
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận 3 chủ đề: Thách thức và các rào cản trong việc triển khai các dự án điện mặt trời tại Việt Nam từ cái nhìn đa chiều gồm cơ quan quản lý, nhà đầu tư, nhà thầu công nghệ, quỹ tài chính quốc tế; Các bước thủ tục cần thiết để xây dựng, phát triển và vận hành thành công các dự án năng lượng mặt trời ứng dụng công nghệ mới tại Việt Nam; Giải pháp vốn thành công cho dự án thành công tại Việt Nam và nguồn tài chính cho dự án.
Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng cục Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, bộ KH&CN cho hay: Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ cao, trung bình trong giai đoạn 2011 – 2017 lên tới 11% năm, dự kiến nhu cầu này còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Vì vậy, yêu cầu đa dạng, khai thác có hiệu quả và bền vững các nguồn năng lượng có ý nghĩa chiến lược để phục vụ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng của Việt Nam.
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật điện năng lượng mặt trời không còn là nguồn điện “xa xỉ” đối với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể tiềm năng năng lượng mặt trời cũng như đầu tư xây dựng những công trình điện mặt trời.
Theo Huy An (Báo Tài nguyên & Môi trường)