Bạn sẽ hoài công tìm kiếm một người bán vé bằng xương bằng thịt. Bạn sẽ bất lực đứng trước một cái máy tự động và phải tìm mọi cách để moi ra một tấm vé.
Nói cho ngắn gọn: Nếu như không có sự giúp đỡ của người khác thì ngay cả khi biết tiếng Đức trôi chảy, bạn cũng không thể hiểu được những quy định hết sức rắc rối cho giá vé.
Bạn sẽ đứng đực mặt ra trước cái sơ đồ mạng lưới giao thông được chia ra thành nhiều ô như tổ ong ấy để cố tìm xem điểm đến của bạn nằm trong ô nào và bạn phải mua loại vé nào có giá trị cho bao nhiêu ô? "Vùng ngắn" là cái quái quỷ gì? Mua vé chỉ cho một chuyến đi thì tốt hơn hay là mua một vé đi được nhiều chuyến? Có phải mua vé cho trẻ em hay cho xe đạp mang theo hay không? Có bán vé "gia đình" hay không và nếu có thì "gia đình" ở đây là bao nhiêu người, có hiệu lực chỉ trong cuối tuần hay cho cả trong tuần? Có bán vé đi vào ban đêm (rẻ tiền hơn) hay không và nếu có thì bao giờ bắt đầu có hiệu lực? 22 giờ hay 0 giờ?
Bạn hãy tự an ủi mình khi biết rằng người Munich đến Hamburg hay người Frankfurt đến Berlin lúc đứng trước cái máy bán vé tự động cũng lúng túng hệt như bạn vậy.
Kẻ xấu mồm xấu miệng (người Đức họ dùng cụm từ "những cái lưỡi ác độc") nói rằng các quy định hết sức bí ẩn của giá vé trong giao thông công cộng tại Đức là một phần của chương trình huấn luyện trí thông minh dài hạn trên toàn quốc nhằm giữ vững vị trí của nước Đức như một nơi đầu tư của công nghệ cao.
Bạn hãy tự an ủi mình bằng cách nghĩ rằng tuy người Đức thỉnh thoảng có thể là ngông cuồng hay điên rồ – theo như bạn hiểu – nhưng không bao giờ họ làm điều gì mà không có lý do hay không có lập luận logic cả. Có thể đến một lúc nào đó bạn sẽ hiểu nhưng thật ra điều này ít có khả năng xảy ra và cũng không cần thiết nữa.
Nhưng có một điều bạn không được quên trong bất cứ tình huống nào: Khi bước lên tàu điện hay xe buýt bạn phải đưa cái vé đó vào một cái máy để nó dập lỗ hay đóng dấu lên trên tấm vé.
Nếu bạn hoàn toàn không biết tiếng Đức thì đó cũng là điều may mắn cho bạn. Vì các cơ quan hành chính Đức đã tìm ra được một khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn cho cái việc đó. Họ gọi đó là entwerten – làm mất giá trị, và những cái máy nho nhỏ đó được gọi (một cách rất logic) là Entwerter – máy làm mất giá trị.
Bạn phải tin rằng chỉ có thể bắt đầu chuyến đi bằng một cái vé đã bị làm mất giá trị. Nếu không thì bạn có thể sẽ lâm vào hoàn cảnh của vị khách du lịch người Mỹ kia, đã hành trình dài từ Hawaii sang đến tận Munich mà không gặp phải bất kỳ một biến cố nào.
Ông ta bước lên chuyến tàu tại Cảng hàng không quốc tế Munich với một tấm vé "còn giá trị", tức là không đóng dấu. Khi về đến nhà ga chính của Munich ông bất thình lình lọt vào một đợt kiểm tra vé có quy mô lớn giống như một cuộc bố ráp vây bắt cướp. Do không những ông không biết tiếng Đức mà nhân viên kiểm soát cũng không biết tiếng Anh nên ông đã bị mang về đồn cảnh sát gần nhất và bị giữ ở đó nhiều tiếng đồng hồ. Vì ông ta đã không làm mất giá trị cái vé và nhất định không chịu nộp tiền phạt vì đi lậu vé.
Ngay từ câu chuyện vặt này, bạn đã có thể rút ra rằng nét quyến rũ của người Đức nói chung là thuộc dạng cay đắng chứ không phải dạng làm vừa lòng hay thậm chí đến dạng ngọt ngào như của những dân tộc khác. Nhưng nó có ưu điểm là bao giờ người ta cũng biết được người khác đang nghĩ gì về mình (hết).
Phan Ba