5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 2 đợt bùng phát dịch Covid-19: Đợt 1 bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh ngay trước Tết Nguyên đán và kéo dài khoảng 1 tháng; Đợt 2 từ ngày 27/4/2021, cũng là đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có vấn đề lao động, việc làm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập (2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập).
Về tình hình cụ thể, Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, dịch bệnh tác động mạnh vào những ngành, nghề, khu vực, nhóm lao động chủ yếu, số lượng người có việc làm phi chính thức gia tăng do nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động thời gian dài.
Do yêu cầu phòng dịch, cơ hội tìm kiếm được việc làm trong khu vực chính thức gặp khó khăn nên người lao động buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định, thu nhập không cao (có 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng).
Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.
Xét theo 3 khu vực, lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (7,5%). Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng (16,5%), khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (20,4%).
Tính chung đến nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu người. Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng, hiện có 40.000 lao động đã hoàn tất các thủ tục, nhưng chưa thể xuất cảnh.
Đặc biệt dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới thị trường lao động, sản xuất kinh doanh tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang buộc phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc, tỉnh Bắc Ninh có 42.000 lao động trên tổng số 320.000 lao động phải ngừng việc.
Tại TP. Hà Nội, TP Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,… một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.
Trước thực trạng này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ được tổ chức đầu tháng 5/2021, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ giao bộ LĐ-TB&XH khẩn trương nghiên cứu, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, các hoạt động hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất; trong đó, tập trung cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế, cũng như nhu cầu sử dụng lao động.
Cùng với đó lãnh đạo Tổng cục Thống kê đề xuất, các địa phương tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức, nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất hiện nay là chú trọng đào tạo lại nguồn nhân lực, vì thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ vào những công đoạn và quy trình sản xuất mà máy móc thiết bị có thể thay thế người lao động để yêu cầu giãn cách xã hội không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Để xã hội ổn định, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần tạo dựng quỹ an sinh xã hội để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những lao động bị mất việc làm. “Các chính sách này không những duy trì được hoạt động sản xuất mà còn là giải pháp nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế,” ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Bên cạnh đó, bộ LĐ-TB&XH cũng đang đề xuất chi trả bảo hiểm xã hội (BHXH) theo mức hưởng của chế độ ốm đau cho người lao động phải nghỉ việc đi cách ly y tế để phòng, chống COVID-19.
Theo quy định khoản 3 điều 99 Bộ luật lao động 2019, người lao động ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm thì được người sử dụng lao động trả lương ngừng việc. Mức lương ngừng việc theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu trong 14 ngày nghỉ việc đầu tiên.
Tuy nhiên, bộ LĐ-TB&XH nhận định, thời gian cách ly y tế thực tế có thể kéo dài trên 14 ngày theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người lao động do phải cách ly y tế, bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất Chính phủ xem xét, giải quyết chế độ BHXH đối với đối tượng trên.
Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 điều kiện đối với địa phương và người lao động để được hưởng chế độ BHXH khi cách ly:
-Với người lao động, những người này phải tham gia BHXH bắt buộc và có đóng BHXH bắt buộc tháng liền kề trước khi nghỉ việc vì cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19, có giấy tờ liên quan việc phải cách ly y tế như "quyết định cách ly y tế"...
-Đối với địa phương, bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% dân số trở lên.
Phương án 2 là tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có tỉ lệ người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% trở lên.
Mức hưởng chế độ sẽ tính theo quy định tại khoản 1 điều 28 Luật BHXH về mức hưởng chế độ ốm đau, tức là bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương bình quân tháng đóng BHXH năm 2020 là 5,6 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp này là 175.000 đồng/ngày.
Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý, trường hợp hỗ trợ 300.000 người lao động trong 21 ngày cách ly (tương ứng với 18 ngày làm việc) thì số tiền hỗ trợ ước tính là khoảng 945 tỉ đồng, bằng 7,4% kết dư quỹ ốm đau và thai sản hiện nay.
Minh Hoa (T/h)
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)